Nga hạ sát Chỉ huy Lữ đoàn Ukraine vừa được điều tới Sumy
Kênh truyền hình 24tv (Ukraine) ngày 1/7 dẫn lời Chuẩn tướng Ukraine Sergey Sobko thông báo, Chỉ huy Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 110 vừa được điều động khẩn cấp tới Sumy đã thiệt mạng.
Tổng thống Vladimir Zelensky sau đó xác nhận rằng, ông Zakharevich đã tử vong trong đợt tập kích của Nga tại tỉnh Zaporizhzhia. Trước đó, vào cuối tháng 6, nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Lữ đoàn 110 đã được triển khai tới một khu định cư tại tỉnh Sumy.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), đây là chỉ huy lữ đoàn thứ 9 của Ukraine bị quân đội Nga loại bỏ kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.
Nga vừa hạ sát Chỉ huy Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 110 của Ukraine. Ảnh: MK
“Việc loại bỏ chỉ huy Zakharevich không chỉ là lời cảnh báo cho phía Ukraine về hành động xâm phạm vùng đất miền Nam nước Nga, mà còn là minh chứng cho sự chính xác và hiệu quả trong hành động của quân đội Nga trên hướng Zaporizhzhia” - Chủ tịch Hội đồng điều phối về hội nhập các vùng lãnh thổ mới ông Vladimir Rogov nói với RIA.
Theo ông, Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 110 của Ukraine thường xuyên chịu tổn thất nặng nề từ các lực lượng Nga tại đường ranh giới ở Zaporizhzhia, tỉnh Donetsk, cũng như tại tỉnh Sumy – nơi từ đó họ được điều động để tham gia các cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga.
50.000 quân Nga sẵn sàng tấn công
Sau khi chặn đứng cuộc phản công bất ngờ của Ukraine vào khu vực Kursk hồi tháng 4, Nga đang tìm cách dồn quân áp sát biên giới và giành quyền kiểm soát Sumy.
"Chiến lược chính của họ là lấy số đông để bào mòn chúng tôi" - Tổng Tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi nói với Wall Street Journal.
Trong khi lực lượng của Nga chủ yếu tập trung ở khu vực biên giới phía Đông Nam kéo dài hơn 1.000 km, thì đường chiến tuyến đã mở rộng thêm hơn 160 km trong năm qua khi Moscow chuyển mục tiêu sang Sumy và các khu vực phía Bắc khác.
Sau khi giành lại quyền kiểm soát Kursk, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, quân đội Nga sẽ thiết lập một "vùng đệm an ninh" dọc theo Sumy.
Tổng thống Zelensky cảnh báo Moscow đang lên kế hoạch thiết lập vùng đệm sâu khoảng 10 km, điều này sẽ tạo điều kiện để lực lượng "đông và mạnh nhất" của Nga có thêm không gian cho các đợt tấn công mới.
Nga đang tiến hành các đợt tấn công dữ dội vào Sumy. Ảnh: NYPost
Đợt tấn công mới nhất diễn ra vào tuần trước khi quân Nga tìm cách tiến vào khu vực này. Theo lời ông Syrskyi, lực lượng phòng thủ của Ukraine đã ngăn cản thành công khoảng 50.000 binh sĩ Moscow triển khai hôm 26/6
Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu tại Sumy hiểu rõ chỉ là vấn đề thời gian trước khi quân Nga với lực lượng áp đảo cùng chiến thuật "cối xay thịt" tràn vào khu vực.
"Phía Nga mất khoảng 300 đến 400 người mỗi ngày trên toàn khu vực, nhưng họ chấp nhận được mức thương vong đó" - một chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Ukraine nói với WSJ - "Họ liên tục đưa thêm quân dự bị."
Các binh sĩ Ukraine khác than phiền rằng, mặc dù đã tiến hành cuộc phản công kéo dài hàng tháng ở Kursk khiến Nga rơi vào thế bị động, nhưng các chỉ huy Kiev bị cáo buộc đã không củng cố biên giới Sumy.
Đáng lưu ý, theo WSJ, động thái tập trung quân tại Sumy diễn ra trong bối cảnh các nhà phân tích và chuyên gia cảnh báo Moscow nhiều khả năng đang chuẩn bị cho đợt tấn công quy mô lớn hơn vào sâu trong lãnh thổ Ukraine mùa hè này, sau nhiều tháng tiến từng bước nhỏ dọc theo chiến tuyến.
Động thái bất ngờ từ Mỹ
Giữa lúc tình hình tại Sumy đang “căng như dây đàn”, hãng tin NBC News dẫn nguồn từ người đứng đầu Lầu Năm Góc Pete Hegseth cho biết, Mỹ đã quyết định tạm thời đình chỉ việc chuyển giao tên lửa và đạn dược cho lực lượng Ukraine, viện dẫn tình trạng đáng báo động của kho dự trữ quân sự nội địa.
Theo MK, với động thái này, Mỹ đang mang tới cho Nga cơ hội "chưa từng có tiền lệ" trong cuộc chiến với Ukraine.
Các nguồn tin trong Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ xác nhận, Washington đã tạm ngừng toàn bộ hoạt động chuyển giao vũ khí cho Kiev cho tới khi hoàn tất kiểm kê toàn diện kho vũ khí. Danh sách tạm dừng bao gồm: hàng chục tên lửa phòng không Patriot, hàng nghìn quả đạn pháo 155 mm, hơn 100 tên lửa Hellfire, hơn 250 quả đạn cho hệ thống GMLRS, cùng nhiều tên lửa Stinger, AIM và súng phóng lựu chống tăng.
Giới chức Mỹ thừa nhận, sau hơn hai năm hỗ trợ Ukraine, tham gia các cuộc xung đột tại Trung Đông, chiến dịch quân sự chống Houthi ở Yemen và tăng cường phòng thủ cho đồng minh trước mối đe dọa từ Iran, kho vũ khí của Mỹ đã cạn kiệt nghiêm trọng. Một lượng lớn vũ khí cũng đã được điều chuyển tới các khu vực nhạy cảm, khiến năng lực cung ứng cho Kiev bị ảnh hưởng.
Đại diện Nhà Trắng, bà Anna Kelly, khẳng định, quyết định này nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ. "Chúng tôi buộc phải ưu tiên an ninh nội địa," bà nói và nhấn mạnh: "Sức mạnh quân sự của Mỹ không phải điều có thể nghi ngờ. Hãy hỏi Tehran mà xem."
NBC News cho biết, lô vũ khí bị đình chỉ từng nằm trong gói viện trợ khẩn cấp cho Ukraine do chính quyền Tổng thống Joe Biden phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình đánh giá mới nhất cho thấy kho dự trữ, đặc biệt là đạn pháo và vũ khí chính xác cao, đã gần như cạn sạch, khiến Washington không thể tiếp tục duy trì tốc độ viện trợ như trước.
Trong khi đó, động thái từ Mỹ đang khiến Kiev choáng váng. Kênh tin tức Resident (Ukraine) dẫn nguồn tin trong chính phủ Ukraine cho biết, ông Zelensky đang "đứng ngồi không yên" trước hành động của Washington.
Mỹ bất ngờ đình chỉ viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ảnh: MK
Các chuyên gia nhận định, nếu đây không phải là một chiêu bài ngoại giao, quyết định tạm ngừng viện trợ sẽ giáng đòn nặng nề vào Kiev, vốn đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ phương Tây.
Giới lãnh đạo Mỹ đang ưu tiên tuyệt đối việc bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì năng lực chiến đấu của quân đội. Washington hiểu rõ, việc tiếp tục làm suy yếu kho dự trữ có thể làm lung lay vị thế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Đài Loan và Trung Đông, nơi Israel đang đóng vai trò then chốt.
Ukraine đang dần đánh mất vị thế "đối tác số một" trong chính sách viện trợ của phương Tây. Mặc dù tuyên bố chính thức vẫn giữ thái độ kiềm chế, thực tế cho thấy phương Tây đã chuyển sang chính sách viện trợ có chọn lọc, với Ukraine không còn là ưu tiên hàng đầu — điều chưa từng xảy ra kể từ khi xung đột bùng phát năm 2022.
Quyết định của Mỹ không chỉ là thông điệp nội bộ với ngành quốc phòng mà còn là tín hiệu gửi tới quốc tế. Washington nhắc nhở châu Âu về mức độ phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời cho Moscow và Bắc Kinh thấy rõ giới hạn trong năng lực tiếp tế của NATO.
Thời kỳ vũ khí từ kho dự trữ Mỹ được rót liên tục về Ukraine dường như đã kết thúc. Việc tạm ngừng viện trợ không phải sự cố kỹ thuật nhất thời mà là bước khởi đầu cho chính sách mới: Từng đơn vị vũ khí sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng dưới góc độ lợi ích chiến lược.
Giờ đây, Kiev phải hoặc thích nghi với tình trạng thiếu hụt vũ khí, hoặc gấp rút tìm nguồn cung thay thế.
Điều đáng lo ngại là Ukraine gần như không có khả năng tự sản xuất vũ khí, còn năng lực của các nước NATO cũng không đủ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu từ Kiev, dù là pháo binh, tên lửa hay thiết bị quân sự.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
(Theo 24tv, MK, NYPost)