Khi pháp luật bình đẳng không có nghĩa là công bằng

Liệu pháp luật Việt Nam đã tiếp thu luật học nữ quyền để củng cố cho nguyên tắc và chuẩn mực bình đẳng giới vốn không quá xa lạ trong xã hội đương đại?

Luật học nữ quyền là gì?

Luật học nữ quyền (lý thuyết pháp luật nữ quyền) là một thuật ngữ có tuổi đời tương đối non trẻ, có lẽ bắt đầu được biết đến từ năm 1978.1 Cần lưu ý rằng việc công nhận quyền bầu cử cho phụ nữ cũng như thừa nhận quyền tài sản của phụ nữ trong hôn nhân đã có từ thế kỷ thứ 19, nhưng đây là kết quả của các cuộc vận động nữ quyền hơn là được thúc đẩy bởi một lý thuyết pháp lý.

Ảnh: https://payload359.cargocollective.com/

Sự phát triển của luật học nữ quyền trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều trường phái khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Lý thuyết bình đẳng hình thức chiếm lĩnh thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước ở Hoa Kỳ, đòi hỏi sự đối xử như nhau giữa nam và nữ và chống lại phân biệt giới tính. Các đấu tranh ở thời kỳ này tập trung vào việc đòi bình đẳng giới và cơ hội như nhau ở các lĩnh vực công. Luật về Chống phân biệt giới tính trong việc làm được ban hành năm 1964 và Đạo luật Trả lương công bằng (Equal Pay Act) được ban hành vào năm 1968 ở Hoa Kỳ. Cũng trong giai đoạn này, phụ nữ được đi học luật, được tham gia hành nghề luật cũng như giảng dạy luật, và vì thế, có thể tranh luận được các vấn đề về quyền của phụ nữ.

Tuy nhiên, sau thời kỳ này, các nhà luật học nữ quyền hướng đến một tiếp cận mới. Họ nhận thấy rằng bình đẳng không phải là đòi hỏi giống nhau giữa nam và nữ mà phải nhìn nhận sự khác biệt giữa hai giới. Sự khác biệt tối thiểu và trước tiên là ở yếu tố mang thai, một đặc điểm sinh học, và các yếu tố khác gắn liền với mang thai, đó là quan hệ tình dục dị giới, kinh nguyệt và nuôi con bằng sữa mẹ.2 Yếu tố sinh học này làm cho người phụ nữ có các đặc tính về chăm sóc và kết nối. Quan sát này dẫn đến các mức độ khác nhau mà luật học nữ quyền tranh luận với luật học chính thống, trước tiên là ở ý niệm về sự tự chủ vốn là nền tảng của rất nhiều lĩnh vực luật quan trọng, chẳng hạn như luật hợp đồng. Ở chiều cạnh khác, các đòi hỏi được đặt ra đối với việc công nhận giá trị của các công việc vốn được đảm nhận nhiều bởi nữ giới để củng cố vị thế kinh tế của họ.

Sự khác biệt này không chỉ dừng lại ở các đặc điểm sinh học. Một lý thuyết khác xoáy vào sự lệ thuộc giới tính, hay nói cách khác, quan hệ giữa nam và nữ là quan hệ tính dục có tính thống trị và lệ thuộc.3 Đại đa số xã hội đều hình thành hệ thống cấp bậc duy trì sự củng cố quyền lực của nam giới và hạ thấp tiếng nói của phụ nữ. Các lập luận xoay xung quanh việc khám phá ra và chống lại sự lệ thuộc giới tính mà các lĩnh vực pháp luật trọng tâm là quấy rối tình dục, hiếp dâm, bạo lực gia đình, sản phẩm khiêu dâm…

Hiện nay, luật học nữ quyền đang phát triển đến một giai đoạn mới mà người ta thường gọi là lý thuyết hậu hiện đại. Sự khác biệt sinh học hay mối quan hệ giữa nam và nữ không phải là những khác biệt duy nhất. Nhìn nhận giới dưới lăng kính của hệ nhị phân đã loại bỏ các giới tính khác thuộc cộng đồng LGBT+. Những yếu tố khác biệt khác về màu da, chủng tộc, dân tộc, trình độ văn hóa, tài sản… đều dẫn đến những trải nghiệm rất khác nhau ở những người có cùng giới tính, cho dù họ đều là phụ nữ chẳng hạn. Luật học nữ quyền hậu hiện đại đòi hỏi phải nhìn nhận sự tương giao (intersection) giữa các yếu tố trên để có thể phản ánh mọi trải nghiệm của phụ nữ vào pháp luật.4

Các lý thuyết của luật học nữ quyền đều cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa giới và pháp luật và các tác động của pháp luật đến con người trên cơ sở giới. Trải qua giai đoạn bình đẳng hình thức, các lý thuyết dù có tiếp cận khác nhau đều hướng đến việc chỉ ra căn nguyên của sự bất bình đẳng và loại bỏ sự áp bức, phân biệt hay lệ thuộc về giới một cách thực chất. 

Việt Nam ở đâu trong tiến trình luật học nữ quyền?

Nguyên tắc bình đẳng giới đã được xác lập từ rất sớm ở Việt Nam, thể hiện trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Điều 9 của Hiến pháp năm 1946 khẳng định “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện.” Quyền bầu cử được xác lập “không phân biệt gái trai” ở Điều 18. Kể từ thời điểm đó, pháp luật Việt Nam củng cố nguyên tắc bình đẳng giới, chống lại sự phân biệt giới tính. Những lĩnh vực có vấn đề liên quan đến phụ nữ có thể kể ra như tội phạm tình dục, quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, hôn nhân, lao động và việc làm đã được pháp luật quy định hàm chứa các yếu tố bảo vệ phụ nữ. Mặc dù vậy, cơ sở lý thuyết đào sâu mối quan hệ giữa giới và pháp luật hầu như vắng bóng trong các lý thuyết chính thống của luật học Việt Nam. Đấy là chưa kể pháp luật hiện tại vẫn xây dựng tiêu chuẩn bình đẳng giới dựa trên hệ nhị phân nam -nữ mà bỏ qua sự cần thiết phải bảo vệ các giới tính khác.


Các lý thuyết của luật học nữ quyền sau khi trải qua giai đoạn bình đẳng hình thức, dù có tiếp cận khác nhau đều hướng đến việc chỉ ra căn nguyên của sự bất bình đẳng và loại bỏ sự áp bức, phân biệt hay lệ thuộc về giới một cách thực chất.

Bình đẳng nam nữ trước pháp luật mang nặng sự đo đếm về quyền và nghĩa vụ, phản ánh rõ nét lý thuyết bình đẳng hình thức. Nhìn lại Luật Bình đẳng giới năm 2006, các diễn đạt trong luật này đều dùng thước đo “ngang nhau” để mô tả bình đẳng giới. Bình đẳng giới được định nghĩa “là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình […]. 

Bình đẳng hình thức rõ ràng đóng vai trò cực kỳ to lớn hướng đến mục tiêu bình đẳng giới khi nó trao cơ hội cho sự hiện diện của phụ nữ trên mọi phương diện, công và tư. Nhưng, tập trung quá mức vào tỉ lệ để đạt được sự “bình đẳng”, người ta có thể đánh rơi sự “công bằng”. Trên thực tế, trong một tình huống phân xử tưởng chừng “bình đẳng”, người phụ nữ vẫn có thể bị đặt vào vị trí bất lợi hơn mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ đặc điểm giới tính của họ.

Chẳng hạn như ở các sân bay, khi số lượng nhà vệ sinh nam và nữ bằng nhau thì vẫn luôn có một hàng dài ở nhà vệ sinh nữ xếp hàng chờ, trong khi hiện tượng ấy không có ở nhà vệ sinh nam. Bằng một quan sát đời thường về tiêu chuẩn “ngang nhau”, chúng ta cũng có thể nhận thấy vấn đề bình đẳng không hẳn đã được giải quyết. 

Trong một vụ án ly hôn, khi người vợ đảm nhiệm công việc nội trợ và người chồng chủ yếu tham gia vào các hoạt động kinh tế, tòa án ở các cấp xét xử đã kiên trì với một tỷ lệ phân chia tài sản giữa vợ và chồng là 40% – 60% (phúc thẩm) và 50% – 50% (các cấp giám đốc thẩm). Trên bề mặt, tỷ lệ như vậy có vẻ như bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ làm công việc chăm sóc gia đình, coi lao động trong gia đình là lao động có thu nhập ngang bằng với lao động có thu nhập của người chồng và hoàn toàn đúng với tinh thần của pháp luật hôn nhân – gia đình. Thế nhưng, khi phân chia khối tài sản chung, người vợ, là người tiếp tục đảm nhận việc nuôi con dưới 18 tuổi với sự cấp dưỡng của người chồng, chỉ được chia giá trị tương ứng với phần tài sản thay vì chính tài sản đó, trong đó có căn nhà vốn là nơi sinh sống trước đây của bà ấy và người con. Người vợ phải nỗ lực trong việc tìm kiếm nơi ở mới với số tiền được chia trong khi phải ổn định tâm lý của chính mình sau cuộc ly hôn và tâm lý của người con trước biến cố gia đình, đặt người này trong hoàn cảnh bất lợi hơn so với người chồng. Chúng ta có thể đặt câu hỏi yếu tố nào dẫn đến quyết định của toà án khi không giao căn nhà là nơi ở lâu nay của hai mẹ con cho người vợ, để cuộc sống của họ không bị xáo trộn quá nhiều, bao gồm cả việc vẫn giữ được sự ổn định về tiếp cận giáo dục và y tế gắn liền với nơi sinh sống. Phải chăng trong chừng mực nào đó, sự đóng góp kinh tế để tạo lập khối tài sản chung đã dẫn đến sự thuận lợi của người chồng trong việc giữ lại các tài sản đó, và có thể cả phán đoán rằng khả năng kinh tế của người chồng có thể giúp ông ta khôi phục lại phần tài sản bị chia tốt hơn người vợ. Nói cách khác, khi đánh giá công sức đóng góp của vợ và chồng vào khối tài sản chung của gia đình, công việc chăm sóc và nội trợ bị đánh giá thấp hơn, là yếu tố quyết định lấn át các yếu tố liên quan đến hoàn cảnh.5


Sự thiếu vắng nền tảng lý thuyết về quan hệ giữa giới và pháp luật làm cho nền luật học Việt Nam dễ bằng lòng với các biểu hiện bên ngoài của sự bình đẳng.

Trong một vụ án ly hôn khác, yêu cầu ly hôn đơn phương của người vợ không được chấp nhận do người chồng khẳng định mong muốn duy trì đời sống vợ chồng. Tình trạng của cuộc hôn nhân này là trầm trọng khi ít nhất là theo lời khai của người vợ, tình cảm từ phía chị đã không còn nữa và bản thân chị cũng không còn chung thủy với đối phương. Tòa án đã không đưa vào xem xét các tình tiết người vợ trình bày về việc người chồng đã đe dọa, khủng bố tinh thần và thậm chí hành hung chị. Mặc dù bản án không phân tích về vai trò của người vợ, có lẽ khuôn mẫu giới ở Việt Nam áp đặt lên người phụ nữ nghĩa vụ giữ gìn hạnh phúc gia đình và gánh vác thiên chức chăm sóc đã tước đi quyền của người phụ nữ trong vụ án này trong việc kết thúc cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc.6 Chỉ dựa trên trình bày của người chồng và coi nặng yếu tố “lỗi” từ phía người vợ để buộc duy trì một cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho người vợ và có dấu hiệu của bạo lực gia đình sẽ mang lại nhiều tiêu cực hơn cho sức khỏe tinh thần của cả hai.7 

Những trường hợp được thảo luận ở trên bộc lộ một khía cạnh khác trong pháp luật, khi mà thước đo “ngang nhau” không thể dùng để giảm bớt sự thiệt thòi của người phụ nữ. Sự thiếu vắng nền tảng lý thuyết về quan hệ giữa giới và pháp luật làm cho nền luật học Việt Nam dễ bằng lòng với các biểu hiện bên ngoài của sự bình đẳng.

Tiếp nhận luật học nữ quyền 

Pháp luật Việt Nam hiện đại không hề thiếu vắng các quy định về bình đẳng giới và sự phát triển ở mức độ tương đối cao, biểu hiện qua số lượng của các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành phải có báo cáo đánh giá tác động về giới theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật Bình đẳng giới năm 2006.

Trong quá khứ, vị trí của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng tương đối tốt khi quyền tài sản của họ được thừa nhận ít nhiều trong các bộ luật phong kiến. Quốc triều Hình luật năm 1483 cho người con gái được thừa kế đất hương hỏa nếu gia đình không có con trai. Khi người chồng mất, người vợ góa được nhận một nửa di sản thừa kế. Khi bán tài sản chung, cả người vợ và người chồng phải cùng đồng thuận. Sự công nhận ở một mức độ nào đó về quyền tài sản của người phụ nữ trong pháp luật có lẽ phản ánh một thực tế về địa vị kinh tế của họ khi họ vừa là người chăm sóc gia đình vừa là người kiếm sống trong khi người đàn ông bận rộn với khoa cử hoặc phục vụ trong quân đội.Xã hội Việt Nam hiện đại cũng cho thấy sự tham gia của phụ nữ trên các phương diện của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, giáo dục đến thể thao, văn hóa, nghệ thuật,… đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Vậy có cơ sở nào để than phiền về địa vị của người phụ nữ ở Việt Nam ngày nay hay phải chăng nhận thức phổ biến về địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong tương quan tốt hơn so với một số nước đã tạo ra rào cản để tiếp tục bảo vệ họ. Phải chăng đặt ra vấn đề này để đưa các quan điểm và trải nghiệm của phụ nữ vào pháp luật là nhằm mục đích gia tăng quyền lực của người phụ nữ tới mức thống trị? Và cuối cùng, luật học nữ quyền có cải biến các hệ thống pháp luật hiện hữu? 

Một vài ví dụ thảo luận trong bài viết này cho thấy sự phụ thuộc, áp bức và phân biệt về giới vẫn tồn tại bất chấp địa vị tương đối mạnh của phụ nữ Việt Nam trong xã hội Việt Nam đương đại và trong quá khứ. Các ẩn ý về giới ẩn sâu trong các quy định pháp luật và trong các quyết định áp dụng pháp luật, bất chấp các biểu hiện trung lập về giới của nó, cần phải được phát lộ ra ngoài, để từ đó, tiếng nói, quan điểm và trải nghiệm của phụ nữ được đưa vào xem xét trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật.

Luật học nữ quyền chính là nền tảng lý thuyết để khai phá các ẩn ý về giới trong pháp luật và là cơ sở lý luận để đưa ra các quyết định có tính đến yếu tố giới. Luật học nữ quyền có thể được tiếp nhận hòa hợp với các lý thuyết pháp lý chính thống chứ không cần thiết phải thay thế toàn bộ. Cũng giống như một ly nước, chúng ta không cần đổ đi để thay vào đấy một cái gì mới, mà chỉ cần làm chúng trở nên dễ uống và ngon miệng hơn. □

——-

Trịnh Thục Hiền

Tiến Sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia TP HCM

* Tác giả: Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. HCM

Chú thích

1 Margaret Thornton, ‘The Development of Juristprudence’ (1998) 9 Legal Education Review 171, tr. 173.

2 Robin West, ‘Jurisprudence and Gender’ (1988) 55 The University of Chicago Law Review 1, tr. 3.

Xem các bình luận về lý thuyết được đưa ra bởi MacKinnon trong Patricia A. Cain, ‘Feminist Jurisprudence: Grounding the Theories’ 4 Berkeley Women’s Law Journal 191, tr. 202-3.

4 Cynthia Grant Bowman and Elizabeth M. Schneider, ‘Feminist Legal Theory, Feminist Law Making, and the Legal Profession’ (1998) 67 Fordham Law Review 249, tr. 252-3.

5 Nguyễn Thị Hồng Nhung và Ngô Minh Phương Thảo, ‘Bản án số 3: Phân chia tài sản chung trong ly hôn’, Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam (Nhà xuất bản ĐHQG TP. HCM 2024) tr. 71-90.

6 Xem thêm quan điểm của nam giới ở Việt Nam trong Viện nghiên cứu phát triển xã hội, Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập – Những phát hiện chính và hàm ý đối với bình đẳng giới (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam 2020).

7 Nguyễn Đình Đức và Trịnh Thục Hiền, ‘Bản án số 5: Yêu cầu ly hôn đơn phương’, Hướng đến Bản án nữ quyền Việt Nam (Nhà xuất bản ĐHQG TP. HCM 2024) tr.121-143.

8 Xem thêm Trần Trọng Dương, ‘Phía dưới quyền lực của đàn ông: Nho giáo và nền kinh tế của phụ nữ’ Tia Sáng (3/2024).

Bài đăng Tia Sáng số 20/10