Tranh cãi về tính chính danh của Tổng thống Zelensky

Quy định thiếu rõ ràng về nhiệm kỳ tổng thống Ukraine khi thiết quân luật làm dấy lên tranh cãi về tính chính danh của ông Zelensky, điều Nga đang tận dụng.

 

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 24/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông Volodymyr Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine do nhiệm kỳ đã kết thúc, nhấn mạnh Moskva cần xác định người đại diện cho Kiev khi đàm phán.

"Chúng ta đều biết rằng tính hợp pháp của nguyên thủ Ukraine hiện tại đã chấm dứt. Tôi cho rằng một trong các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Thụy Sĩ là để cộng đồng phương Tây, các nhà tài trợ cho chính quyền Ukraine, xác nhận tư cách của người này", ông Putin nói.

Đây là một trong những lời công kích mạnh mẽ nhất nhắm vào tính chính danh của lãnh đạo Ukraine, bởi theo hiến pháp nước này, nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Zelensky đã kết thúc ngày 20/5 và Kiev phải tổ chức bầu cử tổng thống từ trước đó hai tháng.

Tuy nhiên, ông Zelensky đã quyết định không tổ chức bầu cử do Ukraine vẫn duy trì trạng thái thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga bùng phát. Hầu hết người dân Ukraine chấp nhận điều này và vẫn coi ông Zelensky là nguyên thủ đất nước, cho đến khi tình trạng thiết quân luật kết thúc và cuộc bầu cử được tổ chức.

Tuy nhiên, một số người thuộc phe đối lập cho rằng chức danh và các quyết định của ông Zelensky từ ngày 20/5 trở đi về cơ bản là không hợp pháp do ông đã hết nhiệm kỳ. Số khác cho rằng vấn đề tính chính danh của ông Zelensky có thể ảnh hưởng đến quá trình đàm phán hòa bình của Ukraine hoặc bị Nga tận dụng để tìm kiếm sự nhượng bộ, như tuyên bố của ông Putin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Vilnius, Litva tháng 7/2023. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Vilnius, Litva tháng 7/2023. Ảnh: AFP

Ông Zelensky chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2019 với hơn 73% phiếu bầu, đánh bại cựu tổng thống Petro Poroshenko để đảm nhận nhiệm kỳ 5 năm.

Tuy nhiên, trong hai năm cuối nhiệm kỳ của ông, Ukraine chìm trong xung đột với Nga. Tổng thống Zelensky đã ban bố thiết quân luật trên toàn lãnh thổ ngay khi chiến sự bùng phát và đã gia hạn 11 lần.

Quy định thiết quân luật cho phép quân đội Ukraine ban hành lệnh giới nghiêm, lập trạm kiểm soát quân sự và hạn chế "quyền tự do đi lại của công dân, người nước ngoài cũng như các phương tiện". Binh sĩ Ukraine tại những trạm kiểm soát được quyền kiểm tra giấy tờ và khám xét tại chỗ người, phương tiện đi qua.

Hiến pháp Ukraine giới hạn nhiệm kỳ tổng thống 5 năm, nhưng không quy định rõ ràng về chức vụ này trong thời gian thiết quân luật. Đây được coi là "vùng xám" gây tranh cãi về tính chính danh của ông Zelensky.

Để tránh xuất hiện khoảng trống quyền lực nguy hiểm, điều 108 hiến pháp Ukraine quy định tổng thống tiếp tục nắm quyền cho đến khi người kế nhiệm nhậm chức.

Trong trường hợp quyền lực của tổng thống bị chấm dứt sớm, điều 112 quy định chủ tịch Hạ viện Ukraine là lãnh đạo lâm thời. Tình huống này xảy ra năm 2014, khi ông Viktor Yanukovych bị lật đổ và tháo chạy ra nước ngoài. Chủ tịch Hạ viện Ukraine khi đó là Oleksandr Turchynov làm lãnh đạo tạm quyền, trước khi ông Poroshenko đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 5/2014.

"Hiến pháp Ukraine nêu rõ tổng thống không bị tự động mất quyền lực sau 5 năm đương nhiệm. Quyền lực này chỉ bị xóa bỏ khi tân tổng thống nhậm chức sau bầu cử", Andriy Mahera, Trung tâm Cải cách chính sách và Pháp lý tại Kiev, nói với DW.

Luật về Chế độ pháp lý trong tình trạng thiết quân luật được ông Poroshenko ký năm 2015 cũng quy định quyền lực tổng thống không thể bị xóa bỏ trong giai đoạn này. Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine hồi tháng 3 củng cố cách diễn giải trên, nhấn mạnh không thể tổ chức bầu cử trong tình trạng thiết quân luật và ông Zelensky tiếp tục tại nhiệm cho đến khi bầu ra tân tổng thống.

Theo kế hoạch ban đầu, Ukraine dự kiến bầu quốc hội tháng 10/2023 và bầu tổng thống tháng 3/2024. Ông Zelensky trước đó tuyên bố có thể tổ chức bầu cử nếu cần, nhưng quốc hội nước này cần sửa luật và có sự hỗ trợ từ nước ngoài để giúp đảm bảo nguồn lực bầu cử giữa thời chiến.

Tuy nhiên, kế hoạch này bị hủy khi chiến sự leo thang và Nga tăng cường tập kích các mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine. Giới phân tích chính trị nhận định Ukraine sẽ rất khó đảm bảo một quy trình bầu cử tự do, công bằng và an toàn giữa chiến sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris, Pháp ngày 16/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris, Pháp ngày 16/2. Ảnh: AFP

Phe phản đối ông Zelensky tiếp tục tại nhiệm cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ trong nước hay từ các nước đồng minh. Hầu hết các nước phương Tây hiểu rằng tổ chức bầu cử hợp pháp tại Ukraine lúc này là điều bất khả thi.

"Liên minh châu Âu không có hoài nghi nào về việc Tổng thống Ukraine là ông Volodymyr Zelensky", Peter Stano, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu, nói ngày 21/5.

"Rõ ràng ông Zelensky là tổng thống hợp pháp của Ukraine", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói, thêm rằng hiến pháp nhiều quốc gia, trong đó có Đức, cũng cấm tổ chức bầu cử trong giai đoạn thiết quân luật.

Theo giới chuyên gia pháp lý, Tòa án Hiến pháp Ukraine nên sớm giải quyết những tranh cãi liên quan quyền lực tổng thống và thời gian tổ chức bầu cử trong thời kỳ thiết quân luật.

"Chỉ Tòa án Hiến pháp mới có quyền diễn giải hiến pháp để xác định xem các luật khác có phù hợp hay không", Mahera nói. Tòa án Hiến pháp Ukraine có 18 thẩm phán và một phán quyết mang tính ràng buộc cần được ít nhất 10 thẩm phán ủng hộ.

Truyền thông Ukraine cuối tháng 2 đưa tin Văn phòng Tổng thống đã soạn một kiến nghị gửi Tòa án Hiến pháp, đề nghị cơ quan này trả lời câu hỏi việc cấm bầu cử trong thời gian thiết quân luật có vi hiến hay không và tính chính danh của tổng thống sau khi hết nhiệm kỳ.

Việc nộp kiến nghị sẽ do nhóm các nghị sĩ đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền thực hiện. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như chưa được triển khai.

Theo Trung tâm Carniege về Nga và Âu - Á, trụ sở tại Đức, động thái nộp kiến nghị có thể bị coi là dấu hiệu cho thấy trong chính phe Tổng thống Zelensky cũng có sự hoài nghi về tính chính danh của ông. Thứ hai, ông Zelensky đang có bất đồng với các thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên quan các quy định về chống tham nhũng.

Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp cũng có thể đưa ra phán quyết khiến tình hình thêm phức tạp.

Chính trường Ukraine hai thập niên qua biến động đáng kể và ông Zelensky nhận thức được điều này. Tính chính danh không chỉ phụ thuộc vào quy định pháp lý, mà còn vào sự chấp nhận của người dân.

Ông Zelensky tạm thời không bị người dân phản đối. Kết quả thăm dò do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) công bố đầu tháng 2 cho thấy 69% người được hỏi tin ông Zelensky nên tiếp tục tại nhiệm cho đến khi tình trạng thiết quân luật kết thúc.

Chỉ 15% ủng hộ tổ chức bầu cử trong tình hình hiện tại và 10% muốn ông Zelensky chuyển giao quyền lực cho Chủ tịch quốc hội Ruslan Stefanchuk. Giám đốc điều hành KIIS Anton Hrushetskyi nói cả hai kịch bản trên đều nguy cơ làm suy yếu tính chính danh của chính phủ Ukraine và gây bất ổn.

Ruslan Stefanchuk

Chủ tịch Hạ viện Ukraine Ruslan Stefanchuk. Ảnh: Zuma Press

"Nếu tổ chức bầu cử vào thời điểm hiện nay, hàng triệu người Ukraine ở nước ngoài, hàng triệu người tại khu vực bị chiếm đóng, hàng trăm nghìn binh sĩ đang chiến đấu sẽ không thể tham gia với tư cách cử tri hay ứng viên, điều sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của kết quả bầu cử", Hrushetskyi cho biết.

Nhiều thành viên phe đối lập cũng nghiêng về phương án để Tổng thống Zelensky tiếp tục đương chức, với giả định nhiệm kỳ kéo dài thêm vài tháng, hơn là tổ chức bầu cử và nguy cơ để đối thủ thắng thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

"Với người dân Ukraine lúc này, ưu tiên là chiến thắng xung đột rồi mới tổ chức bầu cử", ông Hrushetskyi lý giải. "Do đó, họ không hoài nghi về tính chính danh của ông Zelensky".

Như Tâm (Theo Kyiv Independent, DW)

Nguồn: VnExpress