Những kịch bản có thể xảy ra
Tương lai của Trung Đông vẫn còn mờ mịt và nhiều kịch bản có thể xảy ra, từ xung đột lan rộng đến hòa bình thông qua các liên minh mới. Israel và Hezbollah tiếp tục màn “ăn miếng trả miếng” không dứt, dẫn đến một vòng xoáy bạo lực liên miên. Thêm vào đó, cuộc đối đầu giữa Israel và Iran có thể leo thang thành chiến tranh trực tiếp, đặc biệt khi Israel tiếp tục nhắm vào các mục tiêu của Iran ở Syria và các khu vực khác.
Iran có thể đáp trả bằng cách huy động các lực lượng thân Tehran như Hezbollah, Houthi và các nhóm người Shia ở Iraq, dẫn đến nguy cơ xung đột khu vực rộng lớn hơn. Syria, vốn đã bị tàn phá bởi nội chiến, có thể trở thành chiến trường cho các cuộc xung đột giữa Israel và Iran. Những cuộc không kích của Israel vào các vị trí của Iran ở Syria có thể kích động phản ứng từ Quân đội Syria, làm tình hình thêm rối ren.
Tại Yemen, nhóm Houthi tiếp tục đe dọa các tuyến đường vận chuyển ở Vịnh Aden và Biển Đỏ, làm gia tăng nguy cơ với các tuyến cung cấp dầu quan trọng toàn cầu. Trong kịch bản này, triển vọng hòa bình và ổn định khu vực trở nên mờ mịt khi bạo lực dai dẳng làm phức tạp nỗ lực can thiệp của các bên trong và ngoài khu vực.
Khủng hoảng nhân đạo cũng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt tại Gaza, Lebanon và Syria, nơi thường dân chịu thiệt hại nặng nề. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), có thể tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel, kể cả tăng cường hỗ trợ quân sự và ngoại giao để đảm bảo an ninh.
Trong trường hợp xung đột kết thúc, Trung Đông có thể chuyển từ đối đầu sang một trạng thái hòa bình mong manh. Cuộc chiến ở Gaza có thể dừng lại thông qua một lệnh ngừng bắn nhờ các nhà trung gian quốc tế hoặc do các bên kiệt sức về mặt quân sự. Dù vậy, Israel có thể tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công có mục tiêu nhằm vào Hezbollah và các lực lượng thân Iran, duy trì căng thẳng ở mức cao nhưng không leo thang thành chiến tranh tổng lực. Các nỗ lực quốc tế nhằm duy trì lệnh ngừng bắn và ngăn chặn bạo lực tái diễn có thể được tăng cường, nhưng những căng thẳng chưa được giải quyết vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại.
Kịch bản này có thể dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, giúp kiềm chế bạo lực nhưng không hoàn toàn chấm dứt. Điều này mở ra cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao tập trung vào quản lý tình hình hiện tại hơn là giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Các nước phương Tây có thể đóng vai trò tích cực hơn trong tiến trình hòa bình, khuyến khích bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab. Mỹ duy trì cam kết đảm bảo an ninh cho Israel nhưng giảm bớt can thiệp trực tiếp vào các hoạt động chống Iran và Hezbollah.
Và kịch bản cuối cùng đề cập đến việc hình thành của một liên minh khu vực mới nhằm phản đối các chính sách của Israel, với sự tham gia của Ai Cập, Iran, và Saudi Arabia, cùng với sự hỗ trợ của các cường quốc như Nga và Trung Quốc. Liên minh này sẽ được củng cố bởi các mối quan hệ ngoại giao, đầu tư kinh tế và hợp tác quân sự từ Nga và Trung Quốc, tạo ra một đối trọng mới đối với sự hiện diện của phương Tây trong khu vực.
Trong liên minh này, Iran đóng vai trò quan trọng nhưng sẽ cần cân bằng giữa duy trì gắn kết trong liên minh và các tham vọng khu vực của mình. Nga và Trung Quốc, bằng cách hỗ trợ liên minh này, không chỉ mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông mà còn làm thay đổi động lực quyền lực toàn cầu, đặc biệt là đối với Mỹ và các đồng minh châu Âu. Trong khi đó, Israel sẽ đối mặt với áp lực ngoại giao và quân sự ngày càng gia tăng, buộc nước này phải tìm cách củng cố quan hệ với Mỹ và các đồng minh châu Âu. Các nước phương Tây có thể tăng cường hiện diện quân sự và hỗ trợ cho Israel để đối phó với sự trỗi dậy của liên minh mới này.
Và quan điểm của Mỹ
Nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng để tìm ra tân chủ nhân Nhà Trắng. Mặc dù có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh toàn diện, song cả hai ứng cử viên chính của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đồng ý về tầm quan trọng của sự hợp tác khu vực. Trong khi ông Donald Trump kêu gọi Israel nhanh chóng kết thúc chiến dịch quân sự nhằm tránh gây tổn hại đến hình ảnh quốc tế của mình, thì bà Kamala Harris thể hiện sự cân bằng hơn khi vừa ủng hộ quyền tự vệ của Israel, vừa bày tỏ cảm thông với nỗi đau khổ của dân thường Palestine.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran ngày càng gia tăng, đặc biệt sau các vụ ám sát thủ lĩnh của Hamas và chỉ huy của Hezbollah, nguy cơ chiến tranh khu vực là mối lo ngại lớn đối với tất cả các ứng cử viên. Cả hai đều bày tỏ mong muốn ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông, nhưng chiến lược cụ thể để đạt được mục tiêu này vẫn còn mơ hồ.
Ông Donald Trump cảnh báo rằng, xung đột có thể kéo Mỹ vào kịch bản Chiến tranh Thế giới thứ ba, trong khi bà Kamala Harris nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một chính sách ngoại giao cân bằng. Mặc dù vậy, cả hai đều ủng hộ tiếp tục quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab, coi đó là một cách để giảm bớt căng thẳng và tạo ra sự ổn định lâu dài trong khu vực.
Các chuyên gia, trong đó có Joe Macaron từ Trung tâm Wilson, cho rằng, chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải xác định rõ mục tiêu chiến lược của mình tại Trung Đông, thay vì chỉ phản ứng trước các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Cựu quan chức tình báo Mỹ Norman Roule nhấn mạnh rằng một chính sách đối ngoại hiệu quả của Washington ở Trung Đông cần phải có sự nhất quán, sự tham gia lưỡng đảng, và sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực.
Theo ông, Mỹ phải làm rõ chính sách của mình sẽ mang lại lợi ích gì cho cả bản thân và các đối tác, đồng thời duy trì khả năng răn đe đối với các đối thủ trong khu vực. Điều đó cho thấy, với tình hình phức tạp và đầy thách thức tại Trung Đông, lập trường của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ. Dù có những khác biệt về chi tiết và chiến lược, mục tiêu chung của họ vẫn là bảo vệ lợi ích quốc gia, duy trì quan hệ đồng minh chiến lược, và ngăn chặn nguy cơ xung đột lớn hơn ở khu vực này.
Theo CAND