CÂU CHUYỆN NƯỚC TÔI hay “Việt Nam - 75 năm trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”

Có thể khẳng định rằng, thời đại Hồ Chí Minh với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam Việt Nam trong suốt 75 năm qua là chặng đường vẻ vang nhất trong toàn bộ lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc chúng tôi.


CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (2/9/1945)

Lịch sử Việt Nam gắn liền với các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, đối phó với thiên tai và chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài.

Năm 1858, quân Pháp đã tiến hành xâm lược Việt Nam, từng bước xâm chiếm và đặt toàn cõi Việt Nam dưới ách thuộc địa. Thực dân Pháp không hề đem đến “văn minh”, “tự do”, “bình đẳng” hay “bác ái” mà ngược lại đã mang đến nhiều thảm họa cho dân tộc Việt Nam. Tên nước Việt Nam bị chính thức xoá bỏ trên bản đồ thế giới, đất nước bị chia thành ba phần và sáp nhập vào Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Chúng duy trì chế độ phong kiến để cai trị, thực hiện chính sách ngu dân, sưu cao, thuế nặng, ra sức bóc lột tài nguyên thiên nhiên và lao động của nhân dân Việt Nam, xây dựng nhà tù nhiều hơn trường học. Nghèo đói, dịch bệnh, nạn thuốc phiện và mù chữ tràn ngập trong cả nước. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam và cùng thực dân Pháp cai trị Việt Nam. Riêng năm 1945, 2 triệu người Việt Nam (chiếm gần 1/10 dân số Việt Nam lúc đó, khoảng 28 triệu người) đã chết đói dưới ách thống trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Rất nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước đã lần lượt nổi lên nhưng đều thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man, dìm trong bể máu. Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Việt Nam làm nòng cốt và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám trong cả nước. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm thay đổi cơ bản vận mệnh của dân tộc Việt Nam, giành lại độc lập cho dân tộc, chấm dứt hơn 80 năm dưới chế độ thuộc địa của Pháp, đồng thời xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa với quyền làm chủ thuộc về nhân dân lao động đầu tiên ở châu Á.

Đây cũng thực sự là cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó chỉ có hơn 5.000 đảng viên, lực lượng vũ trang cách mạng còn rất mỏng, vũ khí còn rất ít và hết sức thô sơ, nhưng chính sự ủng hộ mạnh mẽ và tham gia đông đảo, tích cực của nhân dân trong cả nước đã tạo nên sức mạnh buộc các thế lực ngoại xâm, chiếm đóng và chính quyền tay sai phải đầu hàng, làm nên thành công của cuộc Cách mạng mà hầu như không có đổ máu. Chiều ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại đọc Chiếu thoái vị, tuyên bố làm “dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”[1]. Chính quyền phong kiến nhà Nguyễn ở Việt Nam bị xóa bỏ hoàn toàn. Vua Bảo Đại được Chính phủ Hồ Chí Minh mời làm cố vấn; nhiều chức sắc của chính quyền cũ được mời tham gia chính quyền mới.

Nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ lúc đó ngay lập tức đã phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài, với nạn đói hoành hành trong cả nước trong bối cảnh Chính phủ mới rất thiếu thốn cả về nhân lực, phương tiện và nguồn tài chính để hoạt động. Hai tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân các nơi trong cả nước đã tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng” để ủng hộ chính quyền mới[2]. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ mới do Hồ Chí Minh đứng đầu đã đề ra ba nhiệm vụ cấp bách là chống “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm.

Để đối phó với nạn đói, Chính phủ đã cho mở tất cả các kho lương thực của chế độ cũ để cấp phát cho dân, đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhường cơm, xẻ áo cho người bị đói, tổ chức “Ngày đồng tâm” nhịn ăn, lập “Hũ gạo cứu đói”. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tự nguyện bớt khẩu phần ăn hng ngày và c 10 ngày nhịn ăn 1 bữa để dành gạo quyên góp giúp người nghèo. Hành động đó đã được nhiều thành viên Chính phủ và người dân hưởng ứng làm theo. Để giải quyết tận gốc nạn đói, Chính phủ động viên nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Cùng với đó là công tác tu bổ đê điều; tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho nông dân nghèo thiếu ruộng; chia lợi ruộng đất công, giảm 20% thuế ruộng, buộc điền chủ giảm tô 25%; mở cho buôn bán trâu bò; tăng cường khai hoang mở rộng diện tích, trồng cây lương thực và hoa màu. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp được khôi phục. Năm 1946, ở Bắc Bộ, vụ lúa chiêm tăng hơn năm 1945 khoảng 1.000 tấn, vụ mùa trồng trọt trên diện tích 890.000ha đạt 1.150.000 tấn lúa. Nạn đói được đẩy lùi, đời sống nhân dân ổn định[3].

Để xóa nạn mù chữ đang chiếm hơn 90% dân số, Chính phủ đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” rộng rãi trong cả nước. Lúc đó có rất ít trường học, giáo viên và sách bút. Việc dạy đọc, dạy viết được tiến hành trên các sân đình, chợ, ngoài đồng ruộng, trên đường hoặc trên sân, sàn nhà, sử dụng cả que tre, than củi để viết trên đất, trên gỗ hoặc trên phên liếp, trên tường, theo tinh thần người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Nhiều lớp học buổi tối đã được mở ra cho nông dân, thợ thuyền. Những biện pháp đó đã nhanh chóng giúp cho một bộ phận đông đảo nhân dân biết đọc, biết viết trong một thời gian ngắn. Đến tháng 9/1946, phong trào bình dân học vụ đã xóa nạn mù chữ cho 2,18 triệu người. Kết quả đó đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức cuộc Tổng tuyển cử dân chủ, tự do lần đầu tiên trong lịch sử đất nước.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã được tiến hành một cách tự do, dân chủ vào ngày 06/01/1946. Mặc dù một số thế lực tìm cách phá hoại, khủng bố, đe doạ nhưng đã có 89% cử tri trong cả nước tham gia bầu cử trước sự hiện diện của quân đội các nước Pháp, Nhật, Anh và Trung Hoa dân quốc. Ở Hà Nội, có 172.765 cử tri trên tổng số 187.880 cử tri, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đi bỏ phiếu, đã lựa chọn bầu được 6 đại biểu trong tổng số 74 ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đạt phiếu cao nhất, được 169.222 phiếu, tức 98,4%. Kết quả cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I ngày 02/3/1946, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mở rộng thêm 70 ghế cho đại diện Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử nhằm thúc đẩy hoà hợp và đoàn kết dân tộc.

Cũng tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã quyết định thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, có sự tham gia của đại diện nhiều đảng phái và các nhân sĩ. Chính quyền mới đã đề ra và triển khai thực hiện chính sách “người cày có ruộng”, đáp ứng nguyện vọng cơ bản của các thế hệ nông dân là bộ phận chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 09/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định nền độc lập của Việt Nam và các quyền tự do cơ bản của người dân, quyền bình đẳng nam nữ, bình đẳng giữa các tôn giáo, dân tộc.

Những sự thật lịch sử nêu trên cho thấy Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra đời sau Cách mạng Tháng Tám là một nhà nước kiểu mới, thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Như vậy, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nước ta từ một nước thuộc địa trở thành nước độc lập, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành những người chủ đất nước. Thắng lợi này cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, mở ra một thời kỳ mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

30 NĂM KHÁNG CHIẾN
VÌ ĐỘC LẬP DÂN TỘC (1945 - 1975)

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với việc tuyên bố Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tập trung nỗ lực, ra sức vãn hồi hòa bình và thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước, trước hết là các nước Đồng minh chống phát xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp gửi thư cho Tổng thống Mỹ Tơruman (Truman) và nguyên thủ các nước bày tỏ mong muốn và đề nghị thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương. Với Pháp, Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cố gắng đàm phán, có nhiều nhân nhượng để tránh xung đột, chiến tranh với việc ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 06/3 và sau đó là Tạm ước ngày 14/9/1946.

Mặc dù Việt Minh là lực lượng chống phát xít nòng cốt tại Việt Nam và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam được thể hiện rõ nhất tại cuộc Tổng tuyển cử thực sự tự do, dân chủ nhưng các nước phương Tây, nhất là Pháp và Mỹ, xuất phát từ lợi ích và tính toán của riêng mình, không muốn công nhận sự tồn tại của Nhà nước này. Nhà cầm quyền Pháp, với sự ủng hộ và hỗ trợ của Mỹ, đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai nhằm một lần nữa nô dịch Việt Nam. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”[4].

Đây là một cuộc chiến rất không cân sức giữa một bên là quân đội lê dương hùng mạnh của Pháp được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ với ưu thế tuyệt đối về quân số, vũ khí, phương tiện và một bên là lực lượng vũ trang non trẻ với vũ khí rất thiếu thốn và còn thô sơ của Quân đội nhân dân Việt Nam[5]. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã từng bước giành thắng lợi, lần lượt làm thất bại các chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân đội Pháp. Với phương châm kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, cuộc kháng chiến đã huy động được sự tham gia, đóng góp của tất cả các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước. Sau 8 năm liên tiếp chịu thất bại trên các mặt trận, lâm vào thế bị động, với sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm chiến lược Điện Biên Phủ với mức độ tập trung quân lực và hoả lực mạnh nhất, được coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, là “cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh” nhằm tạo bước ngoặt của cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho Pháp. Đích thân Phó Tổng thống Mỹ lúc đó là R.Níchxơn (Richard Nixon) đã trực tiếp đến thị sát việc xây dựng cụm cứ điểm này để “bảo đảm cho các khoản đầu tư của Mỹ ở Đông Dương được sử dụng hiệu quả”. Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm và sự mưu trí, sáng tạo, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiến hành thắng lợi chiến dịch 55 ngày đêm tấn công giải phóng Điện Biên Phủ, toàn bộ 16.200 quân Pháp hoặc bị tiêu diệt hoặc phải đầu hàng.

Thất bại tại Điện Biên Phủ đã buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (Geneva) tháng 7/1954, công nhận quyền tự do, độc lập của Việt Nam và các nước Đông Dương. Với thắng lợi này, Việt Nam trở thành nước thuộc địa đầu tiên giành được độc lập từ một nước phương Tây. Được cổ vũ bởi thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhân dân nhiều nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng liên tiếp nổi dậy đấu tranh đòi độc lập và buộc Pháp phải lần lượt trao trả độc lập cho tất cả các nước thuộc địa trong vòng 13 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy xóa bỏ chế độ thực dân cũ trên toàn thế giới.

Hiệp định Giơnevơ quy định quân đội Việt Minh tập kết ra phía Bắc vĩ tuyến 17 còn quân đội Pháp chuyển về phía Nam để dần rút về nước[6]; đất nước tạm thời bị chia làm hai miền Nam - Bắc với giới tuyến ở vĩ tuyến 17 và sẽ được thống nhất sau hai năm bằng việc tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước. Những năm đầu, Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương tập trung thúc đẩy thực hiện Hiệp định Giơnevơ, không tiến hành đấu tranh vũ trang ở miền Nam, tập trung đấu tranh chính trị đòi Mỹ và chính quyền tay sai thực hiện nghiêm túc Hiệp định để tiến tới tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng Mỹ biết chắc rằng nếu tiến hành tổng tuyển cử, Chính phủ của Hồ Chí Minh sẽ được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam[7]. Do đó, Mỹ đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ, từng bước thế chân Pháp và áp đặt chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ đã dựng lên các chế độ độc tài do Mỹ chu cấp và chỉ đạo nhằm thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước phục vụ cho các mục tiêu và lợi ích chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á. Chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên ở miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ đã tuyên bố “giới tuyến Hoa Kỳ kéo dài đến sông Bến Hải, được chia cắt bởi vĩ tuyến 17”, kêu gọi “Bắc tiến” chống lại miền Bắc và tiến hành đàn áp các lực lượng, phong trào nhân dân yêu nước ở miền Nam mà điển hình là việc ban hành Luật 10/59 và các chiến dịch “tố cộng” với việc lê máy chém đi hành quyết công khai những người ủng hộ Việt Minh[8], dồn dân vào các trại tập trung kiểu mới dưới tên gọi “ấp chiến lược” và thậm chí còn đàn áp dã man cả lực lượng Phật giáo và các phong trào học sinh, sinh viên. Từ năm 1955 đến năm 1960, chính quyền Diệm - Nhu đã hành quyết, ám sát 80.000 người, cầm tù và tra tấn 275.000 người và bắt 500.000 người vào các trại tập trung[9]. Bất chấp sự đàn áp đó, nhân dân miền Nam từ nông thôn đến thành thị đã vùng lên đấu tranh, một số nơi đã lần lượt hình thành các đơn vị vũ trang chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Sự phát triển của các lực lượng yêu nước đó đã thúc đẩy và dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960. Trước thực tế Mỹ cùng tay sai cố tình không thực hiện Hiệp định Giơnevơ, phá hoại tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, tiến hành đàn áp nhân dân yêu nước ở miền Nam, nhân dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cùng tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây là một cuộc chiến tranh hoàn toàn không cân sức giữa một bên là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới với một nước nhỏ, nghèo vừa thoát khỏi ách thuộc địa[10].

Chiến tranh xâm lược của Mỹ đã tàn phá, gây thiệt hại hết sức nặng nề cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Mỹ đã dội tổng cộng trên 15,35 triệu tấn bom đạn ở Việt Nam, trong đó, riêng số bom mà Mỹ đã ném xuống Việt Nam gấp gần 3 lần tổng số bom mà tất cả các nước đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có cả các loại bom bi và bom napal. Quân đội Mỹ còn rải 45.260 tấn (khoảng 76,9 triệu lít) chất độc hóa học, trong đó có 64% là chất độc da cam chứa điôxin, trên diện tích rộng lớn ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời, quân đội Mỹ và đồng minh, trong đó có quân Hàn Quốc đã tiến hành hàng loạt cuộc thảm sát dân thường, hãm hiếp phụ nữ tại rất nhiều vùng tại miền Nam Việt Nam, trong đó, vụ thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) chỉ là một trong những trường hợp điển hình được công luận biết đến. Mặt khác, để đàn áp các phong trào yêu nước ở miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tiến hành bắt bớ, giam cầm và tra tấn hàng trăm ngàn người với các hình thức hết sức tàn bạo, điển hình là tại các nhà tù như Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Lạt...

Tuy nhiên, sự tàn bạo của quân xâm lược và tay sai đã không thể khuất phục được ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của nhân dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động được sức mạnh của toàn dân và nhận được sự ủng hộ, tham gia, đóng góp của mọi tầng lớp xã hội từ nông thôn đến thành thị và trong tất cả các dân tộc, tôn giáo trong cả nước. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường cùng nghệ thuật chiến tranh nhân dân được sử dụng một cách tài tình đã lần lượt làm thất bại tất cả các chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Với âm mưu thay đổi cục diện nhằm cứu nguy cho chế độ Sài Gòn, cùng với việc đưa quân đổ bộ vào miền Nam, Mỹ đã dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 04/8/1964 để lấy cớ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Từ năm 1965 đến năm 1972, với tuyên bố “đưa Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, Mỹ đã tiến hành 412.284 phi vụ và ném 973.300 tấn bom vào 203.733 lần mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam, trong đó phần lớn là mục tiêu dân sự và chỉ có 9,9% là mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, các chiến dịch ném bom huỷ diệt của Mỹ đã không thể ngăn cản được sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, càng không thể buộc Hà Nội phải khuất phục. Trong khi đó, 4.181 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt Nam, trong đó có 68 máy bay B52, hàng trăm phi công Mỹ đã bị bắt làm tù binh. Để thoát khỏi bế tắc trên chiến trường Việt Nam, Mỹ còn mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia nhưng đều thất bại trước mặt trận đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trong khi đó, tính chất phi nghĩa và tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam gặp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của dư luận nhân dân các nước trên thế giới, nhất là ngay chính trong lòng nước Mỹ. Phong trào phản chiến đã thu hút sự tham gia của hàng triệu người Mỹ, trong đó có cả các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Sự nghiệp chính nghĩa và cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng “lương tri của thời đại” và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi chưa từng có trong lịch sử nhân loại đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước. Sức ép của dư luận thế giới, nhất là dư luận Mỹ cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968 đã buộc Mỹ phải chấp nhận dừng ném bom ở miền Bắc Việt Nam và ngồi vào bàn đàm phán bốn bên tại Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Ngày 06/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập và trở thành một bên tham gia Hội nghị Pari. Tuy nhiên, lập trường ngoan cố của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã làm cho cuộc đàm phán lâm vào bế tắc kéo dài suốt hơn 4 năm. Mãi đến sau khi chịu thất bại nặng nề trong chiến dịch 12 ngày đêm sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng cuối tháng 12/1972, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mới chịu ký Hiệp định Pari vào ngày 27/01/1973.

Tuy phải rút quân và không trực tiếp tham chiến tại Việt Nam nhưng Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự quy mô lớn cho chính quyền Sài Gòn và duy trì đội ngũ 23.000 “cố vấn quân sự” tại miền Nam Việt Nam[11]. Sau Hiệp định Pari, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã cố gắng thuyết phục, vận động chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực hiện Hiệp định, ngừng bắn để chuẩn bị tiến tới tổ chức tổng tuyển cử theo thoả thuận tại Hiệp định. Nhưng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tiến hành phá hoại Hiệp định ngay sau khi ký kết, đề ra chính sách “4 không”[12], từ chối thi hành các giải pháp chính trị, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc như đã thoả thuận và triển khai chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” để chiếm đất, giành dân, làm bùng phát xung đột vũ trang ở miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Với việc giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã giành toàn thắng. Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1976, hai miền Nam - Bắc đã được thống nhất trong một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc, thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ tiến hành tại Việt Nam cũng đã đem lại những tổn thất hết sức to lớn cho chính nước Mỹ[13]. Và trên hết, cuộc chiến tranh đã chia rẽ sâu sắc xã hội Mỹ. Tuy nhiên, sự bùng phát các phong trào đấu tranh vì hòa bình, vì các quyền dân sự, dân sinh, dân chủ cũng đã góp phần làm thay đổi nước Mỹ. “Hội chứng Việt Nam” đã góp phần quan trọng vào việc ngăn Mỹ không trực tiếp tiến hành các cuộc chiến tranh ở nước ngoài cho đến sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh.

HAI THẬP NIÊN KHÓ KHĂN
SAU CHIẾN TRANH (1975 - 1995)

Trước chiến tranh, Việt Nam vốn là một nước thuộc địa, nửa phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp. Ở thời điểm năm 1956, GDP của Việt Nam Cộng hòa cao gấp 5 lần so với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do miền Bắc Việt Nam bị Pháp tàn phá[14]. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người tại miền Nam lúc đó cũng chỉ mới có 62USD/năm. Trong thời gian chiến tranh, kinh tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng trưởng trung bình 6%/năm trong khi kinh tế Việt Nam Cộng hòa chỉ tăng trưởng trung bình 3,9%/năm do bị suy thoái nhiều năm liền từ năm 1964. Đến năm 1974, thu nhập bình quân đầu người ở miền Bắc và miền Nam bằng nhau và chỉ đạt 65USD/năm[15].

Cuộc chiến tranh của Mỹ đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Hơn 3 triệu người dân Việt Nam đã bị giết chết, 4 triệu người bị thương, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin, trong đó có hàng triệu người đã mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo. Kết cấu hạ tầng và phần lớn diện tích rừng của đất nước Việt Nam bị tàn phá; gần 800.000 tấn bom mìn chưa phát nổ gây ô nhiễm trên 6,6 triệu hécta đất, chiếm 20% diện tích, vẫn tiếp tục gây thương tích, đe dọa tính mạng người dân tại nhiều làng quê miền Nam Việt Nam. Và đến nay, 45 năm sau cuộc chiến, vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ em sinh ra đã bị dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin và vẫn còn hơn 200.000 người Việt Nam bị mất tích ngay trên quê hương mình.

Sau chiến tranh, Việt Nam rất cần môi trường hòa bình và sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra. Sau chiến tranh, Mỹ vẫn thực hiện chính sách thù địch chống Việt Nam và đã áp đặt cấm vận kinh tế đối với Việt Nam kéo dài suốt gần 20 năm[16]. Sau khi giành chiến thắng và lên nắm quyền tại Campuchia, Khơme Đỏ đã thực hiện chính sách diệt chủng và chỉ trong vòng 3 năm 1975 - 1978 đã giết hại đến 2 triệu người trong tổng dân số 8 triệu người lúc đó ở nước này. Đồng thời, Khơme Đỏ liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công xâm lược Việt Nam, tàn sát hàng ngàn người dân ở các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã hết sức kiềm chế, nhiều lần cố gắng tìm cách đàm phán với chính quyền Khơme Đỏ để duy trì hòa bình nhưng đều không thành công. Với chủ trương “hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”, Khơme Đỏ đã không ngừng leo thang mở rộng tấn công xâm lược Việt Nam và gây tội ác ngày càng lớn với nhân dân Việt Nam. Mọi nỗ lực phản ánh, kiến nghị của Việt Nam với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc này đều bị gạt bỏ[17]. Nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó là người bảo trợ chính của Khơme Đỏ. Khi Việt Nam tiến hành phản công chống quân Khơme Đỏ xâm lược và giúp nhân dân Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng tại nước này, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 07/01/1979, thì ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Mỹ và các nước phương Tây cùng Trung Quốc đã lợi dụng vấn đề Campuchia để bao vây, cấm vận, cô lập và làm suy yếu Việt Nam, giành ghế cho “Campuchia Dân chủ”[18] do Khơme Đỏ làm nòng cốt tại Liên hợp quốc và tài trợ cho các lực lượng này chiến đấu chống lại chính phủ mới ở Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam. Do đó, quân tình nguyện Việt Nam đã phải tiếp tục chiến đấu trong suốt hơn 10 năm tại Campuchia để giúp nhân dân Campuchia ngăn chặn sự trở lại của Khơme Đỏ và hồi sinh đất nước sau thảm hoạ diệt chủng. Cùng lúc đó, Việt Nam còn phải đối phó với xung đột, đối đầu thường trực với Trung Quốc tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Cuộc chiến đấu chống lại Khơme Đỏ ở Campuchia, cuộc chiến tranh biên giới và đối đầu với Trung Quốc cùng với sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vốn đã rất khó khăn do hậu quả chiến tranh lại càng thêm khó khăn hơn. Quan hệ giao thương và sự hỗ trợ ch yếu lúc đó là từ phía Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, tuy Việt Nam đã gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (khối SEV) năm 1978 nhưng khối này lúc đó cũng đã bước vào thời kỳ trì trệ nên mức viện trợ và hợp tác cũng hạn chế[19].

Đó là những khó khăn khách quan tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong suốt hai thập niên sau chiến tranh[20].

Về chủ quan, chúng tôi đã nóng vội, chủ quan trong việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế - xã hội sau khi giải phóng, thống nhất đất nước. Với phương châm “tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, chúng tôi đã tiến hành quốc hữu hóa, tập thể hóa hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh và áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung cùng chế độ phân phối bao cấp, bình quân trong cả nước. Các chính sách này chủ yếu là nhằm mục tiêu nhanh chóng xóabỏ bóc lột, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng quan hệ bình đẳng giữa người với người. Tuy nhiên, về kinh tế thì việc áp dụng mô hình nói trên đã tỏ ra hết sức kém hiệu quả. Thí dụ, mặc dù Việt Nam vốn là một nền kinh tế thuần nông nhưng năng suất lao động ngay trong sản xuất nông nghiệp lúc đó chỉ đạt ở mức rất thấp[21] dẫn đến tình trạng thiếu lương thực kéo dài, buộc Nhà nước phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn lương thực hng năm mới có thể bảo đảm cung cấp cho nhân dân ở mức tối thiểu. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại tất cả các ngành sản xuất khác làm cho mọi hàng hóa thiết yếu đều khan hiếm. Đến giữa những năm 1980, lạm phát 3 năm liền ở mức ba con số, có năm lên tới 774%. Hơn 70% dân cư sống trong nghèo đói. Khi đó đất nước thực sự đã lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội hết sức trầm trọng.

 Sai lầm chính của chúng tôi trong giai đoạn đó là đã nhầm lẫn giữa điểm xuất phát với đích đến. Xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa không có bóc lột, bảo đảm bình đẳng, công bằng và hệ thống phúc lợi xã hội đầy đủ cho mọi người dân là mục tiêu tốt đẹp cần vươn tới nhưng là cả một quá trình phấn đấu rất lâu dài để không ngừng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phát triển văn hóa, xã hội chứ không phải là công việc có thể làm một sớm một chiều. Việt Nam mới bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội chứ hoàn toàn chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng chúng tôi đã vội vàng áp dụng mô hình phát triển không tương thích với điều kiện cụ thể của đất nước. Thí dụ, trong nông nghiệp lúc đó chủ yếu là lao động chân tay theo công thức “con trâu đi trước, cái cày đi sau” chỉ phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất theo hộ gia đình, chưa hề có cơ giới hóa và các điều kiện, tiền đề hoặc nhu cầu khách quan để tổ chức, phân công lao động tập thể thì chúng tôi đã vội áp dụng mô hình hợp tác xã, thậm chí có cả các hợp tác xã bậc cao. Trên thực tế, chúng tôi đã xã hội hóa quan hệ sản xuất ở mức quá cao so với trình độ phát triển còn rất thấp của lực lượng sản xuất, trái với quy luật mà C. Mác đã đề ra, và điều đó đã tác động tiêu cực đến năng suất lao động. Việc áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung từ trung ương xuống cơ sở thông qua bộ máy quan liêu đã không thể bảo đảm sát với thực tế và hạn chế đáng kể vai trò năng động, sáng tạo của cơ sở. Việc duy trì chế độ bao cấp về nhà ở, lương thực, thực phẩm, hệ thống y tế, giáo dục miễn phí... trong khi ngân sách nhà nước vốn đã rất eo hẹp dẫn đến chỉ đủ khả năng đáp ứng một số nhu cầu cơ bản, tối thiểu ở mức rất thấp và không còn đủ nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Và kết quả là tuy xã hội tương đối bình đẳng nhưng trên thực tế là mọi người đều nghèo như nhau và ít có khả năng cải thiện được đời sống.

Trước tình hình đó, từ những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương thí điểm và từng bước thực hiện các chính sách đổi mới mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã quyết định chính thức đưa đường lối “đổi mới” vào thực hiện.

Cùng với việc triển khai các chính sách đổi mới, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lại”, Việt Nam cũng tích cực thực hiện chính sách đối ngoại mới nhằm xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Sau khi hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia năm 1989, Việt Nam đã lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991 và với Mỹ năm 1995. Có thể nói với việc hoàn tất bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước đã từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam, đất nước mới có được môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để tập trung vào công cuộc phát triển.

VỀ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY)

Đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra là xuất phát từ tình hình thực tế ở Việt Nam và trên cơ sở tổng kết các kinh nghiệm thực tiễn, sáng tạo từ cơ sở. Trong quá trình đổi mới, Đảng vừa tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong nước, vừa tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng đã chỉ rõ những sai lầm về lãnh đạo phát triển kinh tế trong thời gian qua, chủ trương “đổi mới tư duy”, trước hết là tư duy kinh tế để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Bước đột phá đầu tiên được thực hiện là trong sản xuất nông nghiệp với việc giao quyền sử dụng ruộng đất từ các hợp tác xã về cho nông dân để tổ chức sản xuất theo hộ gia đình, còn được gọi là “khoán hộ”. Việc áp dụng chính sách này đã ngay lập tức giúp tăng nhanh sản lượng nông nghiệp; chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã tự túc được lương thực, từ năm 1989 đã bắt đầu xuất khẩu gạo và sau đó đã nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Kết quả thực tế này là căn cứ quan trọng để mở rộng điều chỉnh quan hệ sản xuất trở lại phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trên tất cả các lĩnh vực khác, là cơ sở của việc hình thành chính sách đổi mới về kinh tế với mục tiêu chính là giải phóng sức sản xuất và huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Trọng tâm của chính sách đổi mới về kinh tế là từng bước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[22]. Cho đến nay, có thể nhận thấy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có một số đặc điểm chính sau đây:

- Về mục tiêu, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa coi phát triển kinh tế là phương tiện quan trọng nhằm cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, do đó, tuy coi trọng phát triển kinh tế nhưng không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng văn hoá, đạo đức và bảo vệ môi trường. Phương thức phát triển là phát triển toàn diện, công bằng, bền vững, lấy con người làm trung tâm. Do đó, trong khi coi “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm” thì Đảng và Nhà nước chủ trương “thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội trên từng bước phát triển kinh tế”, “phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần” và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi môi trường để phát triển”.

- Về cơ chế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm tận dụng, phát huy mặt mạnh của thị trường để phát triển kinh tế, đồng thời hạn chế mặt trái và định hướng hoạt động của thị trường vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển vì lợi ích chung của xã hội. Mặt khác, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế có sự kết hợp giữa việc vận hành theo các quy luật của thị trường với kế hoạch hóa vĩ mô thông qua các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện. Do các nguồn lực của thị trường thường chủ yếu tập trung vào các khu vực có lợi nhuận cao nên việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự kết hợp, bổ sung giữa nguồn lực của thị trường với các nguồn lực công thông qua các chương trình mục tiêu của Nhà nước và đầu tư công nhằm đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu phát triển của xã hội. Trên tinh thần đó, hng năm Quốc hội và Chính phủ đều ban hành hệ thống các chỉ tiêu phát triển không chỉ về kinh tế mà còn về phát triển xã hội, phát triển con người, phát triển bền vững, trong đó có các chỉ tiêu về giảm nghèo, phát triển y tế, văn hoá, giáo dục, môi trường, v.v. và dành nguồn lực đáng kể cho các sự nghiệp giáo dục, y tế, các chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn, phát triển các vùng đặc biệt khó khăn, v.v..

- Về cơ cấu thành phần, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Sự kết hợp này là cần thiết vì khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài tuy có vai trò rất quan trọng nhưng thường chủ yếu chỉ tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận trước mắt nên khó có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển của xã hội và lợi ích lâu dài của đất nước. Doanh nghiệp nhà nước không nhằm để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận mà là công cụ kinh tế của Nhà nước trực tiếp tham gia thị trường để thực hiện các nhiệm vụ phát triển quan trọng, cần thiết cho xã hội và đất nước mà các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác không muốn, không có khả năng hoặc không phù hợp để đảm nhận. Thí dụ, doanh nghiệp nhà nước độc quyền trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến an ninh quốc gia như sản xuất vũ khí, truyền tải điện..., đóng vai trò chi phối trong các lĩnh vực ảnh hưởng quyết định đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô như tài chính, năng lượng, bưu chính viễn thông, giao thông công cộng... hoặc tham gia tích cực hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và lợi ích của xã hội và đông đảo nhân dân, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, phát triển hạ tầng, kinh doanh lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước sạch, v.v.. Ngoài ra, sự hiện diện và tham gia của doanh nghiệp nhà nước còn giúp Nhà nước nắm tình hình và kịp thời có các biện pháp ổn định thị trường, chống các hoạt động tiêu cực như đầu cơ, gian lận thương mại, trốn thuế... Thí dụ, trước tình hình các thương lái thường tìm cách dìm giá lúa vào mùa thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long, việc Nhà nước giữ giá thu mua trong nhiều năm qua đã bảo vệ được lợi ích của nông dân trước những biến động tiêu cực của thị trường.

- Về chính sách xã hội, với chủ trương “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển và chính sách kinh tế”, trong khi tạo điều kiện và khuyến khích mọi người dân tự làm giàu một cách hợp pháp thì Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tập trung giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo và nhân dân các vùng khó khăn thông qua các chương trình quốc gia về xoá đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số, các vùng sâu, vùng xa, v.v.. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng hng năm thường là cao hơn mức tăng trưởng kinh tế. Trong khi chưa thể bảo đảm giáo dục miễn phí ở tất cả các cấp cho toàn dân thì Nhà nước ưu tiên miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo, con em người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đồng thời dành 20% tổng ngân sách nhà nước cho giáo dục và khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhằm bảo đảm cho mọi người có nhu cầu đều được đi học. Trong khi chưa thể bảo đảm chăm sóc y tế miễn phí cho toàn dân thì Nhà nước ưu tiên dành bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi, đồng thời tập trung phát triển hệ thống y tế, nhất là ở cơ sở, nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khuyến khích xã hội hóa dịch vụ y tế nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu chăm sóc y tế cho nhân dân, trong đó hệ thống y tế công đóng vai trò chủ đạo. Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm, đề ra và triển khai hàng loạt chính sách để thực hiện bình đẳng giới, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số, nhân dân các khu vực còn khó khăn, giúp đỡ những người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác trong xã hội.

- Về hợp tác kinh tế quốc tế, Việt Nam chủ trương thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam và thu hút đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước cho công cuộc phát triển đất nước. Trong quá trình đó, Việt Nam chủ trương vừa phát huy tối đa nội lực, không ngừng nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh của nền kinh tế, vừa mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế. Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2006 và cho đến nay, đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, trở thành nền kinh tế có độ mở cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi tổng sản phẩm nội địa.

Các chính sách đổi mới đã đem lại những thay đổi tích cực cho đất nước Việt Nam trong suốt hơn 3 thập niên qua.

Nền kinh tế liên tục phát triển với tốc độ tương đối cao, GDP tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm, từ 31 tUSD (năm 2000) lên 101 t USD (năm 2010) và 266 t USD (năm 2019); tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Sản lượng lương thực tăng từ
12 triệu tấn (năm 1980) lên 35 triệu tấn (năm 2000) và 43,6 triệu tấn (năm 2016). Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác. Công nghiệp cũng phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao, từ chỗ chỉ chiếm 29% GDP (năm 1986) lên 34,49% (năm 2019) (dịch vụ hiện chiếm 41,64% và nông nghiệp còn 13,96% GDP). Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng liên tục hng năm, từ 2,4 t USD (năm 1990) lên 14,5 t USD (năm 2000) và đạt 263,5 tUSD (năm 2019) (trong đó xuất siêu năm 2019 đạt gần 10 t USD). Tổng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đã thực hiện luỹ kế đến hết năm 2018 là 194 t USD trên 345 t USD đã đăng ký[23], riêng năm 2019 giải ngân được 20,8 t USD trên tổng số hơn 38 t USD vốn đăng ký. Trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2018, khu vực nhà nước chiếm 33,3%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 43,3% và khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 23,4%. Báo cáo Thế giới và Tin tức Hoa Kỳ tháng 9/2019 xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trên thế giới. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng gia tăng hng năm, năm 2018 đón hơn 15,6 triu khách, tăng 20% so với năm trước; năm 2019, Việt Nam được Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Lạm phát đã được kiềm chế, những năm gần đây luôn được duy trì ở mức dưới 4%; dự trữ ngoại tệ tăng liên tục, đạt mức kỷ lục; kinh tế vĩ mô giữ được ổn định.

Kinh tế phát triển đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt đất nước và quan trọng nhất là tạo điều kiện để cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 98USD (năm 1990) lên 402USD (năm 2000), 1.168USD (năm 2010) và đạt gần 2.800USD (năm 2019). Từ năm 2008, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nhóm các nước kém phát triển. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2016 - 2018 tăng trung bình 10,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế.

Tỷ lệ h nghèo cả nước tính theo tiêu chuẩn quốc gia đã giảm từ 75% (năm 1986) xuống còn 58% (năm 1993), 22% (năm 2005)dưới 4% (năm 2019). Nhìn chung, cứ trung bình 10 năm thì tỷ lệ nghèo đói tại Việt Nam giảm một nửa, bằng mục tiêu xóa đói, nghèo mà Liên hợp quốc đưa ra cho giai đoạn 2000 - 2015. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong số ít nước đã hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói nghèo.

Dân số Việt Nam hiện là hơn 96,2 triệu người, trong đó có hơn 34,4% sống tại thành thị và gần 66% sống ở nông thôn. Các chương trình quốc gia về phát triển nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ phát triển vùng sâu, vùng xa đã giúp 100% các xã nông thôn có điện lưới, 99,7% có trường tiểu học, 92,8% có trường trung học cơ sở và 99,9% có trạm y tế.

Việt Nam đã hoàn tất việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010. Số người đi học tăng từ 14,9 triệu người trong năm học 1994 - 1995 lên 22 triu người năm học 2016 -2017; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng từ 1,4 triệu người trong năm học 2005 - 2006 lên 2,3 triệu trong năm hc 2016 - 2017. Năm 2015, Việt Nam có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết. Tỷ lệ đạt trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên tăng từ 20,8% (năm 2009) lên 36,5% (năm 2019).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi gim t 33% (năm 2000) xung 19,9% (năm 2008) và 13,9% năm 2016; tỷ lệ trẻ em dưới
1 tuổi tử vong giảm từ 44 trẻ trên 1.000 (năm 1990) xuống còn 14 trẻ trên 1.000 năm 2019; tỷ lệ tử vong mẹ năm 2019 là 46 ca trên 100.000 ca, gần đạt mục tiêu đề ra cho năm 2030 là giảm tỷ lệ mẹ tử vong còn 45 ca trên 100.000 ca. Việt Nam đã khống chế được nhiều bệnh dịch nguy hiểm như thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt, ngăn chặn thành công các bệnh dịch nguy hiểm mới xuất hiện, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là nước đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công dịch SARS, là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS và ngày 30/3/2020 vừa qua được tổ chức Dalia Research có trụ sở tại Berlin công bố là nước “có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của chính phủ cao nhất thế giới”. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi vào năm 1990 lên 69,8 tuổi trong năm 2004 và 73,6 tuổi trong năm 2019.

Thất nghiệp được duy trì ở mức thấp với tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong cả nước năm 2018 là 2%, trong đó ở thành thị là 2,95% và ở nông thôn là 1,55%. Tỷ lệ hộ dân cư không có nhà ở trong cả nước giảm 10 lần trong 10 năm qua, chỉ còn 1.244 hộ vào năm 2019.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng từ 0,472 năm 1990 thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI thấp vươn lên dẫn đầu nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình, được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)công nhận là một trong những nước có mức tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới trong giai đoạn 1990 - 2018, với 1,36%/năm, đạt 0,63 trong năm 2019 và chỉ còn thiếu 0,007 điểm để lọt vào nhóm các nước có chỉ số HDI cao trên thế giới.

Hiện có hàng trăm ngàn người nước ngoài đang sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam. Tại Báo cáo HSBC Expat năm 2019 khảo sát ý kiến của 18.000 người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài đến sống và làm việc.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và phải chịu những hậu quả hết sức nặng nề do chiến tranh để lại, Việt Nam hiện vẫn là một nước có thu nhập trung bình thấp, trình độ phát triển vẫn còn kém so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được là cơ bản thì quá trình phát triển kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những thập niên qua cũng có không ít hạn chế. Một số chủ trương, nhiệm vụ đề ra đã không thực hiện tốt dẫn đến việc không đạt được mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn hạn chế nên kết quả phát triển còn thiếu vững chắc, chưa toàn diện; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn thấp, nhiều tập đoàn nhà nước và dự án đầu tư bị thất thoát, lãng phí, hiệu quả không cao, nợ công lớn; năng lực tự chủ, chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế còn không ít hạn chế, văn hóa, đạo đức xã hội có xu hướng sa sút, tội phạm và các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng; môi trường sinh thái bị huỷ hoại, ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu tác động ngày càng lớn của những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, phải chịu nhiều thiên tai và là một trong sáu nước chịu hậu quả lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt trên thế giới.

Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 2016 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tăng cường năng lực, kỷ cương và hiệu quả quản lý kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, chất lượng giáo dục và y tế, tăng cường xây dựng văn hóa và đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Những kết quả tích cực đạt được trong những năm qua đã khẳng định sự cần thiết và tính đúng đắn của các chủ trương này.

VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ VÀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Chế độ chính trị của Việt Nam có các đặc điểm cơ bản được hình thành do kết quả của tiến trình lịch sử cụ thể của Việt Nam và xuất phát từ yêu cầu mang tính quy luật của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một nhà nước đa đảng, tuy được lãnh đạo bởi lãnh tụ Hồ Chí Minh và Việt Minh nhưng cũng có sự tham gia của nhiều đảng phái, trong đó có cả các đảng đối lập. Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó chỉ mới có 5.000 đảng viên trong cả nước. Tuy nhiên, các cuộc xâm lược của Pháp ngay sau đó và tiếp theo là Mỹ đã làm thay đổi sâu sắc chế độ chính trị của Việt Nam. Các đảng do các thế lực nước ngoài dựng lên, bảo trợ đã đứng hẳn về phía quân xâm lược chống lại dân tộc, chạy theo quân xâm lược khi bị thất bại và do đó, đã tự đào thải mình ra khỏi đời sống chính trị ở Việt Nam. Trong khi đó, sự lãnh đạo sáng suốt và tấm gương hy sinh vì nước, vì dân của
Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản đã đem đến uy tín rộng rãi tuyệt đối cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian kháng chiến và sau khi giành được thắng lợi, hầu hết thanh niên ưu tú muốn cống hiến cho đất nước, nhân dân đều tình nguyện gia nhập Đảng Cộng sản. Và Đảng Cộng sản Việt Nam trên thực tế đã trở thành đảng chính trị duy nhất, giữ vai trò lãnh đạo đất nước, thường được nhân dân gọi là “Đảng ta”. Đó là kết quả của tiến trình lịch sử cụ thể khách quan của Việt Nam trong thế kỷ XX.

Mặt khác, xây dựng chủ nghĩa xã hội không phải là một công việc tự phát hay có thể hoàn tất một sớm một chiều mà là cả một sự nghiệp cách mạng tự giác, hướng đích lâu dài, đòi hỏi có sự lãnh đạo thường xuyên, liên tục và nhất quán của lực lượng chính trị dẫn dắt quá trình đó, mọi sự gián đoạn đều có thể dẫn đến việc đảo ngược tiến trình cách mạng và xoá bỏ mọi thành tựu đấu tranh, xây dựng của nhân dân. Do đó, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích của riêng mình mà chỉ phấn đấu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Theo quy định, mọi đảng viên trước khi được kết nạp vào Đảng nhất thiết phải tổ chức lấy ý kiến và được sự tín nhiệm của quần chúng ngoài Đảng, sau khi vào Đảng phải giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với quần chúng nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Mọi cơ quan, tổ chức và người dân đều phải tuân thủ pháp luật. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, được bầu 5 năm một lần thông qua bầu cử phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử ở tất cả các cấp. Mặc dù Việt Nam không có quy định bắt buộc các cử tri phải đi bầu cử nhưng số cử tri thực tế tham gia bầu cử luôn đạt trên 90% số lượng đăng ký. Quốc hội thực hiện vai trò lập pháp và giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp. Trong những thập niên gần đây, các phiên họp quan trọng của Quốc hội, kể cả các phiên chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đều được truyền hình, truyền thanh trực tiếp, công khai trong cả nước. Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm 2013 đã bổ sung nhiều quy định tăng cường dân chủ và bảo đảm đầy đủ hơn các quyền con người. Quốc hội khóa XIV hiện có 26,27% đại biểu là nữ, cao hơn mức trung bình trên thế giới là 22,3%; có 17,3% là đại biểu các dân tộc thiểu số, cao hơn mục tiêu tỷ lệ dân tộc thiểu số đặt ra là 14,3%. Các dự luật, chính sách quan trọng trước khi thông qua đều có sự tham khảo, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong xã hội; trên thực tế đã có những trường hợp phải dừng lại do không nhận được sự đồng tình của nhân dân. Nhiều vụ án oan, sai đã được xem xét lại và xử lý thoả đáng.

 Việt Nam hiện có hơn 70.000 tổ chức của nhân dân, trong đó có hơn 500 tổ chức quần chúng hoạt đng trên phm vi cả nước; nhiều đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng tập hợp đến hàng triệu đoàn viên, hội viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các tổ chức đại diện cho mọi thành phần giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, ngành nghề... trong xã hội. Thông qua các tổ chức này, người dân thuộc mọi tầng lớp tích cực tham gia đóng góp vào đời sống chính trị và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giữa các tổ chức nhân dân có quan hệ phối hợp theo phương châm “thống nhất trong đa dạng” nhằm vừa đại diện đầy đủ cho lợi ích của mọi tầng lớp xã hội, vừa góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lợi ích chung. Quan hệ giữa Nhà nước của dân, do dân và vì dân với các tổ chức của nhân dân là quan hệ gắn bó mật thiết giữa các đối tác có cùng mục tiêu, lợi ích, không phải là đối lập, đối kháng. Nhà nước có các biện pháp quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích và phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân hoạt động có hiệu quả trong việc đại diện, bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của quần chúng nhân dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ luôn có các cuộc gặp gỡ, đối thoại định kỳ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức quần chúng đại diện cho công nhân, nông dân, doanh nhân, phụ nữ và thanh niên.

Việt Nam hiện có gần 900 cơ quan báo chí cung cấp thông tin cho người dân trong cả nước. Các tổng biên tập và các nhà báo chịu trách nhiệm về nội dung thông tin theo quy định của pháp luật. Do phương tiện thông tin đại chúng cũng là một dạng quyền lực chính trị có tác động, ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung của toàn xã hội, phải thuộc về nhân dân nên Việt Nam chủ trương không tư nhân hóa báo chí; mọi báo chí đều thuộc về các cơ quan công hoặc các tổ chức của nhân dân. Số người sử dụng internet hiện chiếm hơn 60% dân số, xếp thứ 16 trên thế giới.

Tất cả mọi người dân ở Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng, thực hành tôn giáo. Tính đến tháng 6/2017, cả nước có 25,3 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, trong đó có hơn 11 triệu tín đồ Phật giáo, hơn 6 triệu tín đồ Công giáo, hơn 1,2 triu tín đồ Tin lành, 72.000 tín đồ Hồi giáo, hơn 2,4 triệu tín đồ đạo Cao Đài, và hơn 1,3 triệu tín đồ Hòa Hảo. Hiện có 42 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong những thập niên qua tạo điều kiện cho mọi người dân trực tiếp làm chủ cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu quan trọng đã đạt được thì tiến trình đổi mới về chính trị của Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức to lớn.

Thách thức thường trực từ bên ngoài là việc các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách chống phá Việt Nam. Những năm gần đây, ngoài việc tiếp tục các hoạt động khủng bố phá hoại an ninh quốc gia, chúng tăng cường lợi dụng các vấn đề nóng trong xã hội để xuyên tạc, kích động gây bất ổn trong nước. Trong khi đó, một số thế lực phương Tây vẫn luôn tìm cách tác động, gây sức ép trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Nhưng lớn nhất chính là thách thức nội tại, từ bên trong. Nguy cơ thường trực đối với đảng cầm quyền là bệnh trì trệ, tham nhũng, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân. Mặc dù đã sớm được nhận thức và cảnh báo về các nguy cơ đó nhưng các biện pháp chưa được triển khai một cách hữu hiệu, kịp thời và đầy đủ, nhất là trước những tác động phức tạp của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế trong những thập niên qua. Sự tôn sùng đồng tiền, xu hướng vị kỷ, chạy theo hưởng thụ vật chất nổi lên, chi phối nhiều mối quan hệ trong xã hội. Số lượng đảng viên tuy tăng đến khoảng 5 triệu nhưng chất lượng nhìn chung có sự sa sút. Chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, hành chính có xu hướng lan rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Đặc biệt, nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đã lan đến một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng đang làm cho Đảng và Nhà nước bị suy yếu, biến chất từ bên trong, cản trở sự phát triển của đất nước, gây nhiều bức xúc trong xã hội, làm giảm sút đáng kể niềm tin và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chính thứ “giặc nội xâm” này đang là nguy cơ lớn nhất đe doạ sự tồn vong của chế độ hiện nay.

Trước tình hình đó, Đảng chủ trương tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng cường kiểm soát quyền lực, đồng thời tiếp tục phát động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Gần đây, nhiều trường hợp vi phạm được kiên quyết xử lý theo phương châm “không có vùng cấm” đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, được xã hội đồng tình, ủng hộ.

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Cùng với tiến trình đổi mới ở trong nước, Việt Nam cũng triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam chủ trương “làm bạn với tất cả các nước”, chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã triển khai nhất quán chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, mở cửa và hội nhập quốc tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 183/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Trong quá trình mở rộng, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, chú trọng quan hệ với các nước lớn, các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè truyền thống. Trong khi phát triển quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, Việt Nam vẫn cố gắng dành một phần viện trợ cho một số nước như Lào, Campuchia, Cuba, triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cho một số nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Thực hiện chủ trương phát triển quan hệ đối tác có chiều sâu, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương và 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Quá trình đa phương hóa quan hệ đối ngoại và hộp nhập quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành thành viên của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC, WTO..., và tham gia 16 hiệp định thương mại tự do; Việt Nam cũng đã tích cực tham gia và đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động quốc tế lớn, quan trọng như các Hội nghị cấp cao APEC, ASEM, Đông Á, ASEAN... Thực hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, sau khi thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển, Việt Nam bắt đầu tham gia một số hoạt động nhân đạo của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Vừa qua, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu kỷ lục là 192/193 phiếu.

Những thành tựu về đối ngoại đã góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam trong những thập niên qua.

Tuy nhiên, môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn. Tình hình chính trị, an ninh và kinh tế thế giới đang diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, bất ổn có xu hướng gia tăng. Cạnh tranh chiến lược địa - chính trị giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, trong đó, Việt Nam và Đông Á nằm ở tâm điểm. Các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng gay gắt. Đặc biệt, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cũng như hòa bình, ổn định trên Biển Đông đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu và hoạt động chống phá, thực hiện “diễn biến hòa bình” để thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Trong tình hình đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới.

 

VÀI LỜI KẾT THÚC

 

Việt Nam là một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm hết sức hào hùng, trong đó đã từng ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên xâm lược. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, thời đại Hồ Chí Minh với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 75 năm qua là chặng đường vẻ vang nhất trong toàn bộ lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc chúng tôi.

Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam đã phát huy được cao độ chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, đã giải phóng, thống nhất đất nước khỏi các thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất, biến Việt Nam từ một nước bị xóatên trên bản đồ thế giới trở thành “lương tri của thời đại”, thành ngọn cờ đầu đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các nước trên toàn thế giới trong thế kỷ XX.

Công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong hơn ba thập niên qua đã làm thay đổi căn bản đất nước, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng chưa từng có, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, mở ra cơ đồ tươi sáng cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Những thắng lợi vĩ đại và thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó đã chứng minh tính đúng đắn của con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho nhân dân Việt Nam. Đó là những kết quả hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là thành quả của tình đoàn kết quốc tế mà nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới dành cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, con đường phía trước chúng tôi là không hề dễ dàng, bản thân đất nước chúng tôi còn có rất nhiều vấn đề nội tại cần phải tiếp tục giải quyết. hòa bình, ổn định, độc, lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang đứng trước những thách thức mới do những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới hiện nay. Đặc biệt, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước kém phát triển, thông qua kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế là công việc chưa từng có tiền lệ, có nhiềutrở ngại, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay. Đó là những thách thức không nhỏ.

Nhưng con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra là phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã cho thấy định hướng xã hội chủ nghĩa có một sức sống thực sự mạnh mẽ, vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội so với bất cứ xã hội nào khác có cùng trình độ phát triển. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc và sự ủng hộ, tham gia của nhân dân, việc thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ thành công.

Đây là cuộc đấu tranh mới của nhân dân Việt Nam và trong cuộc đấu tranh đó, chúng tôi tiếp tục rất cần đến sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác của tất cả các bạn bè và nhân dân các nước trên toàn thế giới.

Trần Đắc Lợi

Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam

(Trích từ sách "Đối thoại với Việt Nam - NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật/2020)

[1]. Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, PGS.TS. Hạ Thị Thúy (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam phổ thông, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t.6, tr.398.

[2]. Trong “Tuần lễ vàng” nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kg vàng.

[3]. Xem Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, PGS.TS. Đinh Quang Hải (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam phổ thông, Sđd, t.7, tr.53. 

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534.

[5]. Quân đội nhân dân Việt Nam, tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được thành lập ngày 22/12/1944 gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, do đồng chí
Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Đến thời điểm trước mùa khô 1953 - 1954, tổng quân số của Pháp là 445.000 người và tổng quân số của Việt Minh là 252.000 người. Về cơ cấu, quân đội Việt Minh chủ yếu là bộ binh, có rất ít pháo binh và phòng không. Riêng về bộ binh thì Pháp có đến 267 tiểu đoàn với biên chế từ 800 - 1.000 người/tiểu đoàn và quân đội Việt Minh chỉ có 127 tiểu đoàn với biên chế trung bình 635 người/tiểu đoàn. Trong khi đó, Pháp có 10 trung đoàn, 6 tiểu đoàn và 10 đại đội cơ giới, 580 máy bay, 391 tàu chiến. Về viện trợ, mãi sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô tháng 01/1950, Việt Nam mới bắt đầu nhận được viện trợ từ các nước này với tổng giá trị viện trợ từ tháng 6/1950 đến tháng 6/1954 là 34 triệu USD, chỉ bằng 0,85% tổng viện trợ của Mỹ cho quân đội Pháp tại Việt Nam với trị giá 4 t USD. Ngoài ra nước Pháp còn chi 3.370 t phrăng cho cuộc chiến, trung bình là 1 t phrăng/ngày, chiếm 28% tổng GDP của Pháp năm 1953.

[6]. Theo thống kê của Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến đã có 892.876 người di cư vào Nam, trong đó có hơn 676.000 người Công giáo và hàng trăm nghìn người từng làm việc cho Pháp cùng gia đình; trong khi đó có 140.000 người tập kết ra Bắc.

[7]. Năm 1956, Giám đốc CIA Allen Dulles đệ trình lên Tổng thống Mỹ Aixenhao (Eisenhower) báo cáo dự đoán nếu bầu cử tự do diễn ra thì khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh. Tại Hồi ký Mandate for Change, 1953 - 56 (Garden City, N.Y: Doubleday & Company, Inc., 1963, p.72), Aixenhao cũng đã thừa nhận: “Không có người nào hiểu biết về Đông Dương khi nói chuyện hoặc trao đổi với tôi lại không đồng ý rằng nếu tổ chức tuyển cử thì có thể 80% dân số sẽ bầu cho nhà cộng sản Hồ Chí Minh làm lãnh đạo hơn là Quốc trưởng Bảo Đại”.

[8]. Do Việt Minh có uy tín lớn trong nhân dân vì đã lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp thành công nên Edward Lansdale khuyên chính phủ Ngô Đình Diệm chuyển sang gọi họ là “Việt Cộng” để dễ đàn áp hơn. Cụm từ “Việt Cộng” được bắt đầu sử dụng từ đó.

[9]. Avro Manhattan: Vietnam Why Did We Go?, Chick Publication, Los Angeles 1984, pp.56, 89.

[10]. Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh này 6,6 triệu lượt quân nhân Mỹ - vào thời điểm cao nhất có tới 628.000 quân Mỹ hiện diện trên chiến trường (chiếm 70% tổng số lực lượng lục quân Mỹ lúc đó), sử dụng tất cả vũ khí tối tân nhất, chỉ trừ vũ khí hạt nhân, với 60% lực lượng không quân chiến lược, chiến thuật, trong đó có 46% tổng số pháo đài bay B52 với hơn 200 chiếc, 42% lực lượng hải quân với hàng trăm tàu chiến, trong đó có 15/18 hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm, 3.000 xe tăng, xe thiết giáp. Ngoài ra, Mỹ còn đổ tiền trang bị cho quân lực Việt Nam Cộng hòa 1.800 máy bay, 2.000 xe tăng - thiết giáp, 1.500 khẩu pháo, 50.000 xe cơ giới, hàng trăm tàu chiến và 2 triệu khẩu súng các loại. Mỹ còn huy động quân đội của các nước đồng minh gồm Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Thái Lan và Philíppin, trong đó, riêng Hàn Quốc từ những năm 1965 - 1973 đã có 312.853 binh sĩ tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Tổng chi phí của Mỹ đổ vào cuộc chiến này là 1.020 t USD (tính theo thời giá năm 2014), do đó, cuộc chiến tranh Việt Nam được coi là một trong những cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại. Trong khi đó, tổng viện trợ mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa trong suốt thời gian chiến tranh tương đương 7 t USD và theo đánh giá của chính cựu Tổng thống Mỹ R. Níchxơn, tổng sản phẩm quốc dân của miền Bắc lúc đó “chưa được 2 t USD” với “một đội quân 250.000 người và một số dân chỉ có 16 triệu người”.

[11]. Tại thời điểm đó, quân lực Việt Nam Cộng hòa có 920.000 quân được trang bị vũ khí mạnh nhất Đông Nam Á trong khi quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ có 219.000 người; viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho Việt Nam trong giai đoạn 1973 - 1975 cũng giảm gấp hơn 10 lần, chỉ còn 16.415 tấn vũ khí và thiết bị quân sự mỗi năm.

[12] Gồm “không thừa nhận đối phương, không có chính phủ liên minh dưới bất cứ vỏ bọc nào, không trung lập hoá những người thân cộng sản và không nhượng đất cho cộng sản”.

[13]. Tổng số có khoảng 11.000 máy bay các loại của Mỹ đã bị bắn rơi hoặc phá huỷ tại Việt Nam; 58.220 lính Mỹ chết và 305.000 lính Mỹ bị thương trong chiến tranh; khoảng 700.000 trong số lính Mỹ từng tham chiến sau khi trở về bị mắc các chứng rối loạn tâm thần, trong đó hàng vạn người đã tự sát; hàng trăm ngàn quân nhân và cố vấn Mỹ đã bị ung thư hoặc sinh con bị dị tật do tiếp xúc với chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Để chi cho chiến tranh, Mỹ đã phải tăng mạnh việc in tiền góp phần làm cho đồng đôla Mỹ mất giá và tăng lạm phát, kéo theo sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods do Mỹ hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc huy động các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng chuyển sang sản xuất thiết bị quân sự để phục vụ cho chiến tranh cũng đã gây ra sự sụt giảm hàng hoá, gây tổn thương cho nền kinh tế. Sự hao tổn chiến phí đã làm gia tăng thâm hụt ngân sách, góp phần đẩy kinh tế Mỹ vào một thập niên 1970 suy thoái đầy u ám.

[14]. Xem Trần Văn Thọ: Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005,tr.6.

[15]. Vuong Quan Hoang: Fledgling Financial Market in Vietnam’s Transition Economy, 1986 - 2003.

[16] Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mới chính thức công bố dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam.

[17]. Phải đến ngày 16/11/2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khơme Đỏ tại Campuchia do Liên hợp quốc bảo trợ mới chính thức “tuyên bố chính quyền Khơme Đỏ đã phạm các tội diệt chủng”, sát hại 1,7 triệu người từ tháng 4/1975 đến tháng 01/1979. Không khó hình dung điều gì sẽ tiếp tục xảy ra với nhân dân Campuchia nếu Việt Nam không giúp nhân dân nước này xóa bỏ chế độ Khơme Đỏ vào tháng 01/1979.  

[18]. Liên minh gồm Khơme Đỏ, Đảng bảo hoàng FUNCINPEC và Mặt trận Nhân dân giải phóng quốc gia (KPNLF), trong đó Khơme Đỏ là nòng cốt và duy nhất có lực lượng vũ trang.

[19]. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 1980 là 320 triệu rúp và đôla, trong đó chỉ có 80 triệu là bằng đồng đôla.

[20]. Trên thực tế thì Việt Nam chỉ bắt đầu có được môi trường quốc tế thực sự bình thường từ khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN năm 1995.

[21]. Năm 1980, tổng sản lượng lương thực cả nước chỉ đạt gần 14 triệu tấn, giảm 30 vạn tấn; chăn nuôi lợn tập thể giảm 16% so với năm 1979. 

[22]. Đại hội lần thứ VI (1986) chủ trương “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”, áp dụng cơ chế quản lý có đặc trưng mới là dựa trên “quan hệ hàng hóa - tiền tệ”. Đại hội lần thứ VII (1991) chủ trương “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội lần thứ VIII (1996) chủ trương “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội lần thứ IX (2001) chính thức coi “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là “mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ”.

[23]. Tính đến tháng 02/2019, trong 130 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam thì Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đầu tư là 63,7 tỉ USD (chiếm 18,4%), Nhật Bản đứng thứ hai với 56,7 tỉ USD (chiếm 16,4%), tiếp theo lần lượt là Xingapo, Đài Loan, Quần đảo Vơginnia thuộc Anh, Hồng Kông...

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link