Điện Kremlin tiết lộ nội dung cuộc điện đàm đầu tiên sau ba năm giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp

Theo thông cáo báo chí của Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm đầu tiên sau ba năm, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về tình hình ở Trung Đông và Ukraine.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ báo chí Tổng thống Liên bang Nga

Kênh RT hôm 1/7 dẫn thông cáo cùng ngày của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.

Đây là lần liên lạc qua điện thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 9/2022 và cuộc trao đổi xoay quanh tình hình ở Trung Đông cũng như cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong cuộc điện đàm, thông cáo báo chí của Điện Kremlin cho hay ông Putin nói với ông Macron rằng cuộc xung đột ở Ukraine là “hệ quả trực tiếp của chính sách do các nước phương Tây theo đuổi, trong nhiều năm đã phớt lờ các lợi ích an ninh của Liên bang Nga” và đã thiết lập một “bàn đạp chống Liên bang Nga” trên lãnh thổ Ukraine.

Nhà lãnh đạo Liên bang Nga tái khẳng định lập trường của Moskva (Moscow) đối với bất kỳ giải pháp nào, nhấn mạnh rằng giải pháp đó phải “toàn diện và lâu dài, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine và dựa trên các thực tế lãnh thổ mới”.

Ông Putin và ông Macron cũng thảo luận về tình hình tại Trung Đông, cụ thể là cuộc leo thang gần đây giữa Israel và Iran. Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng con đường phía trước là ngoại giao, đồng thời bổ sung rằng họ đã nhất trí duy trì liên lạc để có thể “phối hợp lập trường nếu cần”.

Theo thông cáo, hai nhà lãnh đạo thống nhất hai nước đều chia sẻ “trách nhiệm đặc biệt” trong việc duy trì “hòa bình và an ninh,” cũng như trong việc bảo vệ “chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu”.

Liên quan đến vấn đề này, thông cáo của Điện Kremlin cho biết thêm rằng “hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền chính đáng của Tehran trong phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, và việc tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ theo Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), bao gồm hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)”.

Theo RT, Pháp từ lâu đã khẳng định vai trò là một trong những nước ủng hộ chủ chốt của Kiev trong cuộc xung đột với Moskva. Theo số liệu từ bộ theo dõi viện trợ của Viện Kiel, Paris đã cam kết hơn 3,7 tỷ euro (4,1 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột leo thang vào tháng 2/2022.

Ông Macron cũng nhiều lần nêu ý tưởng triển khai binh sĩ Pháp đến Ukraine. Dù việc triển khai chưa từng xảy ra, Paris đã nhiều lần phát tín hiệu rằng binh sĩ có thể được gửi đến sau khi chiến sự kết thúc để đóng vai trò răn đe Liên bang Nga.

Về phần mình, Moskva kiên quyết phản đối sự hiện diện của lực lượng phương Tây tại Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào, cảnh báo rằng điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện giữa Liên bang Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ông Macron đã dịu giọng hơn, thừa nhận hồi tháng 5 rằng nước Pháp đã làm “tối đa những gì có thể” để giúp Ukraine và hiện không thể tiếp tục cung cấp thêm vũ khí.

Vào tuần trước, Tổng thống Pháp cho biết các thành viên châu Âu của NATO không mong muốn “vũ trang vô tận” và nên “nghĩ đến” việc khôi phục đối thoại với Liên bang Nga “ngay từ bây giờ” nhằm đàm phán về một khuôn khổ an ninh châu Âu rộng hơn như một phần trong thỏa thuận hòa bình tiềm năng cho Ukraine.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc