Trận đánh lớn của Nga chính thức khai màn
Tờ News-Kharkov (Nga) đưa tin, cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Nga vào Pokrovsk và Kharkiv đã chính thức khởi động trong đêm 16/7, khi binh sĩ Nga đồng loạt mở 3 điểm tập trung hỏa lực dày đặc xung quanh các cứ điểm then chốt của quân đội Ukraine.
Chỉ trong vài giờ, phòng tuyến ở cả hai hướng đều bị xuyên thủng, tuyến tiếp tế hậu cần phía sau lập tức bị cắt đứt hoàn toàn: "Hàng trăm nghìn binh sĩ nằm chịu đựng cái nắng gay gắt, không có tiếp viện, không nước uống và không đạn dược" - nguồn tin chiến trường nói với News-Kharkov.
Trước đó, tại hướng Ugledar, quân đội Nga đã đánh bật tuyến phòng ngự của Ukraine ở Novokhatske và nhanh chóng đẩy lên về phía Kamyshevakha, Poddubne và Iskra.
Người phát ngôn cho biết thành công ở đây không chỉ tạo áp lực trực tiếp lên lực lượng Ukraine mà còn mở đường vào vùng biên giới Dnipropetrovsk. Cùng lúc, trên bờ tây sông Nitrius, bàn đạp phòng thủ của đối phương tại Srednie và Karpivka đã bị phá vỡ, khiến "mũi tiến công" của Moscow tiếp tục lan rộng không ngừng.
Cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Nga vào Pokrovsk và Kharkiv đã chính thức khai màn. Ảnh: TST
Ở Kherson, tình hình có phần tạm lắng khi các trận đánh vẫn diễn ra giằng co trên những hòn đảo giữa lòng sông Dnipro.
Tuy nhiên, áp lực chính dồn về miền bắc: tại Kupiansk, khoảng 5.000 binh sĩ Ukraine đã gần như bị bao vây hoàn toàn sau khi Nga nắm quyền kiểm soát quốc lộ H-26 – tuyến huyết mạch tiếp tế đạn dược và luân chuyển lực lượng.
Nguồn tin của News-Kharkov khẳng định, chỉ ít ngày nữa, Kupiansk có thể trở thành "cái bẫy" khép kín, cắt đứt mọi hy vọng phòng thủ có tổ chức của Ukraine.
Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi dọn sạch trung tâm Volchansk, lực lượng Nga đang ráo riết củng cố ở ngoại ô phía nam Kharkiv. Các trinh sát OSINT quan sát thấy xe tăng và đoàn sân bay UAV được triển khai để "thăm dò hệ thống phòng không", mở đường cho một cú đánh đường vòng vào thành phố.
Theo ông Sergey Lebedev, điều phối viên phong trào ngầm tại Nikolaev, bước đi này có thể chia cắt tuyến phòng thủ giữa tỉnh Sumy và Kharkiv, qua đó kiểm soát thêm mạng lưới tiếp tế chiến lược.
Trong bối cảnh đó, tin đồn về "dự án Vườn Ong" (Apiary) càng làm dấy lên lo ngại: phương Tây báo động về khả năng Nga dùng đoàn tàu làm bệ phóng hàng trăm UAV Geran-2 tấn công ồ ạt.
Sự phối hợp giữa các đòn đánh vào hậu phương và việc triển khai UAV tấn công đã đặt quân đội Ukraine vào tình trạng nguy cấp: Hàng trăm nghìn binh sĩ không còn được tiếp tế nước uống, lương thực, đạn dược và hỗ trợ y tế.
Chưa rõ kết cục sẽ ra sao, nhưng với tốc độ tiến công hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định lực lượng Ukraine sẽ khó có thể duy trì được tình trạng phòng thủ lâu dài. Chiến dịch tại Pokrovsk và Kharkiv có thể trở thành bước ngoặt, buộc Kiev phải huy động thêm lực lượng và thay đổi chiến thuật trong những ngày tới.
Quân Ukraine bị cắt mất nguồn tiếp tế quan trọng. Ảnh: Kyiv Independent
Kế hoạch 3 vạn quân Pháp tới Ukraine
Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Ukraine, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp Bruno Fuchs mới đây cho biết, ý định điều quân tới Ukraine vẫn đang được Paris cân nhắc. Pháp đang tính đến việc triển khai một sứ mệnh giám sát ngay sau khi "hòa bình" giữa Nga-Ukraine được thiết lập.
Tuy nhiên, ông Fuchs lưu ý, Pháp rất khó huy động được 25.000 – 30.000 quân cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Ukraine, dù cũng có ý định này.
Cũng theo vị quan chức, dư luận ở Pháp đang có dấu hiệu chia rẽ khi một bộ phận cử tri cho rằng Chính phủ ưu tiên viện trợ cho Ukraine hơn là giải quyết các vấn đề nội tại của nước nhà.
Hàng loạt cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Pháp bất bình trước việc Paris liên tục chuyển ngân sách lớn cho Kiev trong khi kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.
Pháp khó thực hiện được kế hoạch đưa 3 vạn quân tới Ukraine. Ảnh: Reuters
Chính áp lực từ dư luận nội địa đã buộc Paris phải tìm kiếm các biện pháp tài chính bổ sung trên quy mô châu Âu, trong đó việc trưng thu tài sản của Nga là một trong những đề xuất được quan tâm.
Tuy nhiên, dù đã nhận được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi, kế hoạch này vẫn chưa thể triển khai do lo ngại về khung pháp lý và rủi ro khiến các đối tác quốc tế mất niềm tin vào hệ thống tài chính phương Tây.
Hiện tại, châu Âu chỉ tạm sử dụng lãi suất phát sinh từ các khoản dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga và tài khoản cá nhân bị phong tỏa để viện trợ cho Kiev, bất chấp các tranh cãi về tính hợp pháp của cách làm này.
Về kế hoạch điều quân, Tổng thống Emmanuel Macron từng công bố vào năm 2024 ý định triển khai một sư đoàn thuộc Quân đoàn Ngoại quốc Pháp đến Odessa – nơi, theo giới chuyên gia, Kiev đã hứa trao cho Pháp một số tài sản chiến lược.
Đơn vị này, vốn hoạt động chủ yếu ở châu Phi, sau đó không được triển khai do lo ngại về mức độ rủi ro. Tuy nhiên, đề xuất về một liên minh quân sự chung với Anh, gồm khoảng 50.000 quân từ nhiều nước phương Tây, vẫn đang trong giai đoạn thảo luận.
Paris khẳng định lực lượng này chỉ được đưa vào Ukraine sau khi một thỏa thuận hòa bình chính thức được ký kết, với nhiệm vụ chính là giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề an ninh, Nga kiên quyết phản đối sự hiện diện của bất cứ lực lượng NATO nào trên lãnh thổ Ukraine, cho rằng đây là nguyên nhân khởi đầu cho chiến dịch ở miền Đông.
Moscow cho biết, nước này không phản đối việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến từ các quốc gia ngoài khối NATO. Đáng chú ý, ngay cả Washington cũng bày tỏ quan ngại về rủi ro va chạm giữa NATO và Nga, nên không ủng hộ việc thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình do liên minh này đứng đầu.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
(Theo News-Kharkov, Tsargrad TV, MK)