RG: NATO "lật bài", kế hoạch đánh Kaliningrad sẵn sàng – Nga cảnh cáo nóng, hé lộ nước sẽ bị loại đầu tiên

"Kaliningrad đã bị NATO bao quanh từ mọi phía. Không có lý do gì khiến chúng tôi không thể nhanh chóng kiểm soát khu vực này để kiềm chế Nga" - Chỉ huy NATO Donahue tuyên bố.

Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 17/7 đưa tin, NATO gần đây đã công khai kế hoạch quân sự của khối này trong thời gian tới, cho thấy rõ rệt phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Nga.

Đáng lưu ý, kế hoạch này đã vạch ra chi tiết cách thức tấn công nhắm vào Kaliningrad - vùng lãnh thổ chiến lược của Nga ở châu Âu – như một điểm khởi đầu.

Kaliningrad – "điểm nóng" trên bàn cờ chiến lược

Kaliningrad, một vùng lãnh thổ nằm tách biệt với phần còn lại của Nga, được NATO xác định là mục tiêu ưu tiên vì 3 lý do chính. Thứ nhất, vị trí biệt lập khiến hoạt động tiếp viện quân sự từ Nga cho Kaliningrad trở nên khó khăn.

Thứ hai, đây là cửa ngõ trọng yếu của Moscow ra biển Baltic. Và thứ ba, Kaliningrad nằm lọt giữa các quốc gia NATO, khiến khu vực này dễ trở thành điểm bị bao vây.

Theo Tướng Christopher Donahue - Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, kiêm chỉ huy lực lượng lục quân NATO, kế hoạch tấn công Kaliningrad đã hoàn tất.

"Nếu nhìn bản đồ, Kaliningrad đã bị NATO bao quanh từ mọi phía. Không có lý do gì khiến chúng tôi không thể nhanh chóng kiểm soát khu vực này để kiềm chế Nga - nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây. Chúng tôi đã có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng" - ông Donahue tuyên bố tại một hội nghị quân sự ở Đức.

Ông cũng cho biết thêm rằng, kế hoạch của NATO bao gồm việc mở rộng năng lực công nghiệp quốc phòng và tăng cường phối hợp nội khối.

Quân đội NATO trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Northeastern Global News

Cảnh báo nguy cơ leo thang hạt nhân

Nhà báo quân sự Nga Alexander Kots nhận định, phương Tây đang có một lỗ hổng nghiêm trọng trong tính toán của mình. NATO kỳ vọng có thể phong tỏa Nga từ phía tây bằng cách tấn công Kaliningrad, nhưng họ bỏ qua kịch bản Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công trực diện.

"Phương Tây có thể luyện tập bao nhiêu tùy thích cho các kịch bản tương tự. Nhưng một đòn tấn công vào Kaliningrad sẽ đồng nghĩa với sự khởi đầu Thế chiến III và không tránh khỏi dẫn đến việc Nga đáp trả hạt nhân. Không một cuộc diễn tập nào có thể dự đoán được kết cục của cuộc phiêu lưu này" - ông Kots cảnh báo.

Điều này cũng từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập. Ông thừa nhận Nga không thể cạnh tranh với một châu Âu thống nhất về nhân lực hay ngân sách quốc phòng, nên nếu xảy ra xung đột với NATO, Moscow sẽ buộc phải sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Kaliningrad là vùng lãnh thổ chiến lược của Nga. Ảnh: The Conversation

Trước đó, Moscow cáo buộc các nước phương Tây đang siết chặt vòng vây chống Nga thông qua hệ thống căn cứ quân sự NATO.

Ngoài ra, Châu Âu đang đẩy mạnh tái vũ trang, tăng cường lực lượng và công khai chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Nga. Một số quan chức Đức thậm chí dự đoán cuộc chiến có thể xảy ra vào năm 2030, dù không công bố cơ sở cụ thể cho nhận định đó.

Căng thẳng leo thang đang đẩy Nga vào thế phản ứng. Điển hình, Moscow gần đây đã tái lập Quân khu Leningrad và triển khai tên lửa Iskander dọc biên giới phía tây - động thái mà Nga gọi là phản ứng bắt buộc trước việc Phần Lan gia nhập NATO, thay vì một hành động gây hấn.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, tình hình hiện nay có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn tiền Thế chiến II, khi các quốc gia châu Âu ồ ạt tái vũ trang, để rồi dẫn đến cuộc chiến khốc liệt khi Đức tấn công Liên Xô.

"Lằn ranh đỏ" trong học thuyết quân sự Nga

Theo tờ RG (Nga), học thuyết quân sự của Moscow khẳng định rõ: bất kỳ cuộc tấn công nào vào Kaliningrad cũng sẽ bị đáp trả bằng "biện pháp khốc liệt nhất" - bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Quyền ra quyết định tối cao thuộc về Tổng thống Vladimir Putin, người nắm giữ "vali hạt nhân" của Nga.

"Câu hỏi đặt ra là: Tướng Donahue có biết điều này? Giới quan sát nhận định: ông biết, thậm chí chủ động công khai kế hoạch như một động thái dò xét phản ứng của Nga, hay nói cách khác - 'thử gan' Moscow" – RG viết.

Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga cảnh báo, một cuộc tấn công vào khu vực Kaliningrad cũng tương đương với một cuộc tấn công vào Nga. Moscow sẵn sàng tiến hành tất cả các biện pháp trả đũa tương ứng, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông lưu ý, học thuyết hạt nhân sửa đổi do Tổng thống Putin phê duyệt vào ngày 19/1/2024 đã cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra hành động tấn công đe dọa sự tồn vong của Nga, hoặc trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí thông thường, bao gồm máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Trong khi đó, trả lời tờ Lenta.ru (Nga), ông Andrei Kolesnik — Đại biểu Duma Quốc gia Nga đại diện khu vực Kaliningrad — nhận định NATO "không đủ gan" để tấn công Kaliningrad.

"Có lẽ họ hôm nay thức dậy với tâm trạng không tốt nên mới phát biểu như vậy. Nhưng tôi nghĩ họ không đủ gan để làm chuyện đó" - ông Kolesnik nói.

Việc NATO tấn công Kaliningrad có thể sẽ kích hoạt học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga. Ảnh: FT

Estonia - Điểm yếu dễ tổn thương nhất

Theo phân tích của nhiều nguồn tin quân sự, Estonia có thể trở thành mắt xích đầu tiên bị cuốn vào xung đột nếu NATO tấn công Kaliningrad. Quốc gia Baltic này nổi tiếng với lập trường cứng rắn chống Nga, nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tấn công vào lãnh thổ Nga và bày tỏ sự ủng hộ đối với cách tiếp cận "ra tay trước".

Các chuyên gia cảnh báo: nếu Tallinn thực sự trở thành "quân cờ thí" trong bài toán của NATO, phản ứng từ Nga sẽ không chỉ mang tính trừng phạt, mà có thể sẽ "xóa sổ Estonia" - quốc gia nhỏ bé nhưng hiếu chiến, được ví như "ban công Baltic" của NATO.

Giới phân tích nhận định, những diễn biến gần đây cho thấy cuộc đối đầu giữa Nga và NATO không còn dừng lại ở mức căng thẳng ngoại giao hay răn đe quân sự, mà đã tiến tới giai đoạn cả hai bên công khai chuẩn bị kịch bản xung đột.

Kaliningrad – với vị trí chiến lược then chốt – trở thành tâm điểm đối đầu, đồng thời là biểu tượng của những rủi ro leo thang mất kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, các phát ngôn cứng rắn, những cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn và các tuyên bố "thử gan" lẫn nhau càng khiến tình hình thêm mong manh. Chỉ một bước đi sai lầm, một tính toán lệch pha hay một hành động vượt ngoài dự đoán từ bất kỳ bên nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn

(Theo RIA, RG, Lenta, TASS)