Trung Quốc đang theo kiểu mô hình bá quyền khu vực như thế nào?

Thời điểm ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và chính trị tại khu vực sẽ đến. Các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực có cần phải tăng cường nỗ lực phòng vệ riêng rẽ và đẩy mạnh hợp tác với quốc gia khác trong khu vực hay không và bằng cách nào?

 

Bài viết của tác giả Jennifer Lind, phó giáo sư về Quản trị Trường Đại học Dartmouth, Mỹ. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Hiện tại, Mỹ vẫn là cường quốc thống trị ở Đông Á, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị trong nước có thể cản trở đà trỗi dậy, nhưng nếu xu thế hiện nay tiếp tục diễn ra, thời điểm Trung Quốc thế chân Mỹ trở thành nước thống trị về kinh tế, quân sự và chính trị tại khu vực sẽ đến.

Càng gần đến ngày đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực như Australia, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc sẽ bắt đầu phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó. Cụ thể là việc nước này có nên tăng cường nỗ lực phòng vệ riêng rẽ của họ và đẩy mạnh hợp tác với quốc gia khác trong khu vực không? Liệu họ có thể chọn quyết định an toàn là chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc, hướng về Bắc Kinh như đã từng hướng về Washington trong suốt nửa thế kỉ qua?

Có lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ là bá chủ khu vực tương đối nhân từ. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ kìm hãm sự hung hăng của Trung Quốc: Do tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dựa vào tăng trưởng kinh tế, mà yếu tố này phụ thuộc vào thương mại nên Bắc Kinh sẽ duy trì quan hệ hòa bình với các nước láng giềng. Thêm vào đó, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này là một hình mẫu cường quốc khác biệt. Giới chức và học giả nước này thường lên án chủ nghĩa can thiệp và chối bỏ khái niệm “khu vực ảnh hưởng” đặc trưng của Chiến tranh Lạnh. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không bao giờ “theo đuổi chủ nghĩa thực dân hay xâm lược” do có “truyền thống văn hóa yêu chuộng hòa bình”. Theo cách nhìn nhận này, đời sống châu Á dưới quyền lãnh đạo của Trung Quốc sẽ không khác biệt so với ngày nay.

Nhưng đó không hẳn là cách thức các bá chủ khu vực hành xử. Đặc trưng của các cường quốc là thống trị khu vực để tìm kiếm an ninh. Họ phát triển và sử dụng sức mạnh kinh tế hùng hậu, đầu tư lớn cho quân sự, hất cẳng đối thủ bên ngoài và sử dụng các thiết chế khu vực cùng chương trình văn hóa để xác lập ảnh hưởng. Do lo ngại các quốc gia láng giềng sẽ cho phép đối thủ bên ngoài thiết lập sự hiện diện quân sự, bá chủ khu vực phát triển lợi ích sâu sắc trong nền chính trị đối nội tại các nước giáp ranh và thậm chí tìm cách du nhập văn hóa để kéo các nước xích lại gần mình.

Trung Quốc trên thực tế đang đi theo chiến lược mà các cường quốc khu vực trước đây đã làm. Nước này đang sử dụng đe nẹt kinh tế để buộc các nước khác thuận theo ý chí của mình. Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự để đẩy lùi những bên thách thức. Bắc Kinh cũng can thiệp vào chính trị nội bộ của nước khác nhằm có được các chính sách thân thiện hơn với mình và đầu tư ồ ạt vào nhiều chương trình văn hóa, giáo dục để gia tăng quyền lực mềm. Khi tham vọng và quyền lực Trung Quốc tăng lên, nỗ lực dạng này sẽ chỉ gia tăng. Các nước láng giềng của Trung Quốc phải bắt đầu thảo luận về mức độ thoải mái của họ với tương lai này và cái giá mà họ sẽ phải trả khi định hình hoặc ngăn chặn nó.

Trung tâm kinh tế

Trong vài thập kỉ qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu hàng đầu của hầu hết các quốc gia Đông Á. Bắc Kinh ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế khu vực, cụ thể là các hiệp định thương mại tự do với Úc, Singapore, Hàn Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một số đối tác khác. Qua những thỏa thuận này – đều không có hiện diện của Mỹ – Bắc Kinh tìm cách tạo dựng một cộng đồng Đông Á đặt dưới sự chi phối của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang xây dựng một hạ tầng thể chế nhằm gia tăng ảnh hưởng và gây hại đến các thể chế do Mỹ đứng đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), và các thể chế do Nhật Bản làm đầu tàu như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Năm 2014, Trung Quốc cùng với Brazil, Nga và Ấn Độ đã lập ra Ngân hàng phát triển mới (NDB) với số vốn trị giá 100 tỷ USD và có trụ sở chính ở Thượng Hải. Năm 2015, Trung Quốc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có quy mô vốn là 100 tỷ USD với sự tham gia của hơn 80 nước. Hơn thế, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do ông Tập Cận Bình khởi xướng và đề cao sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại, tài chính của Trung Quốc trên khắp khu vực, cung cấp khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên ở khu vực. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đã cam kết cho BRI vay 250 tỷ USD.

Những chính sách như vậy giống với chiến lược kinh tế của các cường quốc khu vực. Trước thế kỉ 19, Trung Quốc từng là quyền lực kinh tế, quân sự áp đảo ở Đông Á. Trung Hoa khi đó tự cho mình quyền ban phát hoặc từ chối đặc quyền thương mại dựa trên hệ thống triều cống mà theo đó các nước khác phải cử sứ thần, cống nộp quà cáp và khấu đầu hoàng đế Trung Hoa. Trung Hoa sau đó quyết định mức giá và sản lượng của tất cả các loại hàng hóa được giao dịch. Đế chế Trung Hoa củng cố quyền lực kinh tế của mình bằng cách đầu tư vào nông nghiệp, đường sắt, khai khoáng và khuyến khích kết nối thương mại bền chặt khắp khu vực.

Ở Mỹ Latinh, Mỹ cũng học theo cách thức tương tự để tạo lập vị thế bên tham gia kinh tế trung tâm của khu vực. Trong thế kỷ 19, các công ty Mỹ đổ dồn tới Mỹ Latinh để tìm kiếm các mặt hàng trái cây, đường, nước khoáng và thuốc lá. Công ty United Fruit của Mỹ tìm cách giành được quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động xuất khẩu hoa quả ở Trung Mỹ. Tài chính cũng là một công cụ đầy sức mạnh khác; như nhà báo Uruguay Eduardo Galeano đã nêu quan điểm rằng “một cuộc xâm lăng ngân hàng” của Mỹ chuyển vốn địa phương vào các công ty Mỹ. Washington đã khích lệ các ngân hàng Mỹ tiếp nhận khoản nợ của các chủ nợ châu Âu để tiết giảm tối đa ảnh hưởng của các đối thủ đến từ lục địa già. Trong gần 100 năm, Washington sử dụng ngoại giao để thúc đẩy lợi ích kinh tế thông qua các sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư của Mỹ ở khu vực, như chính sách “Anh cả” trong những năm 1880, “Ngoại giao USD” đầu những năm 1900 và “Liên minh vì tiến bộ” trong những năm 1960.

Mỹ cũng xây dựng một cấu trúc thể chế khu vực để thúc đẩy nghị trình của mình. Năm 1948, Mỹ lập ra Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS, đặt trụ sở ở Washington, D.C.) để tăng cường hợp tác và an ninh khu vực. Ảnh hưởng của Mỹ bảo đảm rằng OAS sẽ im lặng, hoặc thậm chí là hợp pháp hóa can thiệp chính trị, quân sự của Mỹ ở Mỹ Latinh. Các thể chế phát triển khác như IMF, WB, Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IADB), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hay Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ (EIBU) cũng thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Thông qua “viện trợ ràng buộc”, những tổ chức này yêu cầu các dự án được viện trợ phải thuê nhà thầu Mỹ. IMF, như Galeano từng lập luận, “được sinh ra ở Mỹ, đóng trụ sở ở Mỹ và phục vụ cho Mỹ”.

Nhật Bản, một nước bá chủ khu vực khác, cũng theo đuổi chiến lược tương tự trong thời kì đế chế thống trị đầu thế kỷ 20. Quyết tâm đánh bật các cường quốc thực dân phương Tây, Tokyo tự tuyên bố mình là người đứng đầu “khu vực Đại Đông Á thịnh vượng chung”. Để nuôi sống nền kinh tế và bộ máy quân sự, Tokyo khai thác tài nguyên từ các nước thuộc địa. Nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm và ngăn chặn hoạt động kinh tế của các nước đối thủ, Nhật Bản cải tổ và vận hành các nền kinh tế địa phương trong một mạng lưới khu vực, tiêu chuẩn hóa tiền tệ khu vực trong “khối đồng yên” và đưa các ngân hàng Nhật Bản hiện diện ở khắp các vùng để kiểm soát phần lớn tiền gửi ngân hàng của khu vực. Tokyo cũng lập ra Ngân hàng phát triển phương Nam, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và in ấn tiền tệ ở những vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Tương tự, ở Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô đã dựa vào khả năng điều hành kinh tế và tài chính để khống chế khu vực. Moskva ngăn cản mọi hoạt động giao thương của các quốc gia Đông Âu với Tây Âu và cấm các nước này nhận viện trợ theo Kế hoạch Marshall năm 1948. Thay vào đó, Liên Xô lập ra Hội đồng tương trợ kinh tế để điều hành và hội nhập kinh tế khu vực. Bằng các thỏa thuận thương mại, đầu tư, tín dụng thương mại, Liên Xô khiến các nước Đông Âu lệ thuộc kinh tế vào Moskva, cả về thị trường xuất khẩu chính lẫn bên cung ứng năng lượng và nguyên liệu thô. Nhờ bán nguyên nhiên liệu dưới giá thị trường, Moskva khuyến khích lãnh đạo chính trị của các nước bản địa lệ thuộc vào viện trợ của mình.

Sự thống trị kinh tế giúp các nước bá quyền khu vực sử dụng đe nẹt kinh tế để thúc đẩy các nghị trình của mình. Ở Mỹ Latinh, Mỹ trong một thời gian dài đã tìm cách cưỡng ép các nước bằng đòn cấm vận. Bên cạnh cấm vận kéo dài (và thất bại) chống Cuba, Mỹ còn sử dụng sức ép tài chính để làm suy yếu Tổng thống Chile Salvador Allende trong những năm 1970 và cấm vận Nicaragua để làm suy yếu Chính quyền Sandinista năm 1985. Tương tự ở Đông Âu, Moskva đã tìm cách kiểm soát các lãnh đạo có tư tưởng độc lập, áp đặt cấm vận chống Nam Tư (năm 1948), Albania (1961) và Romania (1964).

Bắc Kinh cũng đã bắt đầu vận dụng đòn đe dọa kinh tế kiểu vậy. Năm 2017, Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc và Tập đoàn Lotte vì đã hợp tác với Mỹ trong chương trình phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối – THAAD (Lotte đã bán khu đất cho chính phủ để làm địa điểm đặt các tổ hợp THAAD). Bắc Kinh ra lệnh cấm các tour du lịch nhóm tới Hàn Quốc, đóng cửa 80% các siêu thị của Lotte ở đại lục, còn truyền thông nhà nước hô hào tẩy chay sản phẩm của Hàn Quốc. Bắc Kinh cũng sử dụng đe nẹt kinh tế nhằm vào Nhật Bản (cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật sau vụ đụng độ tàu năm 2009) và Na Uy (cấm nhập khẩu cá của Na Uy sau khi nhân vật bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010). Năm 2016, khi Mông Cổ tiếp đón Đạtlai Lạtma, Trung Quốc đã áp phụ phí đối với các mặt hàng được vận chuyển qua nước này và đóng băng mọi hoạt động ngoại giao, trong đó có cả cuộc đàm phán về khoản vay trị giá 4 tỷ USD. “Chúng tôi hy vọng Mông Cổ đã nhận thức được bài học thấu tận tim gan này”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nêu như vậy. Hẳn nhiên là như vậy: Chính phủ Mông Cổ ra thông báo sẽ không bao giờ mời nhà lãnh tụ tinh thần tới thăm.

Trung Quốc có lẽ sẽ ít phải dùng đến đòn đe dọa kiểu vậy trong tương lai khi các nhà lãnh đạo điều chỉnh chính sách của họ trước Bắc Kinh. Hãy xem trường hợp của Philippines: Trong quá khứ, nước này đã kháng cự lại Trung Quốc, nổi bật là hành động kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài ở La Hay vì yêu sách biển. Nhưng gần đây, Tổng thống Rodrigo Duterte, người nhận được cam kết đầu tư trị giá 24 tỷ USD từ Bắc Kinh, đã làm ấm quan hệ với Trung Quốc và đẩy Philippines xa lánh Mỹ.

Theo đuổi bá chủ quân sự

Đi theo các cường quốc trước, Trung Quốc đang mở rộng tầm với quân sự khu vực. Kể từ năm 1990, chi tiêu quân sự Trung Quốc đã tăng vọt và ĐCSTQ đang hiện đại hóa vũ khí, cải tổ cơ cấu tổ chức quân đội và học thuyết quân sự. Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thông qua học thuyết về “chống tiếp cận, chống xâm nhập” để đẩy lùi quân đội Mỹ khỏi vùng trời và vùng biển của mình. Trung Quốc cũng đã xây dựng lực lượng hải cảnh lớn nhất ở khu vực và kiểm soát lượng lớn tàu cá dân sự có vũ trang. Năm 2017, PLA khai trương căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti; và sẽ còn xây dựng nhiều căn cứ khác dọc bờ biển châu Phi và Ấn Độ Dương trong những năm tới đây. Cùng lúc, Trung Quốc cho xây 6 đảo nhân tạo lớn ở Biển Đông, và đặt các căn cứ không quân, cứ điểm tên lửa, cơ sở thông tin liên lạc và radar tại đây. Quân đội Mỹ giờ đã nhận ra mình bị kiềm tỏa bởi hệ thống phòng không ngày một mở rộng của Trung Quốc, khả năng ngày một lớn của PLA nhận diện và tấn công các tàu hải quân Mỹ, cũng như mối đe dọa tên lửa ngày một lớn nhằm vào các căn cứ không quân và hải cảng của Mỹ.

Bắc Kinh đang sử dụng những tiềm lực này để khẳng định mạnh bạo yêu sách chủ quyền. Bằng việc đi qua vùng biển tranh chấp và phái tàu ra đó, Bắc Kinh đang gây sức ép với Nhật Bản về quân sự liên quan đến một chuỗi đảo nhỏ có tên là Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku). Để ngăn chặn đường tiếp cận tới các khu vực tranh chấp khác, PLA phái tàu cá, tàu hải cảnh, và chĩa vòi rồng vào tàu của nước khác. Mùa Hè năm 2017, sau khi khẳng định chủ quyền ở vùng biển giàu trữ lượng khí đốt nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu Việt Nam không ngừng khoan thăm dò. Việt Nam đã phải dừng.

Cách Trung Quốc xác lập sự thống trị quân sự ở khu vực cũng giống với lối hành xử của các nước bá quyền khu vực trước đây, trong đó có chính Trung Quốc. Nhà sử học Peter Perdue cho rằng Trung Quốc hiện đại là sản phẩm của các cuộc xâm lăng, tất cả các vùng đất Tân Cương, Mông Cổ và kéo tới cả Tây Tạng hiện tại. Các triều đại Trung Hoa “không bao giờ ngại sử dụng vũ lực”, kể cả “hủy diệt chính đáng” các nước đối địch và kẻ nổi dậy.

Các cường quốc khu vực kế tiếp cũng thống trị bằng lực lượng quân sự. Khởi điểm vào cuối thế kỷ 19, Mỹ bắt đầu xây dựng quân đội vượt trội ở Tây Bán cầu. Trong giai đoạn đó, Mỹ chiếm đoạt lãnh thổ qua các cuộc chiến tranh với Mexico và Tây Ban Nha. Vài thập kỷ sau, quân đội Mỹ đã hơn 20 lần xâm lược các nước Mỹ Latinh, nhiều nhất là Cộng hòa Dominica, Haiti, Mexico và Nicaragua. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ cũng nhiều lần sử dụng sức mạnh quân sự để đàn áp phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh: Phong tỏa Cuba vào năm 1962, điều quân tới Cộng hòa Dominica (1965), đặt mìn tại nhiều bến cảng ở Nicaragua trong những năm 1980 và xâm lược Grenada (1983) và Panama (1989).

Nhật Bản cũng gây dựng và duy trì đế chế thông qua lực lượng quân sự. Tiến trình hiện đại hóa quân đội trong thế kỷ 19 giúp Nhật Bản giành chiến thắng trước Trung Quốc và Nga. Thông qua các chiến dịch quân sự, Nhật Bản chiếm được các vùng lãnh thổ như Hàn Quốc và Đài Loan, tước đoạt các vùng đất thuộc địa khác từ tay Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Quân đội Nhật Bản sau đó điều hành đế chế, tiêu diệt các cuộc nổi dậy và đàn áp các phong trào đòi độc lập.

Tại châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Liên Xô áp đảo khu vực ảnh hưởng với đội quân hùng mạnh nhất khu vực. Liên Xô đóng quân ở Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary và Ba Lan.

Những bá chủ này không chấp nhận sự xuất hiện của cường quốc thù địch trong khu vực ảnh hưởng của mình. Ngày nay cũng vậy, Trung Quốc đang chống lại hiện diện của Mỹ ở châu Á và chủ động tìm cách làm suy yếu sự hiện diện đó. Giới chức Bắc Kinh và sách trắng quốc phòng Trung Quốc chỉ trích liên minh của Mỹ là lỗi thời và gây bất ổn. Ông Tập Cận Bình, người kêu gọi thiết lập “một cấu trúc an ninh châu Á” mới, cho rằng những quan hệ liên minh này không thể giải quyết thành công những nhu cầu an ninh phức tạp của khu vực. Cùng lúc, với việc tăng cường quan hệ thân thiết với Seoul và khuyến khích Philippines ngả về Trung Quốc, Bắc Kinh tìm cách kéo đồng minh xa rời Mỹ.

Láng giềng ồn ào

Bắc Kinh cũng đang can thiệp vào chính trị nội bộ ở nhiều nước khác. Giới chức tình báo Canada đã cảnh báo nhiều bộ trưởng cấp tỉnh bang và nhân viên chính phủ có thể đang làm việc cho tình báo nước ngoài, với Trung Quốc là đối tượng được nêu đích danh. Trong năm 2016, một vụ bê bối cũng nổ ra ở Úc, sau khi Thượng nghị sĩ Sam Dastyari, người bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bị phát hiện có các mối quan hệ tài chính với một công ty Trung Quốc, khiến chính quyền ban hành luật mới cấm tài trợ chính trị từ nước ngoài.

Nhìn lại lịch sử, những nước bá chủ khu vực luôn can dự rộng rãi vào nền chính trị nước sở tại để hậu thuẫn cho các chính phủ thân thiện và làm suy yếu các đảng phái, nhà lãnh đạo bị coi là thù địch. Bên trong hệ thống triều cống của Trung Hoa, hoàng đế giao quyền quản trị các nước chư hầu cho các thủ lĩnh địa phương, theo cách thức được gọi là “sử dụng người man di để cai trị người man di”. Thế nhưng sự độc lập của địa phương chỉ đi tới chừng đó. Trương Cư Chính, một viên quan lại dưới thời nhà Minh thế kỷ 16 đã nói về những nước chư hầu này như sau: “Giống như chó, nếu chúng vẫy đuôi, ta ném qua cục xương; nếu chúng sủa vang, sẽ đánh bằng gậy. Sau khi bị đánh, nếu chúng nghe lời ta lại ném cục xương. Gặm xương rồi mà vẫn sủa thì sẽ phải đánh mạnh hơn”.

Nhật Bản cũng can thiệp vào chính trị nội bộ của nước sở tại trong thời kỳ đế chế hoàng kim. Ví như ở Philippines, Nhật Bản xóa bỏ mọi đảng phái chính trị, chỉ để lại duy nhất một đảng ủng hộ đế chế Nhật Bản. Ở nhiều nơi khác, Nhật Bản giao quyền kiểm soát cho các thủ lĩnh và cảnh sát địa phương thân thiện, số thủ lĩnh này được đưa đi đào tạo tại các học viện ở Nhật Bản. Nếu quan chức ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Mãn Châu không chịu hợp tác, Tokyo sẽ dựa vào một tổ chức bán quân sự chuyên đe nẹt, tống tiền và ám sát các thủ lĩnh địa phương.

Về phần mình, Mỹ cũng nhúng tay vào nền chính trị Mỹ Latinh không biết bao nhiêu lần. Từ Học thuyết Monroe cho đến Cương lĩnh Roosevelt, Washington tuyên bố có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng. Mỹ hậu thuẫn cho các thủ lĩnh chống chủ nghĩa cộng sản và làm suy yếu hay lật đổ nhiều lãnh đạo cánh tả thông qua các phương pháp bạo lực, phi bạo lực, các chiến dịch công khai hoặc bí mật. Nhà ngoại giao Mỹ Robert Olds lý giải phương cách này bằng những câu từ thẳng thừng: “Trung Mỹ luôn hiểu rằng các chính phủ mà chúng ta công nhận và ủng hộ thì nắm quyền, còn những chính thể mà ta không công nhận và hậu thuẫn thì sụp đổ”. Trong Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ và CIA hỗ trợ tài chính, vũ trang và huấn luyện các lực lượng chống cộng sản ở khắp Mỹ Latinh, tại chính các học viện như Đại học quân sự Mỹ ở Panama. Lực lượng được Mỹ huấn luyện tìm cách lật đổ các chính quyền cánh tả tại Cuba, Ecuador, El Salvador và Nicaragua. Washington cũng hậu thuẫn cho các cuộc đảo chính ở Guatemala năm 1954 và Chile năm 1973.

Quyết liệt đoạt quyền lực mềm

Trung Quốc ngày nay đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Đông Á và thế giới thông qua hoạt động văn hóa, giáo dục trên diện rộng. Truyền thông đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực này. Các tổ hợp truyền thông nhà nước như Tân Hoa xã, Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) có văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Các xưởng phim Hollywoods thường tìm kiếm nguồn tài trợ từ Trung Quốc cho các dự án sản xuất cũng như quyền được công chiếu tại thị trường rộng lớn này. E ngại làm mất lòng ĐCSTQ, các xưởng phim đã bắt đầu kiểm duyệt trước nội dung. Kiểm duyệt cũng đã lan sang ngành xuất bản. Ỷ vào thị trường nội địa quy mô, Chính quyền Trung Quốc gia tăng yêu cầu kiểm duyệt sách báo có những cụm từ đặc biệt (ví dụ như “Đài Loan”, “Tây Tạng” hay “Cách mạng văn hóa”). Nhiều nhà xuất bản tên tuổi, điển hình là Springer Nature – nhà xuất bản sách học thuật lớn nhất thế giới – đã phải khuất phục trước yêu sách của Bắc Kinh.

Bắc Kinh cũng thúc đẩy ảnh hưởng Trung Hoa trong giáo dục. Trung Quốc hiện là nước đứng hàng thứ 3 trên thế giới về tiếp nhận du học sinh nước ngoài, đón hơn 440.000 du học sinh từ hơn 200 nước trong năm 2016. Nhiều sinh viên nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc. Ở nước ngoài, Bắc Kinh đã thành lập hơn 500 Viện Khổng tử ở 142 nước nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Một nghiên cứu của Hiệp hội học giả quốc gia có trụ sở ở Mỹ cho biết, các Viện Khổng tử không minh bạch về mối liên hệ với ĐCSTQ. Các giáo viên phải tuân thủ giới hạn của ĐCSTQ, bị ép buộc tránh “các chủ đề nhạy cảm” như nhân quyền, Tây Tạng, Đài Loan.

ĐCSTQ cũng xâm nhập vào khuôn viên các đại học nước ngoài. Bắc Kinh chiêu mộ thành viên từ cộng đồng người Hoa hải ngoại lên đến 60 triệu người: Tại các trường đại học trên khắp thế giới, Hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc vui mừng đón tiếp các lãnh đạo Trung Quốc tới thăm, phản đối Đạtlai Lạtma và những nhà diễn thuyết mà ĐCSTQ coi là thù địch. Bắc Kinh cũng giám sát và làm câm lặng những người Trung Quốc có quan điểm chỉ trích sống ở nước ngoài thông qua việc huy động quấy nhiễu trên truyền thông xã hội và đe dọa gia đình họ đang sống trong nước. Tại Úc, lo ngại về sự can thiệp và hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở các trường đại học, giới chức tình báo đã phải đưa ra cảnh báo về “mối đe dọa gian xảo” từ các chính phủ nước ngoài tìm cách định hình dư luận trong nước.

Những nước bá chủ khu vực trong quá khứ cũng thúc đẩy ảnh hưởng thông qua giáo dục, văn hóa và chỉ định các thủ lĩnh xã hội dân sự. Như chuyên gia Trung Quốc Suisheng Zhao đã viết: “Văn hóa Trung Quốc được xem là quyền lực lâu bền vĩ đại để hàn gắn những thời kỳ bất hòa và đưa vào các chính quyền mới các giá trị ủng hộ trật tự truyền thống của Trung Quốc”. Trung Quốc mở mang ngôn ngữ, văn học, đạo Khổng và các lề thói quan liêu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác.

Vị thế bá chủ của Mỹ ở Mỹ Latinh cũng dựa nhiều vào quyền lực mềm. Năm 1953, Chính phủ Mỹ lập ra Cơ quan thông tin Mỹ (USIA), mà theo Tổng thống Dwight Eisenhower có mục đích cho các nước thấy được mục tiêu của Mỹ “hòa hợp với và sẽ thúc đẩy khát vọng hợp pháp vì tự do, tiến bộ và hòa bình”. Các đài truyền hình Mỹ mở các kênh truyền hình ở Mỹ Latinh, chiếu phim và các chương trình của Mỹ. Chính quyền Mỹ cũng thành lập các hãng tin mới, đài phát thanh, xâm nhập và đe dọa các tổ hợp truyền thông đối lập. Tại Chile và Cộng hòa Dominica, CIA và USIA can dự vào các nỗ lực tuyên truyền quyết liệt nhằm chống lại các ứng viên không mong muốn, phát tán thông tin sai lệch và bóp nghẹt truyền thông đối lập.

Theo cách thức tương tự, đế chế Nhật cũng lập ra Hội phát triển Đông Á để định hình dư luận khu vực và chỉ dẫn cho hoạt động của người Nhật Bản sống trong đế chế. Tokyo kiểm soát xã hội dân sự qua việc thành lập và thâm nhập ở các tổ chức như các nhóm thanh niên, câu lạc bộ võ thuật, hội đoàn sinh viên, các nhóm xã hội bí mật và các tổ chức tôn giáo. Chính sách Văn hóa Đại Đông Á của Nhật Bản nhằm mục đích loại trừ văn hóa phương Tây. Chẳng hạn, Tokyo cấm Coca-Cola với lý do sản phẩm này được phát minh nhằm “khiến những người có tâm hồn và trí tuệ non nớt có thể bị ảnh hưởng bởi chất gây nghiện tinh vi, khiến họ dễ tiếp nhận hơn sự bóc lột của Mỹ của Mỹ-Ănglê”. Tokyo cấm sử dụng ngôn ngữ châu Âu, lấy tiếng Nhật làm ngôn ngữ chính thức của khu vực, điều hàng trăm giáo viên đi giảng dạy ở châu Á. Nhật Bản thẩm thấu văn hóa của mình qua các chương trình phát thanh, báo chí và truyện tranh, cùng với đó là để cho các thể chế văn hóa tài trợ triển lãm, phim ảnh và trao đổi học thuật.

Liên Xô duy trì ảnh hưởng ở Đông Âu thông qua hoạt động văn hóa trên diện rộng. Liên Xô lập ra các tổ chức thanh niên có ảnh hưởng, thu hút giới nhà văn, nghệ sĩ và các lãnh đạo trí thức thông qua mời chào công việc được trả lương hậu hĩnh, những ngôi nhà sang trọng có người phục vụ và miễn phí giáo dục cho con trẻ.

Moskva cũng lập ra tổ chức bao trùm có tên gọi “Hội hợp tác văn hóa với nước ngoài toàn Liên Xô” (VOKS), coi đây là công cụ để truyền bá lý tưởng và văn hóa Liên Xô, đưa giới học giả phương Tây nằm dưới ảnh hưởng cộng sản. VOKS đưa hàng nghìn khách du lịch tới Liên Xô và tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học, làm phim, thi đấu thể thao, ballet, âm nhạc và xuất bản.

Xem xét cuộc sống ở châu Á dưới tay Trung Quốc

Khi xem xét lối hành xử hiện tại của Trung Quốc trong tương quan so sánh với các siêu cường khu vực trong lịch sử, có thể nhận thấy một số đặc trưng chung. Thứ nhất, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có mặt tiêu cực. Dù sự phụ thuộc lẫn nhau khiến xung đột có phí tổn cao hơn, nó cũng tạo ra lực đòn bẩy. Vai trò trung tâm trong thương mại và tài chính khu vực giúp Trung Quốc gia tăng quyền lực đe nẹt, thứ mà Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng. Thứ hai, lịch sử chỉ ra rằng nước lãnh đạo khu vực can dự sâu rộng vào đời sống chính trị nội bộ của các nước láng giềng. Trên thực tế, Trung Quốc đã dần từ bỏ chính sách không can thiệp mà Bắc Kinh đề cao bấy lâu. Khi Trung Quốc lớn mạnh hơn, các nước láng giềng có lý do tin rằng Bắc Kinh sẽ gia tăng can thiệp vào chính trị nội bộ của họ.

Các quốc gia Đông Á cần quyết định liệu họ có chấp nhận thực tế này hay không. Đặc biệt, Nhật Bản – nước duy nhất có quyền lực tiềm năng để đối trọng với Trung Quốc – sẽ phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản tuân thủ chính sách an ninh quốc gia bị kiềm tỏa chặt chẽ, chỉ giành khoảng 1% GDP cho quốc phòng. Vì những lý do lịch sử rõ ràng, người Nhật Bản nghi ngờ sự điều hành quân sự và lo sợ về viễn cảnh nền kinh tế bị bỏ lại phía sau cũng như chi phí bỏ ra để giải quyết vấn nạn già hóa dân số. Họ có thể quyết định tiếp tục cống hiến nguồn lực của mình cho “bơ” thay vì cho “súng đạn”.

Đó sẽ là lựa chọn hợp lý đến hoàn hảo, nhưng trước khi làm được điều đó người Nhật Bản nên nghĩ nhiều đến cuộc sống của mình với châu Á dưới tay Trung Quốc. Bắc Kinh và Tokyo hiện đã bị cuốn vào tranh chấp lãnh thổ căng thẳng xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Để giành quyền kiểm soát quần đảo này, làm suy yếu quan hệ Mỹ-Nhật và thúc đẩy các lợi ích khác, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng sự đe nẹt kinh tế và quân sự lớn hơn và can thiệp vào chính trị Nhật Bản. Ngoài lý do bá quyền khu vực có thiên hướng can thiệp, Trung Quốc còn chất chứa mối thù lịch sử với Nhật Bản. Hãy tưởng tượng tình cảnh tương tự nếu như Mỹ thực sự thù ghét Cuba.

Nếu quyết định rằng bá chủ Trung Quốc là điều không chấp nhận được, Nhật Bản sẽ phải thay đổi chính sách an ninh quốc gia. Lợi ích và cam kết toàn cầu của Mỹ chỉ cho phép Washington hướng một phần nguồn lực của mình tới châu Á. Mỹ không có khả năng, chứ chưa nói đến quyết tâm, tự mình tạo đối trọng với Trung Quốc. Nhật Bản sẽ cần phải giống như Tây Đức: Một đồng minh của Mỹ, dù lép vế về mặt quân sự và bị đe dọa bởi một cường quốc thù địch, đã huy động được sức mạnh quân sự đáng kể và là đối tác thực sự cùng Mỹ để duy trì phòng vệ quốc gia.

Tokyo và Washington có thể sử dụng ngoại giao để chào mời các nước một giải pháp thay thế cho sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Để làm được vậy, 2 nước cần tìm ra một nhóm hạt nhân các quốc gia hàng hải có chung giá trị và lợi ích – cụ thể là Úc, Ấn Độ, New Zealand và Philippines. Cũng nên chào đón những bên tham gia có thể có cùng mối bận tâm như Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG 

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link