Tổng thống Biden tuyên bố kỷ nguyên mới của ngoại giao Mỹ

Ngày 21/9, lần đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) với tư cách Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden tuyên bố ngoại giao Mỹ sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới trong bối cảnh cộng đồng quốc tế bày tỏ hoài nghi về chính sách đối ngoại của Washington những tháng gần đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AP.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng, thế giới đang ở điểm thay đổi trong lịch sử, thúc giục các nước chung tay xử lý những mối nguy như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, tham nhũng…

Chấm dứt cuộc chiến tranh liên miên kéo dài 20 năm ở Afghanistan, ông Biden nói rằng, Mỹ sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới và có ý định đối mặt với các nguy cơ xuyên quốc gia thời hiện đại thông qua ngoại giao, viện trợ phát triển và quan hệ đối tác, chứ không thông qua lực lượng quân sự.

“Thay vì tiếp tục các cuộc chiến của quá khứ, chúng tôi đang tập trung cống hiến các nguồn lực của mình để đối phó những thách thức đang nắm giữ tương lai tập thể của chúng ta. Đó là chấm dứt đại dịch, giải quyết khủng hoảng khí hậu, quản lý sự chuyển đổi trong động lực sức mạnh toàn cầu, định hình các luật lệ của thế giới về những vấn đề rất quan trọng như thương mại, công nghệ không gian mạng và mới nổi, và đối mặt nguy cơ chủ nghĩa khủng bố”, Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Và dù không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, Mỹ có ý định cạnh tranh mạnh mẽ với các siêu cường mới nổi – những nước không phải lúc nào cũng chia sẻ giá trị hoặc lợi ích của mình, ông Biden phát biểu, hàm ý chỉ Trung Quốc.

Trước đây, ông Biden công tác nhiều năm trong Thượng viện Mỹ, làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Vì vậy, nội dung phát biểu của ông, bao gồm tăng viện trợ Mỹ cho các chương trình liên quan khí hậu và đại dịch, không gây ngạc nhiên và được hoan nghênh.

Tuy nhiên, nhiều đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, bao gồm các thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vẫn thất vọng với cách Tổng thống Biden xử lý việc rút quân khỏi Afghanistan. Một số quan chức châu Âu nói rằng, việc rút quân đội Mỹ là quá vội vã và chính quyền Biden đã không tham vấn đủ sâu rộng. Việc Mỹ thừa nhận một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở thủ đô Kabul của Afghanistan gần đây khiến 10 dân thường thiệt mạng, càng khiến uy tín của ông Biden suy giảm.

Tổng thống Biden cũng bị chê trách về quyết định để Mỹ tham gia AUKUS - thỏa thuận an ninh mới với Anh và Úc, khiến Úc hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp trị giá hàng chục tỷ USD. Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, giận dữ nói rằng, Pháp không được tham vấn và hầu như không được thông báo gì về AUKUS.

Nhiều quan chức châu Âu cho rằng, ông Biden đang lặp lại đường lối “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng với mức độ nhẹ hơn.

 

Tổng thống Biden tuyên bố kỷ nguyên mới của ngoại giao Mỹ ảnh 1

Tổng thống Joe Biden quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Ảnh: ZUMA.

Ám chỉ Trung Quốc

Trong bài phát biểu của mình, như thường lệ, ông Biden đề cập chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhắc đến Iran và Triều Tiên, yêu cầu chấm dứt giao tranh ở Ethiopia và Yemen. Tổng thống Mỹ không thốt ra từ “Nga” hoặc “Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại công bằng cho tất cả các nước và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do đi lại trên các vùng biển. Ông cũng ám chỉ tình hình ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một phần lớn trong bài phát biểu của ông Biden rõ ràng nhằm vào hai siêu cường hạt nhân đối thủ của Mỹ, đặc biệt là nhằm vào Bắc Kinh.

Tổng thống Biden chỉ trích việc sử dụng công nghệ, trong đó có trí thông minh nhân tạo, để áp bức người dân. Ông nói rằng, Mỹ đang tăng cường phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng, bao gồm tấn công bằng phần mềm đòi tiền chuộc (ransomware).

Theo Tiền Phong