Những “điểm nghẽn” trong đàm phán biên giới trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc

Mặc dù lãnh đạo cấp cao của hai bên đã thỏa thuận chủ trương và nguyên tắc, tuy nhiên gần 10 năm, nếu chỉ tính từ năm 2011, diễn đàn đàm phán về các vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào. Vậy tiến trình đàm phán này đang gặp phải những trở ngại gì?

 

Chỉ riêng góc độ pháp lý, chúng tôi cho rằng có khá nhiều nội dung mà hai bên khó có thể thống nhất được một sớm một chiều, do nhiều nguyên nhân, xuất phát từ chủ trương chiến lược, sách lược đàm phán khác nhau; thậm chí cả đến những cách giải thích và áp dụng các qui định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, nhất là UNCLOS1982…

Xin được chia sẻ một số nội dung pháp lý có thể đã và sẽ là trở ngại cho tiến trình đàm phán cũng như việc xử lý trên thực tế.

Hoạch định ranh giới vùng chồng lấn ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ

Các quốc gia ven biển nằm đối diện hay kế cận nhau, khi xác định phạm vi các cùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tùy theo khoảng cách bờ biển của các nước nằm đối diện hay kế cận nhau đã tạo ra vùng nội thủy chồng lấn, vùng lãnh hải chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và vùng thềm lục địa chồng lấn.

Mỗi khi chưa được các bên liên quan tiến hành đàm phán hoạch định ranh giới rõ ràng các vùng chồng lấn này thì đó là tình trạng tranh chấp biển cần giải quyết giữa các quốc gia ven biển có liên quan. Loại tranh chấp này có nguyên nhân xuất phát từ việc giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

nhung diem nghen trong dam phan bien gioi tren bien giua viet nam trung quoc

Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (ảnh: Google map)

Để giải quyết loại tranh chấp này, các quốc gia ven biển cần tiến hành đàm phán để phân định ranh giới các vùng chồng lấn đó theo các nguyên tắc đã được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định.

Khi đàm phán hoạch định các bên cần tuân thủ nguyên tắc công bằng; nghĩa là các bên phải thống nhất một giải pháp công bằng cho tất các bên liên quan. Thông thường các bên liên quan hay các cơ quan tài phán có thể sử dụng các phương pháp hoạch định khác nhau tùy theo sự thỏa thuận có tính đến những đặc điểm, điều kiện cụ thể…

Phổ biến và thông dụng nhất là phương pháp trung tuyến hay trung tuyến có điều chỉnh mà việc xác lập phải tuân theo những công thức tính toán đo đạc do các chuyên gia chuyên ngành bản đồ thực hiện.

Trong khi các bên đang đàm phán hoạch định vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa chồng lấn, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không quy định dùng Trung tuyến làm ranh giới tạm thời để phân chia quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan.

Các bên khi tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong vùng chồng lấn đều phải có sự thỏa thuận của các bên liên quan. Tuy nhiên, trong vùng lãnh hải chồng lấn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 lại quy định:

“Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại.”

Đây là điều đã có sự nhầm lẫn khi xử lý một số tình huống xẩy ra trong vùng chồng lấn ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ có liên quan đến hoạt động của một số dàn khoan Trung Quốc ở cái gọi là “Trung tuyến giả định”.

Trong khi đàm phán hoạch định vùng chồng lấn, nếu chưa thống nhất được phương án cuối cùng, các bên có thể sử dụng giải pháp tạm thời có tính thực tiễn: “khai thác chung” vùng chồng lấn (joint-development of overlapping area). Nhưng chỉ áp dụng giải pháp này cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. Trong vùng lãnh hải chồng lấn không áp dụng giải pháp tạm thời này mà chỉ có quy định liên quan đến vai trò của Trung tuyến như đã nêu ở trên.

Về vấn đề này, nên phân biệt giữa nội dung giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung vùng chồng lấn” theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 với chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”do Trung Quốc đề xướng và theo đuổi từ trước đến nay.

nhung diem nghen trong dam phan bien gioi tren bien giua viet nam trung quoc

Đoàn lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sang tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tham dự hội đàm tổng kết chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Việt Nam-Trung Quốc năm 2019.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 quy định rất rõ, nếu 2 bên chưa thể đi đến thống nhất việc phân định đường biên giới cuối cùng có thể tính đến việc áp dụng giải pháp tạm thời có tính thực tiễn nói trên. Các giải pháp tạm thời không làm ảnh hưởng đến kết quả đàm phán hoạch định cuối cùng.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác” và yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông phải được công nhận là yêu sách dùng làm ranh giới của “vùng chồng lấn” để “khai thác chung”.

Nếu chấp nhận đòi hỏi vô lối này có nghĩa là Trung Quốc bước đầu đã thành công trong việc “biến không thành có”, biến “vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp” và từ đó, họ sẽ tiến tới khống chế và độc chiếm Biên Đông theo đúng chiến lược mà họ đang theo đuổi với rất nhiều thủ thuật, thủ đoạn khác nhau…

Hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ

Thực ra, đây không phải chủ đề của các diễn đàm phán thứ 3 về các vấn đề trên biển theo thỏa thuận nguyên tắc. Bởi vì, chủ đề đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ đã giải quyết xong (ngày 25/12/2000, Hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết và ngày 30/6/2004, diễn ra lễ trao đổi thư phê chuẩn Hiệp ước phân định Vịnh Bắc bộ). Tuy vậy, vấn đề xác định phạm vi nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi bên trong phần vịnh đã được phân định vẫn chưa thể thực hiện được. Bởi lẽ, cả hai bên cho đến nay, vẫn chưa công bố đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của mình trong Vịnh Bắc Bộ. Do đó, vấn đề đảm bảo thực thi các quyền cụ thể của mỗi bên trong các vùng biển theo quy chế pháp lý khác nhau vẫn chưa rạch ròi.

Với thực trạng đó, để kiểm soát, hạn chế và xử lý các hoạt động vi phạm vùng biển của mỗi bên theo Hiệp ước hoạch định năm 2000, vấn đề hợp tác kiểm tra, kiếm soát, thực thi pháp luật… trong Vịnh vẫn là một yêu cầu thực tế; nhất là vấn đề đánh cá, khai thác tài nguyên, giao thông vận tải biển….Trong đó, không thể không nói đến vấn đề đánh cá của ngư dân Trung Quốc theo Hiệp định hợp tác nghề cá được ký kết đồng thời với việc ký kết Hiệp ước phân định, với nội dung quan trọng được nêu tại phần II, Ðiều 3: “Hai Bên ký kết nhất trí thiết lập Vùng đánh cá chung trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước, nằm về phía Bắc của đường đóng cửa Vịnh Bắc Bộ, về phía Nam của vĩ tuyến 20o Bắc và cách đường phân định được xác định trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, 30,5 hải lý về mỗi phía”.

nhung diem nghen trong dam phan bien gioi tren bien giua viet nam trung quoc

Các tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Đây là một thỏa thuận hợp tình hợp lý, thể hiện thiện chí của phía Việt Nam. Bởi vì, trong quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã chủ động đề xuất việc ký kết Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ mà phạm vi điều chỉnh của nó được gọi là “Vùng đánh cá chung” trong vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc lập luận rằng đây là giải pháp quá độ để tạo điều kiện cho ngư dân địa phương liên quan của hai nước đã từng đành bắt cá trong Vịnh Bắc Bộ theo truyền thống có thời gian chuyển đổi kế sinh nhai. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc kỹ, phía Việt Nam đã đồng ý ký kết Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ.

Như vậy, khi đến hết thời hạn thi hành (tháng 6/2019, sau 15 năm thực hiện), Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn muốn gia hạn Hiệp định này và trong thực tế tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động trong “vùng đánh cá chung”, bất chấp hai việc họ cần phải chấp hành đầy đủ nội dung Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000 để xử lý tất cả các quan hệ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng xẩy ra trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình.

Rõ ràng là, 15 là thời gian đủ để cộng đồng ngư dân địa phương có liên quan đôi bên thích nghi với kế sinh nhai mới. Nếu kéo dài thêm thì sẽ có thể “lợi bất cập hại”; thành quả của quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ có nhiều khả năng bị vô hiệu và tình trạng tranh chấp trong vịnh Bắc Bộ vẫn tiếp tục tồn tại, gây bất ổn đến môi trường sống, sản xuất của cộng đồng ngư dân, có tác động tiêu cực đến quan hệ chính trị giữa hai nước.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chấm dứt khả năng hợp tác với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ trên những lĩnh vực khác nhau, dưới những hình thức mà hai bên có thể chấp nhận được. Tất nhiên khả năng hợp tác đó không còn mang ý nghĩa tạm thời, quá độ nữa, mà là sự hợp tác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi, đặc biệt là phải dựa vào đường phân định vịnh Bắc Bộ của Hiệp ước phân định năm 2000 để xác định quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi bên khi tiến hành bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào.

Quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

Có thể nói đây là bất đồng lớn nhất, phức tạp nhất, nhạy cảm nhất trong đàm phán giữa hai bên.

Bất đồng đầu tiên là về chủ để đàm phán: Trung Quốc khẳng định rằng chỉ đàm phán về chủ quyền quần đảo Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa, là của Trung Quốc; không tồn tại tình trạng tranh chấp; không cần đàm phán. Việt Nam khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Việt Nam đề nghị hai bên đàm phán giải quyết bất đồng, tranh chấp cả 2 quần đảo này.

nhung diem nghen trong dam phan bien gioi tren bien giua viet nam trung quoc

Ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

 

Tại đây tồn tại bất đồng trên 3 phương diện:

Bất đồng về nguyên tắc pháp lý xác định quyền thụ đắc lãnh thổ: Trung Quốc theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử”; Việt Nam theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.

Bất đồng về phạm vi, vị trí của 2 quần đảo;

Bất đồng về hiệu lực của các thực thể địa của 2 quần đảo này trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng.

Những bất đồng nói trên có thể nói là rất khó đi đến thống nhất, nếu không muốn nói là không bao giờ thống nhất được, trừ phi Trung Quốc chấp nhận thay đổi chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ để đàm phán một cách thực chất, trên tinh thần cầu thị, khách quan, thượng tôn pháp luật.

TS. Trần Công Trục

Nguồn: Thời Đại

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link