Thứ trưởng Ngoại giao: Không có mô hình đúng duy nhất trong đảm bảo nhân quyền

Việt Nam đưa ra nhiều thông điệp, trong đó nhấn mạnh "không có mô hình đúng duy nhất", khi báo cáo quốc gia UPR được thông qua, theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt.

 

Nhóm làm việc về Cơ chế soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 10/5 đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam tại phiên họp ở Geneva, Thụy Sĩ. Nhóm làm việc đã ghi nhận Báo cáo quốc gia của Việt Nam, nội dung phiên đối thoại ngày 7/5 và ghi nhận khuyến nghị do các nước đưa ra.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam đã có phiên đối thoại UPR rất thành công với sự tham gia của đông đảo các nước thành viên Liên Hợp Quốc, đồng thời đưa ra nhiều thông điệp quan trọng tại hội nghị.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn hồi tháng 11/2023. Ảnh: BNG

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn hồi tháng 11/2023. Ảnh: BNG

Ông cho hay thông điệp đầu tiên đoàn Việt Nam mang tới hội nghị là khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết đối với với nỗ lực phát triển, thúc đẩy quyền con người, trong bối cảnh phiên đối thoại diễn ra đúng ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và được tổ chức tại Geneva, nơi chứng kiến quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954.

Thông điệp lớn thứ hai là không có một mô hình đúng duy nhất trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người. Mỗi quốc gia sẽ có thể lựa chọn con đường riêng tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mình. Việt Nam khẳng định tính đúng đắn của con đường đã lựa chọn và sẽ kiên định đi trên con đường đó.

Trong thông điệp thứ ba, ông Việt cho hay Việt Nam rất nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận của chu kỳ trước và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người và bảo đảm các quyền con người trên thực tế, mang lại những kết quả rất thiết thực cho người dân.

Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong đại dịch Covid-19, nhưng đã vượt qua và bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống của người dân, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Phiên đối thoại về Báo cáo UPR của Việt Nam thu hút sự quan tâm cao, với 133 nước đăng ký phát biểu và đưa ra 320 khuyến nghị cho Việt Nam. Phần lớn các khuyến nghị Việt Nam nhận được lần này có nội dung tích cực và có thể chấp thuận. Một số khuyến nghị cần cân nhắc thêm về tính phù hợp với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi.

"Có một vài nước bình luận, đưa ra các khuyến nghị chưa thật sự phù hợp, dựa trên các thông tin không chính xác về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp... Chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, cung cấp thông tin để các nước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam", ông Việt nói.

Qua các chu kỳ UPR, Việt Nam luôn được đánh giá tốt về nỗ lực triển khai nghiêm túc các khuyến nghị đã chấp thuận, nhất là thông qua xây dựng các kế hoạch quốc gia, báo cáo giữa kỳ, quá trình tham vấn, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Các nước cũng đánh giá tích cực tinh thần đối thoại chân thành, thẳng thắn và cởi mở của đoàn Việt Nam.

Việt Nam sẽ thông báo lập trường chính thức về các khuyến nghị, số lượng các khuyến nghị Việt Nam sẽ chấp thuận trước Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 9-10. Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam vào tháng 10.

UPR là cơ chế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong đó định kỳ kiểm tra hoạt động nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên và đưa ra các khuyến nghị. Cơ chế này nhằm bổ sung, không trùng lặp với hoạt động của các cơ chế nhân quyền khác.

Vũ Anh

Nguồn: VnExpress