Những quyết sách mang dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với TP.HCM

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm, dành nhiều tình cảm đặc biệt cho TP.HCM, nhất là trong những thời điểm TP gặp nhiều khó khăn.

 

Hơn 13 năm trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 15 lần vào thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM. Cũng trong ngần ấy năm, ở cương vị cao nhất, Tổng Bí thư luôn hướng về TP Bác và dành cho TP nhiều tình cảm trân quý.

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo và gợi mở cho TP nhiều chủ trương, quyết sách mang tính vượt trội, đột phá, giúp TP vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ, giữ vững vai trò TP đầu tàu của cả nước.

Những quyết sách mang dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với TP.HCM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt TP.HCM vào ngày 23-9-2022. Ảnh: TTXVN

Nhiều ưu ái dành cho TP.HCM

. Phóng viên: Thưa Chủ tịch Phan Văn Mãi, gần ba nhiệm kỳ đảm đương vị trí người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, gợi mở cho TP những chủ trương, quyết sách mang tính đột phá nào?

+ Ông Phan Văn Mãi: Có thể nói dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quyết sách, quyết định sự phát triển của TP.HCM trong suốt nhiều năm qua.

Trong đó, phải kể đến Nghị quyết 16/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, đã khẳng định tầm vóc, vai trò của TP.HCM. Cụ thể, TP là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết 16 đã mở ra một tầm nhìn mới về phát triển và hội nhập, tạo điều kiện cho TP.HCM thực hiện thí điểm nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có quy định của pháp luật. Những điều đó cũng đã trở thành kim chỉ nam để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ trọng yếu, tạo bước đột phá về huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Sau đó, Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - nghị quyết đầu tiên cho phép TP thí điểm các vấn đề mới phát sinh chưa có trong quy định của pháp luật - đã được Bộ Chính trị góp ý và Tổng Bí thư kết luận cho phép Chính phủ trình ra Quốc hội trong kỳ họp tháng 10-2017.

Gần đây, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sự kết tinh trí tuệ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho TP.HCM.

Nghị quyết 31 đã định hướng cho sự phát triển của TP.HCM với các mục tiêu rất rõ ràng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời mở ra các cơ chế để phát huy tiềm năng, lợi thế của TP, giúp TP tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc nhằm phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành trung tâm lớn, đầu tàu kinh tế cũng như cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước trong thời gian tới.

Từ những ưu ái đặc biệt cho TP mang tên Bác, Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được ban hành, mang những tiền lệ chưa từng có cho TP, giúp TP thực hiện sứ mệnh “cùng cả nước, vì cả nước” mà Nghị quyết 31 đã đặt ra.

nhung-quyet-sach-mang-dau-an-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-voi-tp-hcm-1.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt TP.HCM ngày 23-9-2022. Ảnh: TTXVN

Quyết định kịp thời, đúng thời điểm

. Có lẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt dành nhiều tình cảm cho TP trong những lúc chông gai, khó khăn nhất như trong đợt đại dịch COVID-19?

+ Đúng là như vậy. Trong tình huống cần đối phó với dịch bệnh đang lúc đỉnh điểm, TP đã có điện khẩn xin ý kiến Trung ương, lãnh đạo chủ chốt việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nhận thông tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện hỏa tốc trực tiếp nói chuyện với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên để nghe báo cáo tình hình, đề xuất, kiến nghị của TP. Sau đó, Tổng Bí thư đã quyết định triệu tập lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Chính phủ và các cơ quan có liên quan để bàn, ra quyết định rất nhanh chóng nhằm có biện pháp phù hợp với tình huống khẩn cấp để cứu người dân.

Nhờ chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt của Tổng Bí thư mà các biện pháp chống dịch nhanh chóng được triển khai, góp phần giúp TP kiểm soát đại dịch.

Và ngay sau khi TP vừa phục hồi, kiến tạo, phát triển sau đại dịch, ngày 23-9-2022, dù bước chân chưa được khỏe nhưng với tấm lòng và tình cảm tha thiết, Tổng Bí thư đã thu xếp vào thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Đây là lần thứ 15 Tổng Bí thư vào thăm TP và cũng là lần cuối cùng…

covid-19-tphcm-25_NZNG.jpeg
Nhờ chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà các biện pháp chống dịch nhanh chóng được triển khai, góp phần giúp TP kiểm soát đại dịch, vượt qua những ngày gian khó nhất. Ảnh: PLO

Chuyến thăm cuối cùng… của Tổng Bí thư

. Trong lần thăm cuối cùng ấy, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, gửi gắm nhiều điều, thưa ông?

+ Chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2022) và gần một năm sau khi TP.HCM mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với TP.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương, chúc mừng, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực cũng như kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đạt được thời gian qua. Đồng thời chia sẻ với nhân dân TP và đồng bào Nam Bộ về những mất mát, thiệt hại to lớn, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã yêu cầu TP.HCM phải quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tốt hơn vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

TP phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Với những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương, Chính phủ, Quốc hội xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ, trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54/2017.

Đáng chú ý, liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của TP, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với TP để giải quyết với tinh thần “TP.HCM vì cả nước”, “cả nước vì TP.HCM”.

Tổng Bí thư chỉ đạo tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Thực hiện các chỉ đạo, định hướng nhưng cũng chính là mong muốn, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc. Để mỗi người dân TP tự hào thụ hưởng thành quả cách mạng và có trách nhiệm đóng góp xứng đáng để TP ngày càng phát triển.

Từng giờ, từng ngày, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ, thực hiện nghiêm, vận dụng những gì mà Trung ương và Tổng Bí thư giao phó, giúp TP giữ vững vai trò động lực, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, xứng đáng “cùng cả nước, vì cả nước”.

Mong đồng chí Tổng Bí thư hãy yên lòng!...

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều kết quả nổi bật sau một năm thực hiện Nghị quyết 98

TP.HCM luôn tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách mà Trung ương cho và thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ mà Trung ương giao phó, khẳng định vị thế là TP đầu tàu của cả nước, “cùng cả nước, vì cả nước”. TP cũng nhận thức rất rõ cơ hội và trách nhiệm phải cụ thể hóa thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương giao, nhất là Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. TP đã quyết liệt thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu.

Sau một năm triển khai Nghị quyết 98, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, TP đã hoàn thành khối lượng công việc lớn và triển khai nhiều nội dung cơ chế, chính sách. Có thể kể đến cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, ngân sách, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là về tổ chức bộ máy cho TP.HCM.

Thời gian tới, TP sẽ tập trung đưa các kết quả bước đầu này đạt được lớn hơn, đồng bộ hơn, có tính chất nề nếp hơn và các nội dung khó sẽ được nghiên cứu triển khai thực hiện sớm nhất có thể.

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI

 

LÊ THOA thực hiện/Theo PLO