
Với tư cách lễ tân của Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (Đoàn 37), bà Vũ Thị Đạt có mặt trong rất nhiều hoạt động như: Các buổi họp với phía Hoa Kỳ, gặp gỡ chính khách, kiều bào… Những câu chuyện của bà Vũ Thị Đạt giúp chúng ta hiểu thêm sinh hoạt của Đoàn 37 cũng như tình cảm của nhân dân Pháp, kiều bào Việt Nam, góp phần làm nên thành công của Hội nghị Paris - tiền đề quan trọng dẫn đến thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Chuyện về nơi ở của Đoàn
Bà Đạt cho biết, khi Đoàn từ Hà Nội sang Paris, các đồng chí lãnh đạo của Đoàn chưa thể nhận định được việc đàm phán với Hoa Kỳ tiến hành trong thời gian bao lâu. Thời điểm Đoàn đến, người được phân công đón đoàn là ông Mai Văn Bộ (người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong Hội Việt kiều ở Paris). Với tính chất và nhiệm vụ quan trọng của Đoàn đối với vận mệnh đất nước, ông Bộ muốn sắp xếp cho Đoàn ở một nơi đàng hoàng. Khách sạn Lutétia ở Paris là địa điểm đầu tiên được chọn là nơi lưu trú của Đoàn (theo ý ông Bộ, ngay từ khi chuẩn bị đón Đoàn, để gây thanh thế, ông đã yêu cầu khách sạn treo cờ đỏ sao vàng chào đón Đoàn).
Là một khách sạn tiêu chuẩn 5 sao nên phong cách phục vụ rất châu Âu, các thành viên phải làm quen với các đồ dùng như: dao, dĩa, món ăn thay đổi liên tục. Phòng của trưởng đoàn Xuân Thủy luôn có hoa quả tươi thay đổi hàng ngày và tủ đầy các loại rượu ngoại... Sau vài ngày, nhân viên khách sạn chuyển cho bà Đạt hóa đơn. Nhìn các con số trong đó, không tin vào mắt mình, bà Đạt đã báo cáo ngay cho trưởng đoàn Xuân Thủy. Một cuộc hội ý chớp nhoáng giữa trưởng đoàn Xuân Thủy, phó đoàn Hà Văn Lâu và ông Mai Văn Bộ quyết định là chuyển chỗ ở, từ 5 sao xuống “không sao” với điều kiện tối thiểu, “miễn có chỗ ăn, ngủ là được”.

Với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, đoàn di chuyển đến nơi ở mới là Trường Đào tạo cán bộ Đảng của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (còn gọi là Trường Đảng Maurice Thorez). Ngôi trường nằm ở ngoại ô Paris, có địa điểm rất rộng. Tại đó có căn nhà của đồng chí Maurice Thorez, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp. Đồng chí Xuân Thủy và cố vấn Lê Đức Thọ đã sử dụng ngôi nhà này vì nó có đủ phòng khách, phòng làm việc, nơi ở và có cả phòng kín dành riêng cho hội họp.
Các thành viên của đoàn cũng được bố trí ở trong khuôn viên của trường, có khu thể thao, phòng ăn, phòng tiếp khách… Ngôi trường này là nơi Đoàn lưu trú trong hơn 4 năm. Đến khi Hội nghị kết thúc, phía bạn đã không lấy bất cứ chi phí nào. Ngoài việc thuê nhà, Đoàn còn được cung cấp các dịch vụ miễn phí như: bảo vệ, lái xe, cấp dưỡng, giặt quần áo...
Trưởng đoàn Xuân Thủy và bài thơ "Ba cô"
Đồng chí Xuân Thủy được cử dự Hội nghị Paris với tư cách Trưởng đoàn. Phong thái đĩnh đạc, cương quyết và khôn khéo của nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã làm cho trưởng đoàn Hoa Kỳ Harriman và cố vấn Henry Kissinger - hai nhân vật tiếng tăm lừng lẫy trong đàm phán ngoại giao của đoàn Hoa kỳ phải khuất phục, nể trọng.
Với các đồng nghiệp, tình cảm, sự quan tâm của ông luôn là nguồn động viên lớn lao để các thành viên vững tâm, kiên trì đấu tranh trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Ở ông hội tụ đầy đủ phong cách của nhà chính trị, ngoại giao, với tâm hồn thi sĩ. Điều đó được thể hiện trong bài thơ ông viết sau bức ảnh tặng ba “hoa hậu” của Đoàn 37.
Ba cô
Chiều hè gió nhẹ hồ trong
Lâng lâng mặt nước cong cong nhịp cầu
Một cô tròn trĩnh hạt bầu
Một cô đôi mắt dao cau phượng hoàng
Một cô cành liễu dịu dàng
Ba co áo tím, áo vàng, áo xanh
Ai về nhắn hộ ba anh
Rằng ba cô vẫn thắm tình nhớ thương
Nhớ ngày từ lúc tinh sương
Nhớ đêm từ lúc lên giường nhớ đi
Thương anh thương đủ mọi bề
Vì dân, vì nước lại vì vợ con
Khuyên nhau nhiệm vụ cho tròn
Hẹn nhau sông cạn đá mòn thủy chung
Hồ to đi hết một vòng
Đố ai hiểu được nỗi lòng ba cô
Paris 7.1968
Xuân Thủy
Tình cảm của nhân dân Pháp và kiều bào
Người dân Pháp, nhất là các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp rất ủng hộ Việt Nam, coi ta như anh em trong nhà. Buổi sáng họ phải tìm mình chào bằng được trước khi vào làm việc, chiều về cũng phải tìm gặp hôn từ biệt. Công việc gì nhờ họ làm mình không phải nói đến lần thứ hai. Quần áo anh em thay ra cứ xếp vào một chỗ, các bạn đến lấy mang đi giặt là, hai hôm sau mang lên để chỗ cũ. Bàn ăn thường bày nhiều món, bữa nào ăn cũng có rượu. Lúc ăn uống, còn có người đứng phục vụ, xong họ lại dọn dẹp. Khi cần tiếp khách, chỉ cần báo mấy giờ, bao nhiêu người là họ chuẩn bị sẵn phòng. Ngoài cửa lúc nào cũng có người bảo vệ.
Bà con Việt kiều đối với Đoàn cũng hết sức thân tình. Có những người đã được đón tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang thăm Cộng hòa Pháp năm 1946, Đoàn sang, ông thường xuyên đến thăm hỏi. Bà con Việt kiều hôm thì làm sẵn thức ăn mang đến biếu Đoàn. Những ngày Đoàn đi họp, họ đứng hai bên đường, trước cửa địa điểm họp ở Clâybe, vẫy cờ. Đoàn cần gì họ sẵn sàng giúp. Ở bên nhà (ý nói Bộ Ngoại giao chỉ đạo từ Việt Nam đối với Đoàn) cần việc gì, chỉ thị gì, ông Xuân Thủy chỉ mời Chủ tịch Hội Việt kiều và bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, bàn với hai ông là xong ngay.
Chính những tình cảm này là nguồn động viên to lớn đối với các thành viên trong Đoàn, góp phần làm nên thành công của Hội nghị.
Theo Minh Phương/Báo điện tử Đại biểu Nhân dân