Làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp sáng 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước giành được độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, ổn định và phát triển vì thực thi thành công Hiến pháp, pháp luật. Việt Nam hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.
Khuôn khổ pháp lý của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ngày càng hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định còn chồng chéo, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; chưa thực sự tạo thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực nhà đầu tư trong và ngoài nước, nguồn lực trong dân.
Theo Tổng Bí thư, việc phân cấp, phân quyền phần lớn chỉ dừng ở chủ trương, chưa thể hiện nhiều trong các văn bản pháp luật, chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; chưa có cơ chế hữu hiệu để nhận diện và phản ứng chính sách kịp thời. Việc nghiên cứu, ban hành quy định điều chỉnh đối với những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy được các động lực tăng trưởng mới.
"Dấu hiệu bị tác động, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển", Tổng Bí thư nói.
Ông cho rằng để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, "thực tiễn nóng bỏng đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển". Xây dựng pháp luật phải "dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm". Luật chỉ quy định vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định và thông tư.
Mục tiêu vươn tới của các điều luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; duy trì và đảm bảo trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội; thích ứng với sự phát triển của xã hội; minh bạch và dễ tiếp cận.
Chương trình xây dựng Luật, pháp luật do Ban Cán sự Đảng bộ Tư pháp chỉ đạo đề xuất hằng năm phải đảm bảo hai yêu cầu: dựa trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ và những vấn đề mới, thực tiễn phát triển chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa.
Tổng Bí thư mong muốn tháo gỡ các điểm nghẽn để sớm đưa nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, ngành công nghiệp mới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho vấn đề mới, xu hướng mới cũng cần được xây dựng, như cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và nhiều nước.
Khi thẩm định, xây dựng văn bản pháp luật, các cơ quan "tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt hoặc đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia". Quy trình xây dựng pháp luật cần đảm bảo dân chủ, minh bạch, khả thi; đánh giá tác động chính sách thực chất; thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật.
Tổng Bí thư yêu cầu phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách tối đa thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó phải thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành để chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Ông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực tham mưu pháp luật, không chỉ đòi hỏi chuyên môn cao mà còn cần có bản lĩnh, "dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung". Đồng thời, các cơ quan có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật.
"Tôi nhất trí xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư nói.
Viết Tuân
Nguồn: VnExpress