Đại học Harvard và MIT khởi kiện chính quyền Mỹ về chính sách mới đối với sinh viên quốc tế

Ngày 8/7, Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã khởi kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan đến chính sách mới vừa được Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) công bố.

 

Chú thích ảnh
Học viện Công nghệ Massachusetts. Ảnh: Bloomberg

Trong đơn khởi kiện được gửi đến Tòa sơ thẩm liên bang ở Boston, hai trung tâm đào tạo này cho rằng chính sách ICE mới ban hành là “tùy tiện, kỳ cục”, khi không thông báo, tham vấn trước với các trường.

Trước đó, ngày 6/7, ICE thông báo sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước hoặc đứng trước nguy cơ bị trục xuất nếu như đăng ký toàn bộ các tín chỉ theo hình thức học trực tuyến.

Điều này đồng nghĩa với việc các sinh viên nước ngoài nếu không học trực tiếp (lên lớp) sẽ phải chuyển trường, hoặc đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước.

Theo hai trung tâm đào tạo nói trên, sắc lệnh mới ban hành mang động cơ chính trị và sẽ đẩy giáo dục đại học ở Mỹ lâm vào bất ổn. Quy định mới được xem là nỗ lực của Nhà Trắng trong việc ép buộc các trường đại học mở cửa trở lại, từ bỏ cách tiếp cận giảng dạy thận trọng mà nhiều trường tuyên bố sẽ thực hiện để giảm lây nhiễm COVID-19.

Đại học Harvard đang có kế hoạch giảng dạy trực tuyến hoàn toàn, nhiều trường đại học khác dự kiến áp dụng “mô hình lai”, có kết hợp giữa phần lớn thời gian dành cho học trực tuyến, xen vào đó là các tiết học trực tiếp trên lớp. Chủ tịch Đại học Havard Lawrence S. Bacow đã gọi hành động của chính quyền với sinh viên nước ngoài nêu trên là độc ác, vô tâm. “Dường như quyết định của ICE được xây dựng để ép buộc các trường Đại học giảng dạy theo hình thức trực tiếp trên lớn mà không hề quan tâm đến sức khỏe và an toàn của sinh viên, giảng viên và những người khác”, ông Bacow nêu quan điểm trong tuyên bố.

Đơn khởi kiện hướng đến việc tòa án ra phán quyết chặn chính phủ thực thi sắc lệnh mới, vì nó vi phạm Đạo luật quản lý hành chính (APA).

Theo Viện Chính sách Di cư có trụ sở ở Washington D.C., có khoảng 1,2 triệu sinh viên thuộc diện bị ảnh hưởng đã đăng ký ghi danh theo học tại 8.700 trường trên khắp nước Mỹ tính tới tháng 3/2018.  Động thái của chính quyền Mỹ có thể ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ du học hoặc tham gia các chương trình đào tạo-trao đổi, cũng như các khóa học nghề hoặc phi học thuật.

Trước đó, do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu quyết định chuyển các khóa học sang hình thức hoàn toàn trực tuyến. Ví dụ, tại Đại học Harvard, tất cả hướng dẫn khóa học đều được gửi tới sinh viên qua Internet, bao gồm cả những sinh viên nội trú ngay trong trường. Đối với sinh viên nước ngoài, điều này đang mở ra cánh cửa buộc họ phải rời Mỹ. 

Sau thông báo gây nhiều hoang mang của ICE, ngày 7/7 Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo mang tính trấn an, khẳng định sinh viên quốc tế luôn được chào đón tới học tập tại nước này.

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước Mỹ lâu nay luôn là điểm đến được các sinh viên quốc tế lựa chọn và vui mừng khi biết rằng số sinh viên quốc tế đã lên kế hoạch học tập tại Mỹ vào mùa thu này vẫn có cơ hội thực hiện điều đó.

Liên quan đến quyết định về điều chỉnh tạm thời các yêu cầu đối với thị thực không định cư diện F-1 và M-1 đối với sinh viên quốc tế trong khóa học mùa thu năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết giải pháp này là để tạo điều kiện kết hợp giữa khóa học trực tiếp và học qua mạng để bảo đảm tương thích với những yêu cầu của thị thực không định cư dành cho sinh viên.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sự điều chỉnh tạm thời về quy chế thị thực này giúp cho sinh viên quốc tế có sự linh hoạt tốt hơn trong tiếp tục theo đuổi khóa đào tạo tại Mỹ, đồng thời cho phép thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong khuôn viên các trường đại học luôn ở trạng thái mở. Sinh viên quốc tế vẫn cần phải nhận được thị thực phù hợp và vẫn là đối tượng được xem xét duyệt thị thực khác hoặc hạn chế đi lại vì COVID-19. Thông cáo cũng lưu ý sinh viên các nước nên liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ tại nước mình để nắm thêm thông tin.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (WSJ)

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link