Bất chấp đổ máu, hàng nghìn người Myanmar vẫn xuống đường biểu tình

Bất chấp hàng trăm người thiệt mạng trong hôm 27/3, nhiều cuộc biểu tình vẫn diễn ra trên khắp Myanmar kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính, bắt giữ nhà lãnh đạo Aung Sang Suu Kyi.

 

Hãng thông tấn Reuters, trích dẫn ghi nhận từ truyền thông địa phương và các nhân chứng, cho biết ít nhất 2 người đã thiệt mạng và một số người bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình tại một khu phố ở Yangon. 

Bất chấp đổ máu, hàng nghìn người Myanmar vẫn xuống đường biểu tình
Một người thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại Thaketa, Yangon hôm 29/3. Ảnh: Myanmar Now

Theo ước tính từ tổ chức Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tổng cộng 462 dân thường Myanmar đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối đảo chính.

Cảnh sát và người phát ngôn quân đội Myanmar hiện chưa đưa ra bình luận trước vụ việc trên. 

Bất chấp tình hình bạo lực, nhiều cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trong hôm 29/3 ở các thành phố Bago, Minhla, Khin-U, Pinlebu và Taze, Mawlamyine ở phía nam, Demoso ở phía đông và Hsipaw và Mytitkyina ở phía bắc Myanmar, theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông địa phương và mạng xã hội.

Bất chấp đổ máu, hàng nghìn người Myanmar vẫn xuống đường biểu tình
20.000 tham gia biểu tình phải đối đảo chính tại Tangse, Sagaing hôm 29/3. Ảnh: Myanmar Now

Theo Reuters, khoảng 3.000 dân làng đã phải sơ tán sang Thái Lan.

Nhiều cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra vào cuối tuần qua giữa quân đội chính quy Myanmar và các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy thiểu số Liên minh Quốc gia Karen (KNU), ở các khu vực giáp biên giới với Thái Lan.

Trong khi đó ở phía bắc Myanmar, giao tranh cũng đã nổ ra tại một khu vực thác ngọc bích ở thị trấn Hpakant hôm 28/3, khi tay súng của lực lượng nổi dậy Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tấn công một đồn cảnh sát của thị trấn, theo ghi nhận của hàng tin Myanmar Kachinwaves.

Bất chấp đổ máu, hàng nghìn người Myanmar vẫn xuống đường biểu tình
Nhiều dân làng phải sơ tán vào rừng sau khi quân đội Myanmar tiến hành không kích vào các khu vực do lực lượng KNU kiểm soát. Ảnh: Reuters

Nhiều quốc gia phương tây như Mỹ, Anh, Đức và Liên minh châu Âu tiếp tục lên án tình trạng bạo lực tại Myanmar, đồng thời áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh quân đội của nước này. 

Việt Anh

Nguồn: VNN

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link