Tờ Telegraph (Anh) hôm 29/6 dẫn báo cáo mới đây của Global Witness với tên gọi "Ngọc bích và xung đột: Vòng tròn luẩn quẩn của Myanmar", nói rằng quân đội Myanmar đã thắt chặt sự kiểm soát đối với ngành khai thác ngọc đầy lợi nhuận trước cuộc đảo chính ngày 1/2, gia tăng ngân sách cho quân đội và làm giàu cho giới tướng lĩnh.
Ngành khai thác ngọc có ý nghĩa quan trọng với quân đội Myanmar
Báo cáo nói ngành khai thác và kinh doanh đá quý giàu lợi nhuận không chỉ giúp cho quân đội tồn tại sau khi giành quyền kiểm soát đất nước từ tay chính phủ dân sự, mà còn giảm nhẹ những tác động tiêu cực về tài chính đối với các cá nhân nằm trong danh sách lệnh trừng phạt toàn cầu.
"Những tiết lộ của chúng tôi về việc quân đội tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán ngọc bích trị giá hàng tỷ USD là minh chứng cho việc Tatmadaw (tên gọi chính thức của lực lượng vũ trang Myanmar) đang mở rộng vòng kiểm soát các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế," ông Keel Dietz, cố vấn chính sách Myanmar tại Global Witness cho biết.
Dietz nói với Telegraph rằng, trong khi ngành công nghiệp ngọc bích và đá quý đã đóng góp "phần lớn" cho ngân sách quân đội thì "cơ hội làm giàu cho các cá nhân và những cơ hội thăng tiến" mang ý nghĩa quan trọng hơn trong việc duy trì chính quyền quân sự.
"Quân đội mang đến quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các đồng minh chính trị để đổi lấy lòng trung thành và sự ủng hộ. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn," ông nói.
Nghịch lý trong ngành khai thác ngọc ở Myanmar
Thị trấn Hpakant ở bang Kachin, miền bắc Myanmar, là nơi có các mỏ ngọc bích trữ lượng lớn nhất thế giới, nhưng trong nhiều năm qua, nơi đây cũng là trung tâm chứng kiến các cuộc xung đột bạo lực.
Thương mại đã mang đến nguồn tài chính nuôi sống các nhóm vũ trang đối đầu với quân đội, nhưng chính Tatmadaw cũng không sốt sắng những cải cách nhằm thay đổi tình hình này.
Vào năm 2016, chính phủ dân sự của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã đình chỉ tất cả hoạt động cấp phép khai thác ngọc bích và cam kết cải tổ lĩnh vực đang gặp khó khăn.
Báo cáo của Global Witness cho thấy các quan chức, các doanh nghiệp thuộc quân đội và các đồng minh kinh doanh thường xuyên phớt lờ việc ngừng cấp phép để tiếp tục làm giàu thông qua ngành khai thác ngọc. Ước tính 90% sản lượng ngọc bích khai thác tại Myanmar được tuồn ra nước ngoài, chủ yếu là sang Trung Quốc.
Vấn đề của ngành kinh doanh ngọc bích khiến các lệnh trừng phạt quốc tế khó có thể làm giảm nguồn thu của quân đội Myanmar.
Mỹ và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động buôn bán đá quý của Myanmar, các tập đoàn do quân đội điều hành chiếm thị phần lớn trong ngành cũng như các thành viên cấp cao của quân đội.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (phải) và bà Aung San Suu Kyi, tháng 5/2016 (Ảnh: EPA)
Global Witness cho biết Trung Quốc, với tư cách là quốc gia tác động lớn nhất tới nhu cầu ngọc bích, cũng có vai trò quan trọng đối với những xung đột liên quan đến thương mại.
"Tầm ảnh hưởng của quân đội đối với lĩnh vực ngọc bích quá lớn đến mức gần như người dân không thể mua được ngọc bích" mà không thông qua giới chức quân đội hay đồng minh - ông Dietz nói.
Trong khi việc tăng cường hạn chế buôn bán đá quý có thể làm tổn hại đến lợi ích của chính quyền quân sự, các công ty dầu khí - hiện đang có các khoản đầu tư đáng kể vào Myanmar - được cho là đóng vai trò lớn hơn trong việc cắt giảm nguồn thu của Tatmadaw.
Thu Ngọc
Theo Soha