Những ngày qua, quan hệ Nga-phương Tây tiếp tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng với hàng loạt phát ngôn, động thái cứng rắn và đáng lo ngại, đặc biệt liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Loạt diễn biến căng thẳng đáng ngại
Một trong những diễn biến đáng chú ý là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte tại Nhà Trắng hôm 14-7. Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ sẽ áp thuế 100% đối với các nước giao dịch thương mại với Nga (gọi là thuế thứ cấp), nếu Moscow không đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày tới.
Tổng thống Trump cho biết hàng tỉ USD thiết bị quân sự sẽ được Mỹ bán cho NATO nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và sẽ được giao hàng nhanh chóng. NATO sẽ điều phối việc chuyển giao vũ khí và sau đó Ukraine sẽ sớm nhận chúng.

Trước đó, Anh và Pháp ra Tuyên bố Northward ngày 10-7, lần đầu tiên chính thức kết nối năng lực răn đe hạt nhân. Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định bất kỳ đe dọa nghiêm trọng nào với châu Âu sẽ vấp phải phản ứng phối hợp từ hai cường quốc hạt nhân này, theo hãng tin Reuters.
Song song, Anh và Pháp công bố kế hoạch lập “Liên minh Thiện chí” gồm khoảng 30 quốc gia phương Tây, sẵn sàng triển khai lực lượng đến Ukraine khi Kiev và Moscow ngừng bắn. Theo chính phủ Anh, lực lượng này sẽ tái thiết quân đội Ukraine, bảo vệ không phận và đảm bảo an ninh hàng hải.
Không lâu sau, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius ngày 13-7 tuyên bố khởi động sáng kiến “ReArmEurope” nhằm đẩy mạnh sản xuất quốc phòng, củng cố năng lực răn đe tập thể trước điều mà ông gọi là “sự gây hấn của Nga”. Dù Berlin chưa có kế hoạch bổ sung tên lửa Taurus hay hệ thống Patriot cho Ukraine, thông điệp chính mà ông Pistorius đưa ra là khá rõ ràng: Đức đang chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Moscow.
Bên cạnh đó, Hội nghị Tái thiết Ukraine hôm 10 và 11-7 tại Rome càng làm rõ quyết tâm của phương Tây. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev “về quân sự, tài chính và chính trị cho đến khi cần thiết”, đồng thời công bố các khoản tài trợ và quỹ đầu tư mới.
Moscow không giữ im lặng. Ngày 14-7, ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện) nói rằng ông Trump cần phải nhắm vào chính quyền Kiev nếu ông thực sự muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, theo hãng thông tấn TASS.
"Nếu ông Trump thực sự muốn có tiến triển trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, ông ấy nên giơ nắm đấm vào chính quyền Zelensky thay vì đe dọa Nga bằng các lệnh trừng phạt thứ cấp" - ông Slutsky nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov cảnh báo Moscow sẽ đưa liên minh hạt nhân Anh-Pháp vào các tính toán chiến lược. Ông Ryabkov cáo buộc NATO đang “chuyển sang thế đối đầu toàn diện”, và liên minh mới là “mối đe dọa không thể bỏ qua”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ việc phương Tây “phớt lờ lợi ích chiến lược của Nga” từ sau khi Liên Xô tan rã. Ông Putin đồng thời cáo buộc Mỹ và châu Âu “phản bội cam kết” và dùng Ukraine như công cụ để kiềm chế Moscow, đài RT đưa tin.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cũng chỉ trích gay gắt việc một số quốc gia châu Âu xem xét triển khai quân đến Ukraine, cho rằng đây là minh chứng cho “lập trường quân sự hóa, đối đầu và chống Nga”. Ông nhấn mạnh Nga đã nhiều lần cảnh báo rủi ro của việc đưa quân đội nước ngoài vào Ukraine nhưng bị bỏ ngoài tai.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau đó tiếp tục cảnh báo nguy cơ châu Âu rơi vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp. Ông cáo buộc các lãnh đạo Berlin, Paris và London đang “lặp lại sai lầm của quá khứ” và “chuẩn bị đưa châu Âu vào cuộc chiến với Nga”.
Vẫn có tín hiệu tích cực?
Những diễn biến trên đẩy căng thẳng giữa Nga và châu Âu lên mức cao đáng ngại. Tuy nhiên theo giới quan sát, vẫn có những tín hiệu gần đây từ cả lãnh đạo chính trị lẫn công chúng hai bên cho thấy cánh cửa đối thoại vẫn để ngỏ. Triển vọng khôi phục quan hệ là điều hoàn toàn có thể hình dung chứ không phải hoàn toàn mờ mịt, tối tăm.

Phát biểu tại Diễn đàn giáo dục Znanie cuối tháng 4, Tổng thống Putin khẳng định: “Sớm muộn gì quan hệ giữa Nga và châu Âu cũng sẽ được khôi phục. Điều đó là chắc chắn".
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, dù thừa nhận tình hình hiện nay “phức tạp hơn thời Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”, ông Putin cho biết vẫn có nhiều người châu Âu ủng hộ Nga - một nền tảng cho hy vọng nối lại hợp tác.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tuyên bố Moscow sẵn sàng mở đối thoại nếu phương Tây nghiêm túc cân nhắc các quan ngại an ninh của Nga và xây dựng quan hệ dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Tín hiệu tích cực cũng đến từ nội bộ Nga. Theo khảo sát của Trung tâm Levada công bố tháng 6 trên 1613 người Nga trưởng thành, 80% người Nga tham gia khảo sát ủng hộ cải thiện quan hệ với phương Tây - mức cao nhất từng ghi nhận. Chỉ 14% phản đối, thấp nhất trong lịch sử khảo sát. Bên cạnh đó, 64% người được hỏi ủng hộ đàm phán để chấm dứt chiến sự Ukraine.
Trong khi đó, một số lãnh đạo châu Âu bắt đầu cho thấy sự điều chỉnh quan điểm. Tổng thống CH Czech Petr Pavel - người từng giữ lập trường cứng rắn với Moscow - gần đây lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc nối lại đàm phán với Nga sau khi xung đột Ukraine kết thúc. Ông Pavel cảnh báo rằng một cuộc chiến kéo dài là “không thể chấp nhận được” và cho rằng đối thoại là con đường khả thi nhất để tiến tới tái thiết Ukraine và xây dựng lại quan hệ với Nga trên những điều kiện mới.
Thủ tướng Hungary - ông Viktor Orban cũng nhiều lần kêu gọi EU “ném bỏ các lệnh trừng phạt ra khỏi cửa sổ” và tiến tới một quan hệ không trừng phạt với Nga. Ông Orban cho rằng trong bối cảnh địa chính trị mới, EU cần thay đổi cách tiếp cận để mở ra cơ hội đối thoại mang tính xây dựng hơn với Moscow.
Từ góc nhìn phân tích, chuyên gia chính trị quốc tế Pepe Escobar dự báo rằng trong vòng một thập niên tới, Nga và EU có thể bình thường hóa quan hệ ngoại giao - điều ông cho là “không thể tránh khỏi về mặt lịch sử”, theo báo Caliber.
Tuy vậy, vị chuyên gia lưu ý quá trình hòa giải sẽ đòi hỏi nỗ lực đáng kể từ cả hai phía, đặc biệt từ giới lãnh đạo. Ông Escobar nhấn mạnh Đức là quốc gia có tiềm năng dẫn dắt tiến trình này, nhờ mối liên kết kinh tế và lịch sử sâu sắc với Nga.
Dù bất đồng giữa Nga và EU chưa có lời giải rõ ràng, các tuyên bố và xu hướng dư luận gần đây cho thấy vẫn còn dư địa cho hòa dịu, ít nhất là trong dài hạn. Quan hệ Nga-châu Âu có thể chưa thể “tan băng” ngay, nhưng những tín hiệu tích cực đã bắt đầu nhen nhóm từ cả hai phía.
Đằng sau việc ông Trump quyết định gửi Patriot cho Ukraine
Ngày 14-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức xác nhận Mỹ sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Đài CNN dẫn lời các quan chức Mỹ (yêu cầu không tiết lộ danh tính) rằng quyết định của Tổng thống Trump về việc Washington sẽ bán vũ khí cho các nước châu Âu để họ chuyển giao cho Ukraine thay vì viện trợ trực tiếp là một bước đi được tính toán kỹ lưỡng, hướng đến nhiều mục tiêu cùng lúc.
Trước hết, cách tiếp cận này giúp ông Trump giảm thiểu những chỉ trích trong nước rằng ông đang đi ngược lại cam kết tranh cử về việc thu hẹp vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột tại Ukraine. Thông qua việc “ủy quyền” cho các đồng minh châu Âu đảm nhiệm khâu chuyển giao, ông Trump vẫn duy trì được sự hỗ trợ dành cho Kiev mà không bị xem là trực tiếp can dự sâu hơn vào cuộc chiến.
Thứ hai, đây là một chiến lược mang lại lợi ích tài chính rõ rệt. Với giá khoảng 1 tỉ USD mỗi hệ thống, Patriot là một mặt hàng quốc phòng có giá trị rất lớn. Ông Trump đã không ngần ngại nêu bật khả năng thu lợi từ kế hoạch này, coi đó là một phần trong cam kết “tái thiết ngành công nghiệp Mỹ”.
Ngoài ra, việc triển khai qua châu Âu còn giúp rút ngắn thời gian chuyển giao, bởi nhiều hệ thống Patriot đã được bố trí sẵn ở lục địa này. Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine có thể tiếp cận vũ khí nhanh hơn, thay vì chờ sản xuất hoặc vận chuyển từ Mỹ.
Nhưng trên hết, động thái này mang thông điệp chiến lược không thể bỏ qua. Một số quan chức Mỹ nhận định rằng gia tăng viện trợ vũ khí là cách để ông Trump phát tín hiệu cứng rắn tới Moscow, đặc biệt khi ông nhiều lần công khai bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Putin.
DƯƠNG KHANG/Theo PLO