Bản thân việc coi cạnh tranh là động lực đã hàm chứa một phần của yếu tố lòng tham.
Do tham lam, chúng ta đang vắt kiệt đất đai, vắt kiệt nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Do tham lam, chúng ta đang tiêu thụ trên mức mà thiên nhiên có thể tái tạo. Do tham lam, chúng ta đang thải ra môi trường nhiều hơn mức mà thiên nhiên có thể hấp thụ. Tóm lại, do tham lam, chúng ta đang thật sự hủy hoại môi trường sống của mình và làm cho tương lai của mình trở nên không chắc chắn.
Chuẩn mực đo đếm sự giàu có của loài người không khéo cũng đang dẫn chúng ta đến chỗ tự hủy diệt. Tại sao lại cứ phải cố phấn đấu để có được tất cả mọi thứ, trong khi bạn không thể đi một lúc hai đôi giày? Tại sao lại phải bêtông hóa mặt đất và không gian, khi cái bạn cần hơn là những hàng cây, những bông hoa và những tiếng chim? Chúng ta có thể chiếm hữu đến bao nhiêu để lòng tham được thỏa mãn? Chúng ta có thể bêtông hóa đến bao nhiêu để lòng tham được vỗ về? Rõ ràng, bạn không thể trả lời là đến bao nhiêu được. Khi lòng tham đã được kích hoạt, nó sẽ không bao giờ biết đến điểm tận cùng.
Để vượt qua sự tự hủy diệt, chúng ta cần một hệ chuẩn mới về giá trị. Trong hệ chuẩn này, sống hài hòa với thiên nhiên phải được coi là giá trị văn hóa cao cả nhất. Sống hài hòa với thiên nhiên nghĩa là dựa vào thiên nhiên để sống, chứ không phải là bóc lột thiên nhiên. Bạn chỉ có thể lấy đi những gì mà thiên nhiên có thể cho, chỉ có thể trả lại những gì mà thiên nhiên có thể nhận.
Đơn giản là bạn không thể bắt năm con cá, nếu trong hồ chỉ sinh thêm được bốn con. Bạn cũng không thể thải chất độc vào không khí mà bạn đang thở, khi không khí không thể trung hòa nó. Ngoài ra, quan niệm về sự giàu có cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Giàu có không phải là việc bạn có một núi vàng mà khi chết bạn chẳng mang theo được. Giàu có là việc bạn được sống trong một môi trường trong lành, mỗi ngày lại được tận hưởng cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE