TQ chưa "hoàn hồn" sau đòn của EU, Đài Loan "thừa nước đục": Nhắm thẳng điều Bắc Kinh cay cú nhất

Chính quyền Đài Loan kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng khởi động các cuộc đàm phán thương mại, sau khi khối này cam kết tìm kiếm một thỏa thuận với hòn đảo.

EU đã đưa Đài Loan vào danh sách các đối tác thương mại cho một thỏa thuận đầu tư song phương tiềm năng vào năm 2015, nhưng vẫn chưa hội đàm với Đài Bắc về vấn đề này kể từ thời điểm đó.

Động thái mới đây của Đài Loan được cho là nhằm hưởng ứng trước chiến lược mới được công bố của EU hôm 16/9 (giờ địa phương) về việc tăng cường sự hiện diện của khối này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Đài Loan.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan hôm thứ Sáu (17/9) cho biết các cuộc đàm phán sẽ sớm bắt đầu. Nghị viện Châu Âu (EP) vốn đã ủng hộ một thỏa thuận thương mại giữa EU với Đài Loan, trong khi chính EP hồi tháng 5 đã đóng băng thuận đầu tư quan trọng mà EU-Trung Quốc đạt được sau 7 năm trời đàm phán.

"Chúng tôi kêu gọi EU bắt đầu công việc trước khi đàm phán về đánh giá tác động, tham vấn cộng đồng và xác định phạm vi cho Hiệp định đầu tư song phương với Đài Loan càng sớm càng tốt theo các nghị quyết của Nghị viện châu Âu," phía Đài Loan cho hay.

TQ chưa hoàn hồn sau đòn của EU, Đài Loan thừa nước đục: Nhắm thẳng điều Bắc Kinh cay cú nhất - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến với các lãnh đạo EU vào tháng 12/2020, khi đôi bên cùng tuyên bố khép lại quá trình đàm phán và nhất trí ký kết thỏa thuận đầu tư lịch sử giữa Trung Quốc và EU (Ảnh: LI XUEREN/XINHUA)

Trước đó, việc EU công bố bản chiến lược chính thức về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được mô tả như một "đòn giáng kép" nhằm vào Bắc Kinh, bởi động thái diễn ra chỉ gần 1 ngày sau khi Mỹ-Australia-và Anh tuyên bố thành lập liên minh chiến lược AUKUS, với trọng tâm là Mỹ hỗ trợ Australia lọt vào nhóm số ít nước sở hữu công nghệ tàu ngầm hạt nhân.

AUKUS hình thành cũng được xem là một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm củng cố các liên minh chống lại Trung Quốc.

Các nước thành viên EU và bản thân khối EU không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan do sự phản đối từ Trung Quốc. Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc Đại lục và phản đối tất cả ý định thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, vì vậy bất kỳ thỏa thuận đầu tư nào với hòn đảo cũng có thể tạo nên sự phức tạp về mặt chính trị đối với EU.

Mối quan hệ giữa EU với Trung Quốc đang ngày càng xấu đi sau những lệnh cấm vận qua lại giữa đôi bên hồi đầu năm nhằm vào các quan chức và học giả của nhau, liên quan đến bất đồng trong vấn đề Tân Cương. 

Châu Âu cũng bắn tín hiệu về việc đóng băng thỏa thuận thương mại cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Căng thẳng ngoại giao Trung Quốc-EU leo thang cũng làm sâu sắc thêm các tranh chấp trong quan hệ song phương, và cản trở các công ty EU tiếp cận nhiều hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

EU cũng đang tìm cách thúc đẩy hợp tác với Đài Loan về chất bán dẫn, do tình trạng thiếu chip ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và đóng cửa một số dây chuyền sản xuất ô tô, bao gồm cả ở châu Âu.

Tháng trước, Bắc Kinh yêu cầu Lithuania triệu hồi đại sứ của họ tại Bắc Kinh sau khi Vilnius cho phép Đài Loan thành lập văn phòng đại diện dưới tên riêng của Đài Bắc tại quốc gia thành viên EU này.

Lưu Bình

Theo Soha