Người Việt sẽ được sử dụng CCCD thay hộ chiếu khi du lịch nước ngoài?

Theo Bộ Công An, khi Việt Nam và các nước có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép thì công dân sẽ được sử dụng thẻ CCCD thay cho hộ chiếu khi du lịch nước ngoài.

 

Việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) thay cho hộ chiếu chỉ được thực hiện khi Việt Nam và nước ngoài ký kết thỏa thuận quốc tế cho phép người dân. Theo các chuyên gia, khi khối ASEAN thực hiện được điều này, ngành du lịch của các nước sẽ tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường lẫn nhau.

Sử dụng CCCD thay hộ chiếu

Thông tin từ web của Bộ Công an, theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật CCCD số 59/2014/QH13 và khoản 2 Điều 20 Luật Căn cước số 26/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01-7-2024 thì thẻ CCCD được sử dụng thay cho việc sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân được sử dụng.

Do đó, khi Việt Nam và các nước có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép thì công dân sẽ được sử dụng thẻ căn cước thay cho việc sử dụng các giấy tờ xuất nhập cảnh hiện nay như hộ chiếu, giấy thông hành… trên lãnh thổ của nhau.

Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế với các nước về vấn đề này. Theo thông tin tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quốc gia trong ASEAN đang phấn đấu để thống nhất các loại giấy tờ.

Cụ thể, ASEAN đang hướng tới việc thống nhất không sử dụng visa tương tự như cộng đồng châu Âu (visa Schegen). Điều này đồng nghĩa với việc công dân Việt Nam có thể dùng thẻ căn cước để đi lại trong khu vực ASEAN khi các nước thống nhất được nội dung trên.

Theo các chuyên gia du lịch, việc các nước ASEAN không sử dụng visa mà chỉ CCCD đi lại trong khu vực được ví như cánh cửa mở ra với thế giới để hội nhập tốt hơn. Điều này sẽ có những khó khăn thách thức đi kèm, nhưng cái được đối với Việt Nam là lớn hơn rất nhiều.

Việc cấp visa du lịch duy nhất cho các nước ASEAN sẽ giúp tăng mạnh số lượng du khách ngoại quốc tới các nước Đông Nam Á cũng như tạo sự thuận tiện cho công dân Việt Nam. Ví dụ, một khách du lịch châu Âu muốn khám phá các địa điểm khác nhau thay vì một quốc gia duy nhất sẽ gặp những khó khăn bởi sự phức tạp từ nhiều loại visa khác nhau.

Khách Việt được sử dụng CCCD thay hộ chiếu khi du lịch nước ngoài khi Việt Nam ký thỏa thuận quốc tế cho phép công dân sử dụng. Ảnh: TT.
Khách Việt được sử dụng CCCD thay hộ chiếu khi du lịch nước ngoài khi Việt Nam ký thỏa thuận quốc tế cho phép công dân sử dụng. Ảnh: TT.

Tăng năng lực cạnh tranh du lịch

“Việc sử dụng CCCD thay thế hộ chiếu hay visa là xu hướng toàn cầu hóa quan trọng và cần thiết đối với du lịch Việt Nam và du lịch Đông Nam Á” - ThS Hoàng Ngọc Hiển, Phó Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Văn Lang nhận định.

Du lịch và các ngành kinh tế khác của các nước ASEAN phát triển, trong đó du lịch là ngành hưởng lợi nhất, mở ra thị trường khách lớn, chi tiêu cao.

“Vì vậy, trước tiên chúng ta cần nhìn nhận sản phẩm du lịch, điều kiện về chất lượng dịch vụ, lưu trú, ăn uống để có chiến lược tạo nên sức cạnh tranh trong thị trường Đông Nam Á. Về thời gian lưu trú của du khách, Chính Phủ, bộ, ngành quản lý du lịch sẽ xây dựng khung thời gian cụ thể để tạo sự thuận tiện cũng như đảm bảo yếu tố an toàn” - ThS Hiển cho biết.

ThS Mã Xuân Vinh, Phó Trưởng bộ môn du lịch và lữ hành Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), cũng nhận xét những mặt thuận lợi của việc sử dụng CCCD thay cho hộ chiếu thể hiện rất rõ nét, giúp cho việc thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh, an ninh, hành lý thất lạc và tìm kiếm thông tin người bị lạc trở nên thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, các thông tin trên CCCD cần phải thống nhất đầy đủ dữ liệu của các nước với nhau thì mọi thủ tục sẽ trở nên dễ dàng.

Khi vấn đề này được thực hiện sớm sẽ thúc đẩy sự liên kết mạnh mẽ và phát triển trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, an ninh trật tự… Từ đó, ngành du lịch của các nước sẽ tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường lẫn nhau. Chất lượng các dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch ở các nước sẽ có sự luân chuyển qua lại lẫn nhau tạo nên một môi trường phát triển sôi động.

Theo ThS Vinh, ngành du lịch của nước ta cũng có những biến động to lớn không những ở khu vực ASEAN mà còn mở rộng ra các khu vực khác trên thế giới. Các cơ sở đào tạo du lịch cần phải có những bước phát triển phù hợp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể đáp ứng được xu thế phát triển mới này.

Tiếp đến, Việt Nam đối mặt khả năng cạnh tranh ngày càng cao giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ hàng không và điểm đến du lịch. Các nước trong khu vực khá tương đồng nhau về địa lý, khí hậu, tài nguyên du lịch,... do đó ngoài giá cả thì chất lượng dịch vụ du lịch sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

Thị trường du lịch phục hồi hoàn toàn

Tính chung quý I-2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 4,6 triệu lượt khách. Lượng khách quốc tế đã gần như phục hồi hoàn toàn và thậm chí tăng so với quý I-2019, trong đó lượng khách từ châu Úc đạt mức 120% so với cùng kỳ năm 2019; châu Á đạt mức 104%, châu Mỹ đạt mức 103% và châu Âu gần như phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%.

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, các thị trường phần lớn đã phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường đã cao hơn mức năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh. Các thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương tăng trưởng mạnh.

“Bước qua quý I-2024, đây là những tín hiệu lạc quan đối với ngành du lịch Việt Nam, kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm” - vị đại diện cho hay.

THU TRINH/Theo PLO