
Theo Press TV (Iran), Tướng Hajizadeh vốn ủng hộ mạnh mẽ tinh thần tự lực, đổi mới và chiều sâu chiến lược, ông đã giám sát việc phát triển các hệ thống tên lửa tiên tiến, bao gồm khả năng tấn công chính xác và tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.000 km.
Từ tháng 10/2009 cho đến khi qua đời vào ngày 13/6/2025 sau vụ không kích của Israel, Tướng Hajizadeh đã chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ IRGC. Trong quãng thời gian này, ông đóng vai trò quan trọng định hình các chương trình tên lửa đạn đạo và thiết bị bay không người lái của Iran, đưa chúng trở thành nền tảng chiến lược quốc phòng quốc gia.
Hành trình từ người lính đến vị chỉ huy
Ông Hajizadeh sinh tại Tehran năm 1962. Ông gia nhập IRGC năm 19 tuổi, sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Chiến dịch đầu tiên ông tham gia là đến tỉnh Ilam phía Đông đất nước để trấn áp các nhóm ly khai. Năm 1980, ông được điều động đến tỉnh Khuzestan phía Nam và tham gia vào các hoạt động quân sự phức tạp trên khắp khu vực Susangerd, Khorramshahr, Hoveyzeh.
Sau đó, ông tham gia Chiến dịch Valfajr 8 (1986), Chiến dịch Karbala 4 và 5. Với kinh nghiệm chinh chiến dạn dầy, ông nhận nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị tên lửa IRGC. Vào những năm 1990, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy sư đoàn kỹ thuật chiến đấu của Không quân IRGC.
Cũng ở trong thời kỳ này, Iran bắt đầu xây dựng các căn cứ tên lửa ngầm được mệnh danh là "thành phố tên lửa".
Khởi đầu từ con số 0

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021, Tướng Hajizadeh nhớ lại rằng Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã khuyến khích IRGC tự cung tự cấp trong phát triển vũ khí.
Ban đầu, họ không có định hướng rõ ràng. Trong khi các cường quốc quân sự phương Tây và phương Đông đầu tư mạnh vào hàng không, Tướng Hajizadeh nhận ra rằng Iran sẽ tụt hậu hai thế hệ nếu theo đuổi phát triển máy bay chiến đấu. Do đó, trọng tâm chuyển sang tên lửa đạn đạo, được coi là khả thi hơn và có khả năng đe dọa các căn cứ của kẻ thù ở khoảng cách xa.
Những tên lửa đạn đạo đầu tiên của Iran là Scud do Liên Xô sản xuất. Iran mua chung vào năm 1984 và để lại hai quả dành riêng cho việc nghiên cứu và sao chép công nghệ.
Mặc dù một số thành viên IRGC coi đó là lãng phí, nhưng Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei vẫn tập trung đẩy mạnh khả năng tự lực. Nhiều năm sau, các nhà máy sản xuất tên lửa nội địa đầu tiên của Iran hình thành từ định hướng này.
Vào những ngày đầu của chương trình tên lửa do Iran sản xuất - Shahab năm 1994, độ chính xác là yếu tố thứ yếu. Sai số trượt mục tiêu CEP là vài trăm mét hoặc thậm chí vài kilômét.
Năm 2003, Chuẩn tướng Ahmad Kazemi là người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ IRGC, còn Tướng Hajizadeh được bổ nhiệm vào Bộ Tư lệnh Phòng không. Ở thời điểm này, Iran không sở hữu hệ thống phòng không nội địa. Thay vào đó, Nga cung cấp cho Iran tên lửa đất đối không Buk. Một lần nữa, Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei và Tướng Hajizadeh nhấn mạnh đến việc phát triển các hệ thống nội địa.
Trong những năm sau đó, tên lửa chống tăng Raad, hệ thống phòng không Tabas cùng tổ hợp tên lửa đất đối không Khordad thứ 3 được xuất xưởng.
Theo Tướng Hajizadeh, chính các lệnh trừng phạt đã tác động đến việc Iran vun đắp cho sức mạnh phòng không nội địa. Bởi nếu có thể dễ dàng mua sắm, Iran có thể rơi vào cảnh phụ thuộc thiết bị quân sự nước ngoài.
Chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ IRGC

Năm 2009, Tướng Hajizadeh được bổ nhiệm giữ chức chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ IRGC. Cùng năm, Iran phóng vệ tinh Omid bằng tên lửa Safir. Diễn biến này báo hiệu bước gia nhập của Iran vào “câu lạc bộ vũ trụ”, thông qua việc phát triển công nghệ tên lửa hai mục đích.
Tướng Hajizadeh tin rằng Iran cần đầu tư vào công nghệ vũ trụ bản địa vì nước này đang phải vật lộn với lệnh trừng phạt trong khi công nghệ này vô cùng thiết yếu đối với mục đích quân sự và dân sự.
Trong 16 năm giữ vai trò chỉ huy, Tướng Hajizadeh là nhân vật chủ chốt trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch tên lửa quan trọng ở Iraq, Syria, Vịnh Ba Tư…
Thiết bị bay ném bom không người lái của Iran, sử dụng bom thông minh, đã tiến hành 700 hoạt động chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Năm 2017, ông Hajizadeh đã giám sát các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào mục tiêu IS để đáp trả cuộc tấn công khủng bố vào quốc hội Iran và lăng mộ của Imam Khomeini. Năm 2019, ông chịu trách nhiệm cho vụ IRGC bắn hạ thiết bị bay không người lái Global Hawk của Mỹ.
Một năm sau, ông chỉ đạo cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Ain al-Asad ở Iraq sau vụ Mỹ ám sát Tướng Soleimani. Năm 2024, Tướng Hajizadeh chỉ huy Chiến dịch Lời hứa Chân thật 1 và 2 sử dụng tên lửa và thiết bị bay không người lái quy mô lớn nhằm vào Israel.
Dưới sự chỉ huy của Tướng Hajizadeh đối với lực lượng hàng không vũ trụ IRGC, kho vũ khí đạn đạo của Iran đã thay đổi mạnh mẽ, từ tên lửa Shahab thô sơ vào cuối những năm 2000 đến tên lửa siêu vượt âm Fattah vào những năm 2020. Đồng thời, hầu như tất cả các radar nội địa hiện đại và hệ thống phòng không của Iran, cũng như những phi đội thiết bị bay không người lái tiên tiến đều được phát triển trong thời gian này.
Iran cũng bắt đầu chuyển dần từ tên lửa nhiên liệu lỏng Shahab sang tên lửa nhiên liệu rắn như Sejjil, giúp đạt được bước tiến lớn về tốc độ cho quá trình chuẩn bị phóng. Các tên lửa đạn đạo tầm trung như Ghadr-110, Fajr-3, Ashura và Sejjil ra mắt vào nửa cuối những năm 2000, đã mang lại cải tiến đáng kể về lực đẩy nhiên liệu, thời gian chuẩn bị phóng ngắn hơn và độ chính xác. Nhưng chúng vẫn là những hệ thống đồ sộ và tốn kém.
Những thiếu sót của tên lửa đạn đạo tầm trung cỡ lớn đã được bù đắp vào những năm 2010, khi các biến thể mới dựa trên Fateh-110 vốn có tầm bắn 200-300km được đưa vào hoạt động. Chúng tăng tầm bắn theo thời gian, với Fateh-313 lên 500 km, Zolfaghar lên 700 km, Dezful lên 1.000 km và cuối cùng là Kheibar Shekan lên 1.450 km.
Các tên lửa mới, nhỏ hơn và đơn giản, cơ động, khó bị hệ thống phòng không của đối phương bắn hạ và sở hữu độ chính xác cao. Ngoài ra, chúng dễ sản xuất hàng loạt và có thể lắp ráp với số lượng lớn.
Năm 2015, căn cứ tên lửa ngầm của Iran lần đầu tiên được công bố với sự tham dự của Tướng Hajizadeh. Vào năm 2024, ông lưu ý rằng các căn cứ tên lửa của Iran nằm sâu 500 m dưới lòng đất, khiến kẻ thù dù phát hiện được cũng không thể tấn công.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc