Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cam kết EU sẽ xây dựng kế hoạch hành động để giúp Ý đối phó với làn sóng người di cư đột ngột. Hơn 7.000 người đã đến đảo Lampedusa của Ý trong những ngày gần đây; gần 115.000 người đã đến Ý bằng đường biển trong 8 tháng đầu năm. Hôm Chủ nhật, bà von der Leyen đã đến thăm Lampedusa, nơi thủ tướng cực hữu Giorgia Meloni của Ý đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và ngoại trưởng Trung Quốc đã có các cuộc gặp “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” tại Malta vào cuối tuần qua, theo giới chức hai bên. Hai cường quốc gần đây đã có một số nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ. Có suy đoán đây là bước đi tiền trạm để Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối năm nay.
Nga tuyên bố đẩy lùi một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea hôm Chủ nhật, nhưng máy bay không người lái của Ukraine đã làm gián đoạn giao thông hàng không ở Moscow và gây hỏa hoạn tại một kho dầu ở một nơi khác. Trước đó, những tàu dân sự vận chuyển ngũ cốc đầu tiên đi qua “hành lang nhân đạo” đã đến các cảng Ukraine. Ukraine bắt đầu thực hiện con đường mới này sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép nước láng giềng xuất khẩu cây trồng và phân bón.
Liên Hợp Quốc cho rằng hiện nay ít nhất 11.300 người đã thiệt mạng sau trận lụt thảm khốc ở Derna, một thành phố ven biển Libya. Ước tính có khoảng 10.000 người vẫn đang mất tích, tức gần một phần tư dân số thành phố thiệt mạng hoặc không thể tìm thấy. Bão Daniel đổ bộ vào Libya hôm 10 tháng 9, dường như là cơn bão có thiệt hại nhân mạng lớn nhất trên toàn thế giới kể từ năm 2008.
Trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Brazil nhấn mạnh rằng các nước giàu nên tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu. Bộ trưởng năng lượng nước này Alexandre Silveira nói các nước nghèo không đủ khả năng để tự cải tổ cơ sở hạ tầng. Ông cũng cho rằng các nước giàu phụ thuộc vào các nước nghèo để có nguồn năng lượng xanh – chẳng hạn như nhiên liệu sinh học, mà Brazil là nhà sản xuất lớn nhất sau Mỹ.
Các cuộc đình công của United Auto Workers, một công đoàn lớn của Mỹ, đã bước sang ngày thứ ba vào Chủ nhật – mà không có dấu hiệu nào về một giải pháp trong tương lai gần. Gần 13.000 công nhân hiện đang đình công tại nhà máy của ba gã khổng lồ ô tô: Ford, General Motors và Stellantis. UAW muốn tăng lương 36% trong 4 năm; trong khi các công ty đưa ra mức 20-21%. Chủ tịch công đoàn nói tiến độ “chậm.”
Các nhà hoạt động khí hậu Đức đã phun sơn lên Cổng Brandenburg, một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Berlin. Nhóm này, được gọi là “Thế hệ Cuối cùng,” muốn Đức ngừng sử dụng than, dầu và khí đốt tự nhiên vào năm 2030. Berlin hiện đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045, nhưng đã nhiều lần trượt mục tiêu hàng năm. Có hai bang ở Đức đang xem xét xếp Thế hệ Cuối cùng vào danh sách tổ chức tội phạm.
Con số trong ngày: 2,6 triệu, là số người Anh không thể làm việc vì ốm đau kéo dài.
TIÊU ĐIỂM
Liệu Ấn Độ có đổi tên nước trong tuần này?
Quốc hội Ấn Độ sẽ khai mạc phiên họp đặc biệt kéo dài 5 ngày vào thứ Hai. Theo lịch cuộc họp này là nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập quốc hội và tòa nhà quốc hội mới. Nhưng các chính trị gia đối lập tin rằng sẽ có điều gì đó kịch tính hơn, nhất là khi thủ tướng Narendra Modi có thói quen bất ngờ ra các chính sách mới. Chính phủ do Đảng Bharatiya Janata của ông lãnh đạo chỉ công bố chương trình nghị sự trong ngày đầu tiên của kỳ họp, nhưng đã yêu cầu tất cả các nghị sĩ của đảng phải tham dự.
Giữa tin đồn sôi nổi có hai khả năng nổi bật hơn cả. Một là phiên này sẽ được sử dụng để đổi tên tiếng Anh của đất nước từ “Ấn Độ” thành “Bharat” (phiên âm theo tiếng Hindi). Hai là BJP sẽ tổ chức lại lịch bầu cử để các cuộc bầu cử cấp bang và liên bang của Ấn Độ diễn ra đồng thời 5 năm một lần. Nhưng dựa theo lịch sử nghị sự của ông Modi, người Ấn Độ sẽ không quá sốc nếu phiên họp này hoàn toàn nói về một chủ đề khác.
Các đồng bị cáo với Trump mong được chuyển lên toà liên bang
Vào thứ Hai, một thẩm phán Georgia sẽ nghe lập luận của một trong 19 người bị cáo buộc can thiệp bầu cử với ông Trump về nguyện vọng được chuyển từ tòa bang lên liên bang. (Ngoài ra còn ba bị cáo nữa vào thứ Tư.) Vào tháng 8, Donald Trump và các thuộc cấp đã bị cáo buộc âm mưu lật đổ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở Georgia. Năm người đã yêu cầu được chuyển lên toà liên bang, bao gồm Jeffrey Clark, cựu quan chức bộ tư pháp và là đối tượng của phiên điều trần hôm nay.
Tại bang Georgia, bồi thẩm đoàn được chọn từ Quận Fulton vốn nghiêng về đảng Dân chủ. Trong khi đó, các bồi thẩm viên liên bang đến từ 10 quận, một số trong đó nghiêng về Cộng hoà hơn. Để được chuyển toà – mà theo kỳ vọng của họ cũng là một bồi thẩm đoàn thân thiện hơn – các bị cáo phải chứng minh được bản thân chỉ là quan chức chính phủ làm theo nhiệm vụ chứ không hành động vì mục tiêu chính trị tại thời điểm các sự kiện xảy ra. Nhưng điều đó tỏ ra không dễ dàng. Mark Meadows, cựu chánh văn phòng của ông Trump, đã bị từ chối yêu cầu vào tuần trước. Người ta từng cho rằng ông là người có nhiều khả năng được chuyển toà nhất.
Cuộc phản công của Ukraine chưa đáp ứng được kỳ vọng
Đã có nhiều người phấn khích hồi tháng 7 và tháng 8 khi quân đội Ukraine bắt đầu vượt qua phòng tuyến của Nga ở phía nam đất nước trong cuộc phản công được chờ đợi. Trọng tâm chiến trường bắt đầu phát triển xung quanh làng Robotyne, nơi Ukraine gây áp lực lên tuyến phòng thủ thứ hai trong ba tuyến phòng thủ của Nga.
Song tiến độ đã chậm lại sau khi Nga tái triển khai các đơn vị của sư đoàn 76 từ đông xuống nam. Hầu như không có thay đổi nào xung quanh Robotyne trong gần hai tuần qua. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt quân đội Nga hết đạn và phải rút lui, Nga nhìn chung vẫn có đủ quân dự bị để chống chọi với cuộc giao tranh khốc liệt mang tính tiêu hao ở mặt trận. Các quan chức Ukraine công khai nhấn mạnh rằng cạn kiệt đạn dược và thời tiết khó khăn hơn sẽ không ngăn được họ chiến đấu trong những tuần tới và thậm chí vào cuối mùa thu. Nhưng trong riêng tư, cả các quan chức Ukraine và phương Tây đều thừa nhận khó có bước đột phá lớn trước mùa đông.
Sáng kiến gây quỹ của vợ chồng Clinton
Sáng kiến Toàn cầu Clinton (CGI), khai mạc ở New York vào thứ Hai, sẽ quy tụ nhiều tên tuổi nổi bật. Những người tham dự bao gồm Ajay Banga, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Michael J. Fox, một diễn viên, và Giáo hoàng Francis. Họ sẽ thảo luận về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và công bằng y tế. Chủ đề “tiếp tục đi” là một khái niệm mà bản thân CGI đã quen thuộc.
Ra mắt từ năm 2005, sự kiện này ngừng hoạt động trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Hillary Clinton vì có nhiều nghi vấn về các nhà tài trợ và xung đột lợi ích. Nhưng Bill Clinton đã hồi sinh nó vào năm ngoái vì các mục tiêu của CGI “chưa bao giờ cấp bách hơn thế.” Năm nay, CGI đang giải quyết vấn đề thích ứng với nhiệt độ cao ở các thành phố, bạo lực trên cơ sở giới tính và di cư cưỡng bức. Vợ chồng Clinton sẽ yêu cầu những người tham gia biến lời nói của họ thành cam kết, mà thường đi kèm với cam kết tài chính – họ tuyên bố những cam kết từ các sự kiện trước đó đã giúp ích cho 435 triệu người. “Tiếp tục đi” là lời kêu gọi các nhà tài trợ quyên góp thêm, đồng thời là một khẩu hiệu truyền động lực.
Theo Nghiên cứu Quốc tế