Cạnh tranh Ấn Độ – Trung Quốc tại Đông Nam Á trong bối cảnh gia tăng ảnh hưởng của Mỹ

Trong thế kỉ 21, Đông Nam Á đã trở thành khu vực năng động bậc nhất trên thế giới. Do tác động từ quá trình toàn cầu hóa cùng với vị trí địa chiến lược nằm án ngữ trên các tuyến đường hàng hải huyết mạch đi qua các eo biển chiến lược tại khu vực, Đông Nam Á trở thành tâm điểm được các cường quốc trên thế giới đặc biệt ưu tiên trong chính sách đối ngoại kỷ nguyên mới. Trong đó, nếu đánh giá và xem xét trên hệ thống phân tầng cấp độ quy mô và ảnh hưởng, thì quan hệ cạnh tranh chiến lược Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực này chỉ xếp hạng sau quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

 

Bài viết này sẽ góp phần đánh giá khách quan, đa chiều cuộc cạnh tranh chiến lược Ấn Độ – Trung Quốc tại Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng, ra sức gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.

Mỹ gia tăng ảnh hưởng và những tác động tới cạnh tranh Ấn Độ – Trung Quốc ở Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực nằm ở phía Đông Nam thuộc lục địa châu Á, là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đông Nam Á có 11 quốc gia với thể chế chính trị đa dạng, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Đông Timor, Brunei. Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc, Đông Nam Á có tổng dân số đạt khoảng 688 triệu người và tổng GDP vào năm 2022 của khu vực đạt 3,66 nghìn tỷ USD [1]. Trong đó, ASEAN là tổ chức đại diện cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á trên chính trường quốc tế. Đồng thời, đặc điểm quan trọng dẫn đến khu vực Đông Nam Á trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc trong thế kỉ 21 xuất phát từ bốn nguyên nhân chính: (i) Vị trí địa chiến lược của Đông Nam Á, sở hữu các eo biển chiến lược bậc nhất trên thế giới. Trong đó, eo biển Malacca được xem là “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế các quốc gia tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, tiêu biểu trong đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. (ii) Đây là khu vực phát triển năng động bậc nhất trên thế giới với tiềm năng thị trường và tài nguyên khổng lồ. (iii) Dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, các tuyến đường hàng hải huyết mạch tại khu vực này trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc. (iv) Sự gia tăng mâu thuẫn trong chiến lược cạnh tranh giữa các cường quốc, tiêu biểu trong đó là quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và các đồng minh phương Tây, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia. Bên cạnh đó, quan hệ cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc được đánh giá là mối quan hệ có tầm ảnh hưởng chỉ xếp sau mối quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á hiện nay. Nhưng xét về viễn cảnh tương lai, với vị trí địa lý gần gũi và những mâu thuẫn tích tụ trong quá khứ về vấn đề tranh chấp biên giới, an ninh nguồn nước trên Tây Tạng và cạnh tranh chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương thì mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ ngày càng mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng sánh ngang với Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, tình hình khu vực Đông Nam Á đang có những sự chuyển biến phức tạp khi quan hệ cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng tại khu vực này, điều đó đã tác động nghiêm trọng đến tình hình chính trị và an ninh tại các quốc gia Đông Nam Á.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraina diễn ra, Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã có sự điều chỉnh chiến lược tiếp cận thực dụng đối với các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, sự kiện Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam vào ngày 10/9 vừa qua đã cho thấy sự thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Đông Nam Á, đặc biệt đối với các quốc gia có thể chế chính trị mâu thuẫn với hệ tư tưởng chủ nghĩa tự do và “Hòa bình Mỹ” (Pax Americana). Trợ lý Đặc biệt cho Tổng thống và Giám đốc Cấp cao về Đông Á – Châu Đại Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ – bà Mira R.Hopper đã nhận định: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng tư duy của Mỹ về an ninh ở khu vực đang được mở rộng nhờ bước tiến ngoại giao với Việt Nam” [2]. Trước đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã đến thăm Mỹ vào tháng 5/2023 và đồng thuận mở rộng Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với nước này. Sự kiện đã đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong việc cố gắng hàn gắn các mối quan hệ đồng minh truyền thống tại khu vực Đông Nam Á khi các chính sách, chiến lược của Washington dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến vị thế của Mỹ tại khu vực này.

Cần nhắc lại rằng, sự kiện cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 23/01/2017, đã khiến các quốc gia Đông Nam Á cảm nhận được sự “bội bạc và thất tín” của Mỹ. Nguyên nhân xuất phát từ việc các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã đẩy mạnh cải cách, điều chỉnh các vấn đề về thể chế, luật pháp và chấp nhận chịu những “rủi ro chính trị” khi cố gắng hợp tác với Mỹ trong bối cảnh cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng tại khu vực. Do đó, đánh giá những nỗ lực từ quá khứ của cựu Tổng thống Barack Obama trong quá trình xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương và nhận xét về hành động rút khỏi TPP của cựu Tổng thống Donald Trump, cựu Thượng Nghị sĩ John McCain đã nhận định rằng: “Đây là một sai lầm nghiêm trọng sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế Mỹ và cả vị thế chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” [3]. Vì vậy, Đông Nam Á đã bị Mỹ “lãng quên” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Học giả hàng đầu về Quan hệ Quốc tế – David Shambaugh đã phân tích rằng: “Tổng thống Donald Trump đã đánh giá sai lầm về tính quan trọng của Đông Nam Á đối với chiến lược tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều này đã giúp Trung Quốc có chỗ đứng vững chắc trong khu vực này” [4, tr.45].

Tuy nhiên, chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden đã có sự chuyển biến rõ rệt và có chiều hướng thay đổi tích cực dựa trên hai sự kiện thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam và mở rộng hợp tác Thỏa thuận EDCA với Philippines vào năm 2023. Nhưng mối quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là một phần trong tổng số các mối quan hệ cạnh tranh giữa các cường quốc tại Đông Nam Á. Trong đó, quan hệ cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng gia tăng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á được xem là mối quan hệ có tầm ảnh hưởng chỉ xếp sau quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, việc xem xét và đánh giá mối quan hệ cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á là vấn đề hết sức cần thiết trong tình hình cục diện chính trị thế giới ngày càng biến động bởi tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraina và sự gia tăng trong chiến lược cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc tại khu vực này.

Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ và Trung Quốc tại Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay

Quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc trong thế kỉ 21 được đánh giá là mối quan hệ mang nhiều nét tương đồng với quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, còn được gọi là “Chính trị lạnh, Kinh tế nóng” [5]. Trong đó, quan hệ canh trạnh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á xuất phát từ các nguyên nhân chính: (i) Vị trí địa chiến lược nằm án ngữ trên các tuyến đường hàng hải huyết mạch trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. (ii) Sự phát triển năng động bậc nhất trên thế giới với tiềm năng thị trường và thương mại khổng lồ, đồng thời sự gần gũi về mặt địa lý giảm thiểu chi phí vận chuyển logictics. (iii) Sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi, điều này đã đặt ra yêu cầu tăng cường quyền lực và ảnh hưởng tại các khu vực địa chính trị quan trọng trong khu vực đối với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc. (iv) Vai trò quan trọng của eo biển Malacca và Biển Đông trong cấu trúc an ninh kinh tế và chính trị của hai cường quốc này. (v) Những hành động mở rộng phạm vi quyền lực của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, điều này đã khiến Ấn Độ thực hiện chiến lược “phản công” thông qua việc tăng cường hợp tác với Đông Nam Á.

Hiện nay, quan hệ cạnh tranh Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á xoay quanh hai chiến lược trụ cột của hai cường quốc này. Trong đó, Ấn Độ bắt đầu gia tăng ảnh hưởng của khu vực Đông Nam Á vào năm 1991, khi Thủ tướng Narashima Rao công bố “Chính sách hướng Đông” (Look East Policy) và được Thủ tướng Narendra Modi phát triển thành “Chính sách Hành động hướng Đông” (Act East Policy) vào năm 2014. Chính sách này có hai nhiệm vụ cốt lõi:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện với các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, đặt trọng tâm xây dựng hành lang kinh tế nối dài từ Nam Á đến Biển Đông và mở rộng ra các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển cho vùng Đông Bắc xa xôi, nghèo khó của Ấn Độ nói riêng và nền kinh tế Ấn Độ nói chung.

Thứ hai, gia tăng quyền lực và ảnh hưởng đối với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời đối trọng với chiến lược của Trung Quốc đang triển khai đối với các nước ở khu vực này.

Đối với Trung Quốc, thông qua chính sách ngoại giao láng giềng, chính quyền Bắc Kinh đã và đang thực hiện chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu cốt lõi của mình tại khu vực Đông Nam Á. Đây là khái niệm được Trung Quốc đặc biệt quan tâm và nhắc đến kể từ khi lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình lên nắm quyền trong Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012. Trong đó, chính sách ngoại giao láng giềng đặt trọng tâm triển khai thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và một phần của chiến lược “Chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) tại khu vực Đông Nam Á. Chính sách này có ba nhiệm vụ cốt lõi: (i) Tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện với các quốc gia ASEAN, hướng tới mục tiêu hai mục tiêu 100 năm (song bách) và Giấc mộng Trung Hoa. (ii) Tăng cường sự ảnh hưởng và gia tăng quyền lực tại khu vực này thông qua việc sử dụng sức mạnh kinh tế cũng như đường lối ngoại giao thực dụng đối với tình hình chính trị mỗi quốc gia trong khu vực. (iii) Cạnh tranh chiến lược với các cường quốc khác trong khu vực, đặt trọng tâm đối thủ theo xếp hạng ưu tiên là Mỹ, Ấn Độ, các đồng minh phương Tây bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia. Cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á đang có những chuyển biến mới trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc đang gia tăng tại khu vực này. Trong đó, ba quốc gia có vị trí đặc thù trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và Trung Quốc tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Myanmar, Singapore đang chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Đây là ba quốc gia được đánh giá có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến các chính sách, chiến lược cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược Ấn Độ và Trung Quốc tại Myanmar. Đây là quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng khi có đường biên giới tiếp giáp cả hai cường quốc trong khu vực và có vị thế đặc biệt tại vịnh Bengal cũng như biển Andaman, đồng thời sự giàu có về tài nguyên, khoáng sản đã làm quốc gia này trở thành điểm đến của các nhà đầu tư Ấn Độ và Trung Quốc [7]. Bên cạnh đó, nhằm giảm sự phụ thuộc vào eo biển của Malacca, Trung Quốc đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc mở rộng các tuyến đường vận chuyển thông qua lãnh thổ Myanmar nối dài trực tiếp tới khu vực vịnh Bengal. Vì vậy, Myanmar đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược cạnh tranh Ấn Độ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Xét trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc đang có ưu thế hơn so với Ấn Độ tại Myanmar. Nguyên nhân xuất phát từ sự kiện lực lượng quân đội đảo chính thành công vào năm 2021. Đã có rất nhiều nguồn thông tin nghi ngờ có sự ủng hộ của Trung Quốc trong sự kiện này khi cựu Chủ tịch Aung San Suu Kyi đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh thông qua việc tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ và các đồng minh phương Tây, gây hại đến lợi ích và chiến lược của Trung Quốc tại Myanmar [6]. Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc có ưu thế hơn so với Ấn Độ trong thời điểm này, nhưng ưu thế đó không được đánh giá là quá lớn khi Ấn Độ kể từ năm 1991 đã thay đổi cách tiếp cận ngoại giao thực dụng đối với chính quyền quân sự tại Myanmar và không lên án các hành động phi pháp, vi phạm dân chủ tại quốc gia này trong Liên Hợp Quốc giống như trước những năm 1991. Do đó, chính quyền quân sự Myanmar có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng dự án cảng nước sâu Kyaukphyu đang được Trung Quốc triển khai với tổng đầu tư 9 tỷ USD tại khu vực vịnh Bengal đã giúp Trung Quốc có ưu thế trong việc tăng cường phạm vi quyền lực lan rộng đến các vùng biển vốn chịu ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương.

Thứ hai, cạnh tranh Ấn Độ và Trung Quốc tại Việt Nam. Đây là một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng nằm ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á – Âu với khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia có vị trí biển đảo nằm án ngữ trên các tuyến đường hàng hải huyết mạch giữa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược cạnh tranh Ấn Độ – Trung Quốc tại Đông Nam Á. Xét trong bối cảnh hiện nay, tình hình cạnh tranh chiến lược Ấn Độ – Trung Quốc khá cân bằng và chính sách đối ngoại “bốn không, một tùy” cũng như “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đã khẳng định được tính trung lập, mong muốn duy trì trật tự ổn định, hòa bình trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang có những tranh chấp chủ quyền nghiêm trọng với Trung Quốc trên Biển Đông, đây được xem là vấn đề “nan giải” trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Đồng thời, vấn đề này đã tạo ra dư địa cho Ấn Độ tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng trên đại dương với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Do đó, để tăng cường quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Ấn Độ – Việt Nam, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội hai ngày 2-3/9/2016, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố gói Hạn mức Tín dụng Quốc phòng (LoC) trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam [8]. Từ ngày 8-10/6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ – Rajnath Singh đã đến thăm Việt Nam với nhiệm vụ bàn giao 12 tàu hộ vệ cao tốc cho Hải quân Việt Nam trong gói tín dụng trị giá 100 triệu USD, đồng thời ký vào “Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Đối tác Quốc phòng Ấn Độ – Việt Nam hướng tới năm 2030” và “Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ hậu cần song phương” với mục tiêu mở rộng phạm vi và quy mô hợp tác an ninh – quốc phòng song phương [9]. Ngày 17/6/2023, trong chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Phan Văn Giang đến Ấn Độ, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tặng tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan cho Việt Nam với tuyên bố “đây là bằng chứng cam kết của Ấn Độ trong việc hỗ trợ các đối tác thân thiện cùng tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng dựa trên Sáng kiến An ninh và Tăng trưởng cho tất cả trong khu vực (SAGAR) [10]. Do đó, mặc dù Việt Nam có vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và thực hiện đường lối “ngoại giao cây tre”, tuy nhiên, những mâu thuẫn tranh chấp trên Biển Đông đã giúp Ấn Độ có một vị thế quan trọng trong chính sách ngoại giao cân bằng giữa các cường quốc của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, cạnh tranh Ấn Độ và Trung Quốc tại Singapore. Đây là quốc gia có vị trí địa chính trị đặc thù và chiến lược bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á. Nằm ở cực Nam của bán đảo Mã Lai, quốc gia này án ngữ eo biển Maclacca chiến lược có ảnh hưởng đặc biệt tới an ninh kinh tế của các quốc gia phụ thuộc vào các tuyến đường hàng hải tại Biển Đông, trong đó Ấn Độ chiếm 55% trên tổng 92 – 95% lượng hàng hóa di chuyển qua eo biển này [11]. Những chuyến tàu hàng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương muốn di chuyển nhanh nhất giữa các khu vực này thì bắt buộc phải thông qua eo biển chiến lược Malacca, đặc biệt trong đó có Trung Quốc. Do đó, người Trung Quốc đánh giá eo biển Malacca là “thế lưỡng nan Malacca”, ám chỉ khả năng khi xảy ra chiến tranh, Hải quân Mỹ có thể kiểm soát eo biển, qua đó, ngăn cản Trung Quốc nhập khẩu năng lượng và xuất khẩu hàng hóa, dẫn đến an ninh năng lượng và nền kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề một khi xảy ra tình trạng phong tỏa hoặc xung đột hải quân dẫn tới phải đóng cửa hành lang chiến lược Malacca. Vì vậy, Trung Quốc và Ấn Độ có mối quan hệ cạnh chiến lược mạnh mẽ tại Singapore trong bối cảnh Mỹ gia tăng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á gần đây. Xét trong bối cảnh hiện nay, Singapore mặc dù có đa số là người gốc Hoa nhưng lại có quan hệ thân cận với Mỹ. Vì vậy, việc này đã giúp Ấn Độ có lợi thế gián tiếp trong việc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại eo biển Malacca. Đáng chú ý, Ấn Độ có quan hệ thân thiết với Singapore và trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng đã tiếp cận được các căn cứ hải quân Changi, Réunion của Singapore [12]. Tuy nhiên, Singapore là quốc gia có đường lối ngoại giao mang tính độc lập trong thời điểm “hòa bình” và sức mạnh quốc gia “khiêm tốn” của Singapore đã định hình chính sách đối ngoại thực dụng, “mềm dẻo” trước đại cường quốc Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có sự hiện diện mạnh mẽ tại Singapore thông qua sức mạnh kinh tế, đã có khoảng 500 công ty hoặc chi nhánh Trung Quốc ở Singapore và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại đây tăng với quy mô chóng mặt [13]. Vì vậy, nếu xét trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á hiện nay, Ấn Độ có lợi thế chính trị hơn so với Trung Quốc tại Singapore, đặc biệt trong tình hình chính trị thế giới xảy ra các cuộc xung đột “nóng” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mặt khác, tình hình cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại các quốc gia Đông Nam Á khác tuy mức độ quan trọng và quy mô ảnh hưởng không bằng ba quốc gia trên. Tuy nhiên, tình hình diễn ra cũng khá phức tạp và làm đứt gãy các mối quan hệ chính trị giữa các thành viên trong ASEAN. Trong đó, Campuchia và Lào là hai quốc gia có xu hướng nghiêng hẳn về Trung Quốc, do yếu tố địa lý và sức mạnh kinh tế thông qua BRI. Điều này đã khiến hai quốc gia này có chính sách ngoại giao đặc biệt thân cận với chính quyền Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đông Timor và Brunei là các quốc gia có đường lối ngoại giao theo phong cách “phòng bị nước đôi”, đặc trưng của các quốc gia trong khu vực này kể từ khi sau khi giành độc lập khỏi chủ nghĩa đế quốc trong thế kỉ 20. Vì vậy, các quốc gia này có đường lối ngoại giao không nghiêng hẳn về bên nào, lợi dụng tình hình cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực mà tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện với Ấn Độ và Trung Quốc để đạt các mục tiêu kinh tế cũng như tránh bị lôi kéo quá sâu vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Mặt khác, tình hình Philippines hiện nay nếu xét trên phương diện bối cảnh Mỹ đã thành công hàn gắn mối quan hệ đồng minh với quốc gia này, thì Ấn Độ đặc biệt có ưu thế do chính quyền New Delhi là thành viên chủ chốt trong nhóm Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của nhóm này có mục tiêu rất quan trọng là kiềm chế sự lan rộng phạm vi quyền lực Trung Quốc đối với các quốc gia ngoại vi trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời, giúp QUAD duy trì và tăng cường sự hiện diện, duy trì quyền lực tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Kết luận

Quan hệ cạnh tranh chiến lược Ấn Độ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng hiện diện tại khu vực đã có sự chuyển biến bất ngờ. Đặc biệt, sự kiện Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ và sự kiện Philippines – Mỹ hàn gắn mối quan hệ đồng minh truyền thống tại khu vực này đã giúp Ấn Độ gián tiếp đạt được một số lợi thế trong chiến lược cạnh tranh quyền lực tại khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc. Tuy nhiên, ưu thế này không phải là quá lớn và làm thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực này. Nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ phần lớn các quốc gia trong Đông Nam Á đều theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ với đường lối trung lập và “phòng bị nước đôi” trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc. Vì vậy, đa số các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều muốn tận dụng bối cảnh cạnh tranh hiện nay mà tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng một trật tự hòa bình, ổn định phù hợp với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia hơn là cố gắng tạo ra những mâu thuẫn, bất ổn dẫn đến những cuộc xung đột quyền lực tác động nghiêm trọng đến sự tồn vong của các quốc gia trong ASEAN. Tuy nhiên, Đông Nam Á là một khu vực có nhiều quốc gia với sự khác biệt rõ rệt trong văn hóa, thể chế chính trị, sức mạnh quốc gia, chính sách ngoại giao… Vì vậy, việc này đã khiến nội bộ ASEAN gặp nhiều thách thức trong quá trình tạo sự đoàn kết thống nhất, điều đó đã tạo ra sự khác biệt trong các quyết định chính trị của mỗi quốc gia thành viên trong ASEAN. Do vậy, việc này đã tạo ra dư địa cho Ấn Độ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao “cân nhắc” với từng thành viên được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của hai cường quốc này. Trong đó, Myanmar, Việt Nam và Singapore là đối tượng được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Theo LÊ HOÀNG KIỆT / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG 

————————-

Tài liệu tham khảo:

1. Statista (2022), “Gross domestic product (GDP) of the ASEAN countries from 2018 to 2028”, https://www.statista.com/statistics/796245/gdp-of-the-asean-countries/, truy cập ngày 13/9/2023.
2. Thanh Danh & Vũ Anh (2023), “Quan hệ với Việt Nam giúp Mỹ mở rộng tư duy đối ngoại”, https://vnexpress.net/quan-he-voi-viet-nam-giup-my-mo-rong-tu-duy-doi-ngoai-4652723.html, truy cập ngày 14/9/2023.
3. Kim Thoa (2017), “​Ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP”, https://tuoitre.vn/ong-trump-ky-sac-lenh-rut-my-khoi-tpp-1257103.htm, truy cập ngày 13/9/2023.
4. Shambraugh, D. (2021), “Đông Nam Á: Hội tụ siêu cường Mỹ – Trung”, NXB: Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
5. Lê Hoàng Kiệt & cộng sự (2023), “Hợp tác an ninh Việt Nam – Nhật Bản trước những thách thức từ Trung Quốc trên Biển Đông”, Kỷ yếu Hội thảo Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong thời đại mới, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Đại học Sư phạm Huế.
6. Lê Hoàng Kiệt & cộng sự (2023), Cạnh tranh Ấn Độ và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương: Trường hợp ở Myanmar, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Cán bộ trẻ các Trường Đại học Sư phạm lần thứ X, Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
7. Zhao, H. (2008), “China And India: Competing For Good Relations With Myanmar”, The Journal of East Asian Affairs, 22(1), 175-194.
8. Neelakantan, S. (2016), “India extends $500 million credit line to Vietnam to help its defence”. https://timesofindia.indiatimes.com/india/india-extends-500-million-credit-line-to-vietnam-to-help-it-strengthen-its-defence/articleshow/53990763.cms, truy cập ngày 14/9/2023.
9. Saha, P. (2022), “India-Vietnam defence ties get a major push: Decoding why Rajnath Singh’s Hanoi visit was so important”. https://www.orfonline.org/research/india-vietnam-defence-ties-get-a-major-push/, truy cập ngày 14/9/2023.
10. Nguyễn Thu (2023), “Tặng tàu INS Kirpan cho Việt Nam, Ấn Độ muốn bán cả Brahmos và Akash”, https://sputniknews.vn/20230712/tang-tau-ins-kirpan-cho-viet-nam-an-do-muon-ban-ca-brahmos-va-akash-24092497.html, truy cập ngày 14/9/2023.
11. Nguyễn Thanh Minh (2018), “Biển Đông trong bài toán chiến lược của Ấn Độ”. https://nghiencuubiendong.vn/bien-dong-trong-bai-toan-chien-luoc-cua-an-do.50163.anews, truy cập ngày 14/9/2023.
12. Asia Maritime Transparency Intiative (2020), “Cảng và Quan hệ Đối tác: Delhi đầu tư vào vị trí lãnh đạo Ấn Độ Dương”. https://amti.csis.org/cang-va-quan-he-doi-tac-delhi-dau-tu-vao-vi-tri-lanh-dao-an-do-duong/?lang=vi, truy cập ngày 14/9/2023.
13. Minh Khôi (2022), “Công ty Trung Quốc ồ ạt chuyển dịch, lý do khiến Singapore thành nơi trú ẩn an toàn”. https://nhipsongkinhdoanh.vn/cong-ty-trung-quoc-o-at-chuyen-dich-ly-do-khien-singapore-thanh-noi-tru-an-an-toan-post3104897.html, truy cập ngày 14/9/2023.