Xây dựng lòng tin chiến lược – kỳ vọng và thách thức

Lòng tin luôn là khởi nguồn, nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc. Xây dựng lòng tin khó nhưng mất thì dễ. Mất lòng tin là mất tất cả.

 

Việt Nam lần đầu tiên đưa ra thông điệp “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á- Thái Bình Dương” tại đối thoại Shangri - La ở Singapore năm 2013. Thông điệp trở thành một chủ đề chính của diễn đàn, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của lãnh đạo, nhà ngoại giao, học giả nhiều nước và dư luận quốc tế.

Từ đó, vấn đề xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược được đề cập trong chiến lược, chính sách của nhiều quốc gia, trong phát biểu của nhiều chính khách, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2020), các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN ra tuyên bố chung về duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Trong bản tuyên bố gồm 8 điểm chính rất cô đọng, cân nhắc kỹ lưỡng từng câu chữ, cụm từ “lòng tin”, “sự tin cậy” được nhắc lại tới 4 lần.       

Điều gì thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế? 

Trước hết, lòng tin là khởi nguồn, nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ, hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia, cộng đồng dân tộc. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, lòng tin quan trọng, rất cần thiết nhưng đang thiếu trong quan hệ quốc tế hiện nay. Hay nói cách khác, lòng tin chưa hiện diện đầy đủ trong chiến lược, chính sách và hành động của các quốc gia.

Thứ ba, các biến động địa chính trị, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới. Bên cạnh nguyên nhân từ tham vọng, ý đồ chiến lược, đòi hỏi phi lí, áp đặt, cường quyền chính trị, hành vi trái luật pháp quốc tế, nói không đi đôi với làm của một số nước còn do sự nghi kỵ, chia rẽ giữa các quốc gia, cộng đồng dân tộc…

Thứ tư, nếu không có lòng tin, khó có thể hợp tác thiết thực, hiệu quả và đàm phán, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột vẫn đang tiếp diễn ở nhiều khu vực. Việt Nam và nhiều nước có câu “Mất lòng lòng tin là mất tất cả”. Từ đó có thể dẫn đến xung đột, đối đầu, thậm chí là chiến tranh.

Xây dựng lòng tin chiến lược, hiện thực hay kỳ vọng?

Không ít nhà chính trị, ngoại giao, nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng với những mâu thuẫn, xung đột lợi ích chiến lược giữa các quốc gia, dân tộc hiện nay (Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Triều Tiên, Israel-Palestine…), thì xây dựng lòng tin chiến lược là việc xa vời!

Nếu nước lớn cứ liên tục đưa ra đòi hỏi, yêu sách phi lý, hành vi áp đặt, can dự, xuất phát từ tham vọng không có cơ sở, dựa trên ưu thế sức mạnh quân sự, kinh tế, hành động trái với các tuyên bố, cam kết của mình… thì rất khó có được lòng tin từ các đối tác.

Nói xây dựng lòng tin chiến lược trong trường hợp đó dường như chỉ để tuyên truyền, xoa dịu dư luận!

Nhưng lịch sử cũng minh chứng về xây dựng lòng tin, kể cả giữa các quốc gia từng đối đầu, từng trải qua cuộc chiến tranh kéo dài nhiều chục năm.

Mỹ và Việt Nam từ hai kẻ thù trong cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài 20 năm, đã vượt qua rất nhiều rào cản, trở thành đối tác toàn diện, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, ngoại giao đến quốc phòng, an ninh.

Mấy chục năm trước, đây là điều hoang tưởng, khó hình dung. Từ yêu cầu bức thiết phá bỏ bao vây cấm vận, nhận thức về xu thế hội nhập quốc tế và tư duy mới về đường lối đối ngoại, Việt Nam đã chủ động bắc những cây cầu đầu tiên vượt qua hố sâu ngăn cách.

Trước những năm 1975, có nước ASEAN đã từng ủng hộ, cho Mỹ đặt sân bay, căn cứ quân sự, hậu cần, kỹ thuật trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau năm 1975, cho đến tận những năm 1990, không ít nước Đông Nam Á lo ngại sức mạnh quân sự của nước Việt Nam thống nhất.

Hố sâu ngăn cách, ngờ vực, chia rẽ giữa các nước ASEAN và ba nước Đông Dương, tưởng chừng không thể lấp đầy. Nhưng rồi Việt Nam đã trở thành một thành viên quan trọng, không thể thiếu của cộng đồng ASEAN như hiện nay.

Kết quả xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ đối tác tạo môi trường thuận lợi cho Việt Nam phát triển; giảm căng thẳng, đối đầu, đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực, thế giới. Việt Nam thành công vì có niềm tin, thành tâm và chủ động quan hệ, xây dựng lòng tin với các đối tác. Từ kẻ thù trở thành đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, thì các mâu thuẫn, tranh giành lợi ích, tranh chấp chủ quyền… đều có thể vượt qua. Đó là thông điệp từ Việt Nam.

xay dung long tin chien luoc ky vong va thach thuc
Việt Nam đã trở thành một thành viên quan trọng, không thể thiếu của cộng đồng ASEAN như hiện nay. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cần làm gì để xây dựng lòng tin chiến lược?

Một là, mọi quốc gia cần tuân thủ đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của mình, nhất là các nước lớn. Không thể tùy tiện giải thích, vận dụng luật pháp quốc tế theo kiểu ngụy biện, theo lợi ích riêng của mình.

Hai là, xây dựng các khuôn khổ và cơ chế an ninh, hợp tác đa phương hiệu lực, hiệu quả, mang tính ràng buộc lẫn nhau, trên cơ sở lợi ích chung của khu vực, thế giới.

Ba là, nâng cao hiệu quả thực thi các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.

Bốn là tăng cường tính công khai, minh bạch trong chính sách của các nước.

Năm là, mở rộng hợp tác với các hình thức khác nhau, trên nguyên tắc cùng có lợi.

Sáu là, lòng tin phải được tạo dựng, vun đắp thường xuyên thông qua hành động thiết thực, bắt nguồn từ sự thiện chí và sự chân thành của các quốc gia, dân tộc.

Bảy là, các nhà cầm quyền, ngoại giao thường khởi xướng, đột phá tạo dựng lòng tin. Nhưng để lòng tin bền vững, cần có sự đồng thuận và tham gia rộng rãi của các cấp, các ngành và nhân dân.

Hai tay mới vỗ thành tiếng, lòng tin phải đến từ hai bên. Các nước nhỏ có niềm tin mới thật lòng tham dự, ủng hộ các hoạt động do nước lớn khởi xướng. Các nước lớn cần lòng tin của các nước khác để thực thi chiến lược, chính sách một cách hòa bình.

Nhưng sức mạnh, ý đồ, hành động của nước lớn thường gây hoài nghi, lo lắng. Do đó, các nước lớn cần đề cao trách nhiệm xây dựng lòng tin, bằng các chính sách, cam kết, nhưng quan trọng nhất là thông qua các hành động cụ thể, thiết thực.

VŨ ĐĂNG MINH

Nguồn: TG&VN

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link