Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tư tưởng Marxist  

“…Ở Làng Mai chúng tôi đang sống đơn giản. Tăng, ni, và cư sĩ – chúng tôi sống với nhau như một gia đình. Không ai có xe riêng. Không ai có tài khoản ngân hàng riêng. Không ai có điện thoại riêng. Trên thực tế, chúng tôi có những người Cộng sản thực sự”.

 

Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tư tưởng của Marx

Ngày 13/1/2015, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xác định mình như là một người theo chủ nghĩa Marx trong khi nói chuyện về chủ nghĩa tư bản, sự phân biệt đối xử và bạo lực trong một bài thuyết giảng về hòa bình thế giới ở Kolkata, Ấn Độ. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã nói chuyện nghiêng về chính trị – vào năm 2011, ông đã nói: “Tôi xem mình là một người theo chủ nghĩa Marx” khi phát biểu tại một hội nghị ở Minneapolis, Mỹ.

Nhà lãnh đạo Phật giáo này cũng từng cho rằng “Tăng đoàn của Đức Phật là “nhóm xã hội cộng sản đầu tiên trên thế giới” và “các giới luật đầu tiên cho tăng sĩ đến nay còn nghiêm ngặt hơn trong chủ nghĩa Cộng sản ở Nga” (2002); “Chủ nghĩa Marx đã nói về sự phân phối tài sản một cách công bằng. Tôi rất ủng hộ điều này“(1999); “Tôi vẫn nghĩ tôi là người một nửa theo chủ nghĩa Marx, một nửa Phật tử” (1996).

Trở lại với buổi nói chuyện với chủ đề “Phương pháp tiếp cận của con người với nền hòa bình thế giới” được trường đại học Presidency University, Kolkata Ấn Độ tổ chức năm 2015, Đạt Lai Lạt Ma đã tuyên bố trước các khám giả “Chúng ta phải có một cách tiếp cận với con người. Theo như lý thuyết kinh tế xã hội, tôi là một người Marxist“.

Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã quy một phần trách nhiệm cho chủ nghĩa tư bản về sự bất bình đẳng và nói rằng ông coi chủ nghĩa Marx như là câu trả lời. “Ở các nước tư bản chủ nghĩa, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng. Trong chủ nghĩa Marx, người ta chú trọng vào việc phân phối công bằng“, ông nói thêm rằng “nhiều nhà lãnh đạo Marxist bây giờ đã theo tư bản chủ nghĩa trong lối tư duy của họ“.

Đạt Lai Lạt Ma nói rằng mình coi sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội ở Ấn Độ đang diễn ra là do phân biệt đối xử đối với phụ nữ và đẳng cấp xã hội thấp, ông kêu gọi thanh niên trên thế giới hãy để thế kỷ 21 từ một thế kỷ của bạo lực thành một “thế kỷ của hòa bình“.

Ông nói: “Tôi sẽ không nhìn thấy điều này trong cuộc đời của tôi, nhưng chúng ta phải bắt đầu thực hiện điều đó. Những ai ở lứa tuổi dưới 30 là thế hệ của thế kỷ 21. Bạn phải ngăn chặn bạo lực với ý chí, tầm nhìn và trí tuệ của mình“, và nói thêm rằng vũ khí hạt nhân nên bị cấm.

Một nhà lãnh đạo Phật giáo có tiếng nói khác là thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng xác nhận cảm tình của mình dành cho tư tưởng của Marx. Trong một bài viết vào năm 2007, ông cho biết: “… ở Làng Mai chúng tôi đang sống đơn giản. Tăng, ni, và cư sĩ – chúng tôi sống với nhau như một gia đình. Không ai có xe riêng. Không ai có tài khoản ngân hàng riêng. Không ai có điện thoại riêng. Trên thực tế, chúng tôi có những người Cộng sản thực sự“.

Theo PHẬT GIÁO VÀ KHOA HỌC