Nguồn: Saransh Sehgal, “Dalai Lama at 90: The Succession Battle That Will Shape Tibet’s Future,” The Diplomat, 30/06/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chuẩn bị bước sang tuổi 90 vào ngày 06/07 sắp tới, sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Đối với hầu hết những người sống thọ, sinh nhật thứ 90 có lẽ là thời điểm để suy ngẫm. Nhưng đối với vị tu sĩ Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới, đây là một khoảnh khắc sẽ để lại hệ quả sâu sắc, vì ngài có thể tiết lộ kế hoạch lựa chọn người kế vị mình, một động thái chưa từng có trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Vấn đề này vượt ra ngoài ý nghĩa tâm linh; nó đã trở thành một cuộc xung đột địa chính trị phức tạp, với việc Bắc Kinh khao khát kiểm soát quá trình tái sinh đã tồn tại từ hàng thế kỷ nay và tương lai của Tây Tạng.
Theo truyền thống, việc tìm kiếm hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ bắt đầu sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại qua đời. Các cao tăng sẽ diễn giải các dấu hiệu, tham khảo ý kiến các nhà tiên tri, và tìm kiếm khắp khu vực Tây Tạng để tìm một đứa trẻ thể hiện những phẩm chất của Đức Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm. Quá trình này có thể mất nhiều năm, thường để lại một khoảng trống về mặt tâm linh và lãnh đạo.
Nhưng lần này, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tenzin Gyatso, đã chọn thay đổi tất cả, ẩn ý rằng ngài có thể chỉ định người kế vị khi vẫn còn sống và đứa trẻ đó có thể được sinh ra bên ngoài Tây Tạng, cam kết rằng người kế vị ngài sẽ không được sinh ra dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). “Vì mục đích của một hóa thân là tiếp nối công việc của người tiền nhiệm, nên Đức Đạt Lai Lạt Ma mới sẽ được sinh ra ở thế giới tự do,” Đức Đạt Lai Lạt Ma viết trong cuốn sách gần đây của mình, Voice of the Voiceless (Tiếng nói của những người không có tiếng nói.)
Đây là một hành động bác bỏ trực tiếp nhắm đến Bắc Kinh, những người vốn từ lâu đã khẳng định rằng chỉ họ mới có quyền chấp thuận hóa thân của các lạt ma Tây Tạng. Trung Quốc đã tự mình lựa chọn một Ban Thiền Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần cao thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng và là nhân vật chủ chốt trong việc xác định Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, đồng thời giam giữ cậu bé được Đức Đạt Lai Lạt Ma và những tín đồ của ngài công nhận.
Sinh năm 1935 tại Amdo, một vùng xa xôi của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại đã được xác định là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 khi chỉ mới hai tuổi. Đến năm 15 tuổi, ngài đã nắm giữ toàn quyền về cả tâm linh lẫn thế tục. Nhưng vào năm 1959, sau một cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc thất bại, ngài phải chạy trốn sang Ấn Độ, nơi ngài thành lập chính phủ Tây Tạng lưu vong tại thị trấn Dharamsala thuộc dãy Himalaya.
Suốt nhiều thập kỷ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về bất bạo động, lòng trắc ẩn, và khoan dung tôn giáo. Được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989, ngài đã không ngừng vận động cho quyền tự trị của Tây Tạng thông qua các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, khi ngài bước sang thập kỷ thứ mười của cuộc đời, câu hỏi đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra sau ngài?
Bắc Kinh từ lâu đã cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người ly khai. Trong những tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc đã tăng cường luận điệu chống lại “chủ nghĩa ly khai,” với việc các nhà lãnh đạo an ninh hàng đầu đi thăm các khu vực Tây Tạng và nhấn mạnh sự cần thiết phải “đánh bại các lực lượng ly khai.” Bắc Kinh đang chuẩn bị khẳng định quyền của mình đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, bất kể Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại quyết định thế nào.
Đối với Bắc Kinh, việc lựa chọn hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma đơn thuần chỉ là vấn đề kiểm soát. Bằng cách đưa một người kế vị dễ bảo lên nắm quyền, chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ vô hiệu hóa phong trào độc lập Tây Tạng và củng cố quyền lực của mình đối với khu vực.
ĐCSTQ từ lâu đã tìm cách mở rộng quyền kiểm soát đối với Phật giáo Tây Tạng, xem đây vừa là mối đe dọa vừa là công cụ chính trị tiềm năng. Từ những năm 1990, Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai “giáo dục yêu nước” trong các tu viện, hình sự hóa hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và sử dụng hệ thống giám sát để theo dõi các nhà sư và tín đồ.
Tại Dharamsala, thủ đô trên thực tế của người Tây Tạng lưu vong, tâm trạng chung là chờ đợi trong thận trọng. Penpa Tsering, Sikyong (chủ tịch) của Chính quyền Trung ương Tây Tạng, xác nhận rằng một cuộc họp của các lạt ma cấp cao sẽ diễn ra vào ngày 02/07, trước sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một thông điệp video từ Đức Đạt Lai Lạt Ma dự kiến sẽ tiết lộ tầm nhìn của ngài về quá trình kế vị.
Theo lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma, “Thay đổi là một phần của cuộc sống. Nhưng cách chúng ta định hình sự thay đổi đó – đó là trách nhiệm của chúng ta.”
Người Tây Tạng lưu vong, với số lượng khoảng 140.000 người trên toàn thế giới, hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao đầy biến động. Nhiều người xem kế hoạch của Đức Đạt Lai Lạt Ma là hy vọng tốt nhất của họ để bảo tồn tự do tôn giáo và chống lại sự can thiệp của Bắc Kinh. Đối với người Tây Tạng bình thường, quá trình kế vị là vấn đề mang tính cá nhân. Nhiều người lo lắng về sự chia rẽ nếu hai Đức Đạt Lai Lạt Ma đối địch xuất hiện – một do những người lưu vong công nhận, một do Bắc Kinh công nhận.
Những tín đồ và người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến quá trình kế vị chắc chắn sẽ thất bại.
“Nhiều người trong chúng tôi chưa từng thấy Tây Tạng, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mang lại cho chúng tôi nguồn cội. Sự lựa chọn của ngài không chỉ quan trọng đối với tôn giáo, mà còn đối với bản sắc của dân tộc chúng tôi,” Dolma Lhamo, một phụ nữ Tây Tạng lưu vong sống ở Ấn Độ, cho biết.
Tsering Woeser, một nhà văn và blogger người Tây Tạng sống tại Bắc Kinh, đã viết trên Facebook rằng: “Sinh nhật lần thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là khoảnh khắc tuyệt vọng, mà là khoảnh khắc của sự kiên cường về tâm linh, sự chuyển giao dân chủ, và sự tiếp nối văn hóa.”
Một người Tây Tạng lưu vong khác, Yonten, hiện đang sống ở châu Âu, chỉ ra rằng, “Đây không chỉ là một câu hỏi về tâm linh, mà còn là về quyền tự do quyết định tương lai của chúng tôi mà không sợ hãi hay bị kiểm soát bởi nước ngoài.” Ông nói thêm, “Việc Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định người kế vị khi còn sống vừa dũng cảm vừa khôn ngoan. Nó đảm bảo tính liên tục và bảo vệ đức tin của chúng tôi khỏi sự thao túng chính trị.”
Quyết định của Đức Đạt Lai Lạt Ma được đưa ra vào thời điểm mà các chuyên gia cho rằng tự do tôn giáo đang bị đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới. Việc ngài nhấn mạnh rằng người kế vị cần được sinh ra trong “thế giới tự do” đã gây tiếng vang vượt xa dãy Himalaya. Đó là một lời kêu gọi bảo vệ quyền tự chủ tinh thần chống lại sự can thiệp của chính quyền.
Dibyesh Anand, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Westminster ở London và là tác giả của cuốn Geopolitical Exotica: Tibet in Western Imagination (Địa chính trị kỳ lạ: Tây Tạng trong trí tưởng tượng của phương Tây), nhận xét: “Những lời lẽ gay gắt cũng như hành động đơn phương liên quan đến Tây Tạng của chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm qua sẽ dần rơi vào bế tắc sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không còn nữa.”
“Sự bế tắc này đến từ việc Đảng Cộng sản khẳng định quyền kiểm soát hóa thân tái sinh và lựa chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, trong khi cộng đồng Tây Tạng hải ngoại bác bỏ lựa chọn đó và tìm kiếm một hóa thân tái sinh lưu vong theo mong muốn của Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại,” Anand nói.
Ông chỉ ra rằng bất kể Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định thế nào, thì điều rõ ràng là đây không chỉ là một sự chuyển giao tâm linh, mà còn là một điểm uốn địa chính trị. “Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng tính chính danh chưa từng có vì cả hai bên – người Tây Tạng lẫn Bắc Kinh – đều không có khả năng đàm phán, chứ đừng nói đến thỏa hiệp, trong tương lai,” ông nói.
“Sự bế tắc này sẽ vượt ra ngoài quan hệ Trung Quốc-Tây Tạng vì Bắc Kinh sẽ sử dụng ‘công thức một Trung Quốc,’ theo đó tất cả các quốc gia tìm kiếm quan hệ ngoại giao phải từ chối Đài Loan và chỉ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là ‘Trung Quốc thực sự’; họ cũng sẽ yêu cầu tất cả các quốc gia công nhận ứng cử viên của Bắc Kinh là ‘Đức Đạt Lai Lạt Ma thực sự.’ Và các quốc gia phương Tây, Nhật Bản, Ấn Độ, và một số quốc gia khác có lẽ sẽ không nhượng bộ trước áp lực có thể đến từ Bắc Kinh. Do đó, căng thẳng địa chính trị và bất ổn ở Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát về vấn đề hóa thân tái sinh là kịch bản có khả năng xảy ra nhất,” ông nói thêm.
Kalpit A. Mankikar, một nhà nghiên cứu từ Quỹ Nghiên cứu Người quan sát, New Delhi, nhận xét: “Xét đến việc Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ở tuổi ngoài tám mươi, vấn đề kế vị nổi lên rõ ràng trong tính toán chiến lược. Vì có một lượng lớn người Tây Tạng sinh sống ở Ấn Độ, nên có những lo ngại về việc cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai.”
Ông nói thêm, “Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược lớn do nhiệm kỳ tổng thống của Trump và các yếu tố trong nước khác như kinh tế. Trong tình hình như vậy, họ đang tập trung vào vấn đề kế vị liên quan đến việc ai sẽ lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng. Trung Quốc sẽ tìm cách khẳng định mình trong vấn đề kế vị. Trong giai đoạn hậu Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, họ chắc chắn sẽ cố gắng áp đặt ứng cử viên của mình và cố gắng giành được tính chính danh cho nhân vật này.”
Nhiều cường quốc toàn cầu dường như đã phản đối kế hoạch của Bắc Kinh. Ấn Độ, quốc gia tiếp nhận hầu hết người Tây Tạng lưu vong, vẫn giữ lập trường thận trọng và trung lập, nhưng có lẽ họ là một trong những nước công khai ủng hộ quyền quyết định người kế vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cùng với đó là sự thừa nhận những tác động rộng hơn đối với quan hệ Trung-Ấn.
Chính phủ Mỹ cũng có lập trường riêng về sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuyên bố rằng bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ Trung Quốc vào quá trình này đều sẽ bị trừng phạt. Lập trường này đã được củng cố trong Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng năm 2020, bao gồm các điều khoản buộc các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự can thiệp đó. Mỹ xem những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát quá trình tái sinh là vi phạm quyền tự do tôn giáo và truyền thống văn hóa Tây Tạng.
Một nghị quyết lưỡng đảng đã được trình lên Quốc hội Mỹ vào ngày 16/06, đề xuất chỉ định ngày 06/07/2025 là “Ngày của Lòng Trắc Ẩn” để vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Về phần mình, Liên minh châu Âu không nêu rõ lập trường trong một văn bản chính thức nào, nhưng các hành động và tuyên bố của họ cho thấy sự ủng hộ đối với quyền của cộng đồng Phật giáo Tây Tạng trong việc quyết định người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trong những ngày tới, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chuẩn bị công bố kế hoạch lựa chọn người kế vị, nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng không chỉ suy ngẫm về tương lai của dòng dõi tâm linh của mình. Ngài còn đang thách thức tham vọng địa chính trị của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Saransh Sehgal chuyên viết về Tây Tạng và địa chính trị ở khu vực Himalaya.