Dấu ấn trong hơn 70 năm quan hệ Việt - Nga

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 70 năm trước, Việt Nam - Nga đạt tiến triển trên nhiều lĩnh vực hợp tác như thương mại, khoa học, đào tạo.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 19-20/6, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh dấu lần thứ năm ông Putin đến Việt Nam.

Việt Nam và Nga có quan hệ truyền thống lâu đời. Liên Xô là một trong những bên đầu tiên trên thế giới công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 2/9/1945. Hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950.

Trong hàng chục năm sau đó, Liên Xô đã có nhiều hỗ trợ cho Việt Nam về kinh tế, kỹ thuật, xây dựng nhiều công trình điện lực, khai khoáng, cơ khí luyện kim, giao thông, nông nghiệp...

Liên Xô còn đưa nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật giàu kinh nghiệm sang giúp Việt Nam xây dựng, phát triển kinh tế, cũng như giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành.

Liên Xô cũng dành cho Việt Nam sự giúp đỡ hiệu quả về quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, với những vũ khí, khí tài như tiêm kích MiG-17, MiG-21, máy bay ném bom IL-28, máy bay vận tải, trực thăng, súng phòng không, tên lửa đất đối không...

Sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991, Nga được công nhận là quốc gia kế tục. Việt Nam và Nga tháng 6/1994 ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.

Hai bên xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2001 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2012. Năm 2021, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đến năm 2030.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nga hồi năm 2018. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nga hồi năm 2018. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, gần đây là chuyến thăm Nga năm 2021 của Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin tháng 10/2023.

Tổng thống Putin từng thăm chính thức Việt Nam năm 2001 và 2006, thăm cấp nhà nước năm 2013 và đến Đà Nẵng dự Hội nghị APEC hồi năm 2017. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Nga năm 2014 và 2018.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 26/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ to lớn của Liên bang Nga trong Liên Xô trước đây cũng như ngày nay đối với Việt Nam. Việt Nam xác định quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Ông Putin nhấn mạnh Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy của Nga.

Quan hệ Việt - Nga trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng cũng có nhiều tiến triển. Từ năm 1991 đến nay, hai bên đã ký hơn 100 văn kiện hợp tác thuộc tất cả lĩnh vực.

Sau khi ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), kim ngạch thương mại Việt - Nga tăng nhanh, đạt 5,5 tỷ USD năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, tình hình địa chính trị - kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới thương mại song phương. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2022 giảm trên 51% so với trước đó. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với năm 2022. 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, điện tử, dệt may, nông, thủy, hải sản. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm than đá, lúa mì, sắt thép, phân bón, ôtô, máy móc, thiết bị.

Về đầu tư, lũy kế đến tháng 4, Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 984,98 triệu USD, xếp thứ 28 trên 145 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại Nga, tổng vốn đăng ký 1,63 tỷ USD, đứng thứ 4 trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, với việc thành lập liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí Vietsovpetro năm 1981 và tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ này đến năm 2030. Các tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Zarubezneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam. Tại Nga, liên doanh Rusvietpetro đang triển khai dự án khai thác dầu khí tại Khu tự trị Nhenhetxky.

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga là biểu tượng cho hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước, với thành tựu về các khía cạnh vật liệu học nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, sinh thái ứng dụng, y dược... Hai bên đang triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân.

Hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Nga đã diễn ra nhiều năm nay, mang tính chất truyền thống và không nhằm chống lại nước thứ ba nào. Trong những năm qua, Nga đã bàn giao nhiều khí tài quân sự hiện đại cho Việt Nam như 6 tàu ngầm Đề án 636 "Varshavyanka", còn gọi là lớp Kilo, 4 tàu hộ vệ tên lửa Đề án 11661 "Gepard" và hàng chục tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Hợp tác địa phương được tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký thỏa thuận hợp tác. Việt Nam và Nga hiện có khoảng 20 cặp quan hệ giữa các địa phương, đặc biệt là giữa Hà Nội, TP HCM với Moskva, St. Petersburg.

Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên. Nga luôn duy trì là một trong những thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam. Số lượng khách Nga đến Việt Nam tăng qua các năm, tạm ngừng do tình hình đại dịch Covid-19 từ tháng 4/2020 và được nối lại từ tháng 3/2022.

Nga đã tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất một năm. Việt Nam có 1.204 lưu học sinh du học Nga theo diện học bổng cho niên khóa 2022-2023. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có khoảng 60.000 người với nhiều hội nhóm, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Putin, lãnh đạo Việt - Nga sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đến năm 2030.

Đại sứ cho rằng đây là dịp để hai nước khẳng định cam kết hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Sự phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế sẽ góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Ngoài ra, chuyến thăm của Tổng thống Nga sẽ tạo động lực mới cho các hoạt động giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân.

"Chuyến thăm sẽ là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Nga", Đại sứ nhấn mạnh.

Như Tâm

Nguồn: VnExpress