Tương lai Afghanistan còn để ngỏ

Cuối tuần trước, các vòng đối thoại giữa Taliban và Mỹ tại Doha (Qatar) đã khép lại và được đôi bên đánh giá là mang tính “tích cực”. Tuy nhiên, những kết quả mờ nhạt sau vòng đàm phán đã cho thấy hành trình mới chỉ ở điểm khởi đầu. Tương lai hòa bình, ổn định cho người dân Afghanistan vẫn còn đang để ngỏ.

Ngày 10/10, Mỹ đánh giá vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên với Taliban kể từ khi phong trào Hồi giáo này giành chính quyền tại Afghanistan vào tháng 8 vừa qua đã diễn ra một cách thắng thắn và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Mỹ tái khẳng định lập trường sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động chứ không chỉ riêng lời nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, các vòng đàm phán giữa các đại diện nước này với phong trào Taliban ở Doha (Qatar) cuối tuần trước chủ yếu tập trung vào các vấn đề như an ninh; chủ nghĩa khủng bố; việc di dời an toàn công dân Mỹ, công dân nước ngoài, công dân Afghanistan; các vấn đề về nhân quyền, trong đó có vai trò tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi khía cạnh xã hội ở Afghanistan. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về tầm nhìn của Mỹ nhằm thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ nhân đạo trực tiếp tới người dân quốc gia Tây Nam Á.

“Các cuộc thảo luận đã diễn ra thẳng thắn và chuyên nghiệp. Trong đó, phái đoàn Mỹ tái khẳng định quan điểm sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động, chứ không chỉ riêng bằng lời nói” – ông Price nói. Tuy nhiên, phát ngôn viên này không tiết lộ liệu hai bên có đạt được thỏa thuận nào trong các vòng đàm phán vừa diễn ra ở Doha hay không.

Cũng trong cuối tuần trước, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ, Washington cũng sẽ nhân cơ hội đàm phán trực tiếp với Taliban để hối thúc lực lượng này trao trả tự do cho công dân Mỹ Mark Frerichs bị bắt giữ. Một trong những vấn đề ưu tiên khác mà Mỹ đề cập tới trong đàm phán đó là việc kêu gọi Taliban giữ vững cam kết không cho phép Afghanistan trở thành sào huyệt của al Qaeda hoặc các lực lượng cực đoan khác.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al Jazeera có trụ sở ở Qatar dẫn lời quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi tiết lộ, các đại diện Taliban đã đề nghị Mỹ gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với các khoản dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan. Về phía Mỹ cũng khẳng định sẽ hỗ trợ vaccine COVID-19 cho Afghanistan. Trong khuôn khổ đối thoại, các đại diện Mỹ và Taliban đã thảo luận về triển vọng “mở ra một chương mới” trong quan hệ đôi bên.

Cũng theo Al Jazeera, phái đoàn Taliban đánh giá cuộc đàm phán với các đại diện Mỹ tại thủ đô Doha của Qatar đã diễn ra "một cách hiệu quả". Kênh truyền hình này dẫn lời quyền Bộ trưởng Thông tin của Taliban cho biết chính phủ mới được thành lập tại Afghanistan hy vọng cuộc gặp này sẽ là một bước tiến hướng tới việc Washington công nhận chính quyền Taliban.

Al Jazeera cho rằng, vẫn cần lạc quan thận trọng về kết quả đàm phán, bởi vẫn còn khá nhiều khoảng cách giữa những mong muốn của Mỹ và chính phủ mới thành lập ở Afghanistan. Lộ trình tương lai của Afghanistan còn để ngỏ, phụ thuộc vào hành động thực tế của lực lượng Taliban. Tuy nhiên, ổn định tình hình vẫn là vấn đề cần ưu tiên để làm cơ sở cho việc triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo.

Tháng 8/2021, Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan trong một diễn biến “bước ngoặt” của chiến dịch quân sự Mỹ theo đuổi ròng rã 20 năm ở đất nước Tây Nam Á. Cuối tuần trước, một số quan chức Mỹ nhấn mạnh, việc nước này đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Taliban chỉ là sự tiếp nối các “cam kết mang tính thực dụng” giữa đôi bên chứ không thể hiện rằng Mỹ công nhận Taliban.

Hiện Mỹ và nhiêu nước phương Tây đang loay hoay phương án hỗ trợ nhằm cải thiện khủng hoảng nhân đạo ngày một diễn biến xấu ở Afghanistan. Một mặt, các nước này đang tìm kiếm sự tương tác trong khi không công nhận tính hợp pháp của Taliban, mặt khác lại muốn bảo đảm sự khai thông của dòng chảy viện trợ nhân đạo vào Afghanistan./.

Thu Lan (Theo Reuters, Al Jazeera)