
Hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Liên bang Nga dự kiến sẽ được đưa đến Belarus trước cuối năm 2025, theo đúng thỏa thuận giữa Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Phát biểu vào ngày 1/7 trong một sự kiện kỷ niệm Ngày Độc lập của Belarus, Tổng thống Lukashenko cho biết: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với (Tổng thống) Putin tại Volgograd. Những trận địa đầu tiên của Oreshnik sẽ đặt tại Belarus. Các bạn đã thấy màn trình diễn của Oreshnik. Trước cuối năm, những vũ khí này sẽ được triển khai tại Belarus”.
Các tên lửa của Liên bang Nga dự kiến sẽ được lắp đặt trên khung gầm do Belarus sản xuất trong nước mà theo tiết lộ của ông Lukashenko thì một số khung gầm như vậy đã được chế tạo và thử nghiệm.
Trước đó, báo The Kyiv Independent của Ukraine ngày 29/5 dẫn phát biểu của ông Alexander Volfovich – Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus đưa ra vào hôm 28/5 cho biết Moskva đang lên kế hoạch triển khai nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) siêu vượt âm Oreshnik tới Belarus trước cuối năm 2025.
Theo tiết lộ của nhà báo Alexander Yunashev thân Điện Kremlin trên kênh Telegram, vào tháng 12/2024, Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko đã đề nghị Moskva triển khai 10 hệ thống tên lửa Oreshnik của Liên bang Nga tại Belarus.
“Địa điểm triển khai đã được xác định”, ông Volfovich nói, nhưng không tiết lộ số lượng hệ thống tên lửa cụ thể sẽ được triển khai.
Tên lửa Oreshnik là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm mà Liên bang Nga quảng bá là vũ khí thử nghiệm có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến.
Tới nay, tên lửa Oreshnik, mới được sử dụng một lần duy nhất vào ngày 21/11/2024 trong cuộc tấn công vào cơ sở quốc phòng Pivdenmash ở Dnipro, Ukraine.
Moskva sau đó tuyên bố đây là hành động đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp và tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Liên bang Nga.
Khi đó, tên lửa Oreshnik được phát hiện phóng từ căn cứ tên lửa đạn đạo Kapustin Yar ở vùng Astrakhan, mang theo 6 đầu đạn MIRV (đầu đạn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu độc lập) để dập xuống khu vực mục tiêu.
Tuy nhiên, cuộc tấn công gây ra tổn thất vật chất không đáng kể, vì các đầu đạn được đánh giá là không có chất nổ. Điều này cho thấy việc sử dụng Oreshnik mang ý nghĩa cảnh cáo chính trị hơn là đạt hiệu quả quân sự thực tế.
Sau vụ phóng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố:“Hiện tại không có cách nào để đánh chặn loại vũ khí này. Tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10 (12.300 km/h – 7.700 mph)… Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Nếu ai đó còn nghi ngờ, họ không nên”.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc