Tăng cường đầu tư tài chính để bảo vệ môi trường

Tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 về phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường đầu tư tài chính nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Đồng thời, hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Quyết định số 611/QĐ-TTg, các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được đề ra gồm: Giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; Quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, Quyết định số 611/QĐ-TTg cũng nêu rõ định hướng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Định hướng phân vùng môi trường; Định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Định hướng hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; Định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Các giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch được đưa ra gồm: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, tăng cường đầu tư tài chính là một trong những giải pháp trọng tâm được đề cập với các nội dung gồm:

Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường. Triển khai các hình thức đối tác công tư (PPP) trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt.

Thứ hai, huy động đầu tư từ xã hội hóa trong nước và quốc tế, bố trí ngân sách nhà nước hợp lý, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường; ưu tiên tăng cường năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách. Bố trí ngân sách nhà nước tăng dần trong từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và khả năng ngân sách; rà soát, nghiên cứu cơ cấu lại các nhiệm vụ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường theo hướng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Thứ ba, đối với việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia và cấp vùng, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách trung ương, địa phương để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối bên ngoài khu, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải trong khu.

Thứ tư, hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường. Chú trọng phát triển năng lực cung ứng dịch vụ môi trường, đặc biệt là tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, tích cực, chủ động đề xuất các dự án về bảo vệ môi trường để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới.

Thanh Tú/Theo tapchitaichinh.vn