Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Anh Nguyễn Cơ Thạch tên khai sinh là Phạm Văn Cương đã giác ngộ rất sớm. 16 tuổi, Anh đã tham gia Tổ chức Thanh niên dân chủ rồi Thanh niên phản đế tại Nam Định. 19 tuổi Anh bị chính quyền thực dân Pháp bắt và kết án 5 năm tù, bị giam ở các nhà tù Nam Định, Sơn La rồi Hòa Bình. Là một cán bộ cách mạng sớm có bản lĩnh nên năm 22 tuổi đang bị giam ở nhà tù Sơn La, Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Gần cuối năm 1943, Anh và một số tù chính trị chuyển đến nhà tù Hòa Bình. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Sau vài hôm tìm hiểu nguyên nhân các tù chính trị bị bắt, các sĩ quan Nhật tuyên bố sẽ thả các tù chính trị.

Một sĩ quan Nhật tập hợp các tù nhân, kể cả một số tù thường phạm còn ở lại nhà tù này và tuyên bố “ai theo Nhật thì giơ tay lên”. Mọi người lúng túng vì nếu giơ tay thì bị tù thường phạm coi thường, nếu không giơ tay thì có thể Nhật không thả.

Trong khi mọi người đang lúng túng thì Anh Nguyễn Cơ Thạch nhanh trí đặt câu hỏi: “Chúng tôi bị giam giữ không biết gì về tình hình ở ngoài, ông có thể cho chúng tôi biết được không?”

Tên sĩ quan Nhật thao thao bất tuyệt nói về thuyết Đại Đông Á, về chính quyền Trần Trọng Kim. Thấy vậy mỗi người lại thêm một câu hỏi. Tên sĩ quan Nhật trả lời không xuể, quên mất câu hỏi đã nêu ra về việc “ai theo Nhật thì giơ tay lên”. Sau này những người biết chuyện đều nhận xét khiếu ngoại giao của anh Thạch đã được biểu hiện từ đó.

Hôm sau đúng như đã tuyên bố, Nhật bố trí ca-nô đưa mọi người về thả ở Nam Định và Thái Bình. Anh Thạch về đến quê thì thấy phong trào quần chúng khá sôi động. Tháng 8/1945, Anh Thạch lãnh đạo cướp chính quyền tại Phú Nghĩa Hưng và một số tổng ở phía Nam Huyện Vũ Bản.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Trong thời gian Kháng chiến chống Pháp, Anh nhận một số trọng trách tại Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh. Khoảng hai năm sau Anh nhận nhiệm vụ Quyền Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Hà Đông, và đầu năm 1951 được cử làm ủy viên Đảng đoàn và ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu III.

Năm 1954 hòa bình được lập lại, Anh được chuyển về làm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao.

Từ đó đến sau năm 1991, trong hơn 40 năm liên tiếp, Anh gắn bó với ngành Ngoại giao và trở thành một nhà ngoại giao nổi tiếng là tài ba, uyên bác, khôn khéo, thông minh, sáng tạo.

Năm 1956, Anh được cử làm Tổng Lãnh sự đầu tiên tại Ấn Độ. Anh đã phát huy sáng kiến hoạt động tích cực góp phần xây dựng quan hệ thân thiện giữa hai nước được các bạn Ấn Độ quý mến, đặc biệt cố Thủ tướng Ấn Độ Nehru rất có cảm tình với Anh.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Năm 1960, Anh được cử làm Thứ trưởng và ủy viên Đảng đoàn Bộ Ngoại giao. Anh làm Thứ trưởng Ngoại giao 20 năm, kể cả năm thứ 20 được cử làm Quốc Vụ khanh (Hàm Bộ trưởng).

Đầu năm 1980, Anh được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao và Bí thư Ban Cán sự Đảng của Bộ. Anh giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao 11 năm kể cả thời gian từ tháng 2/1987 làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Anh quyết tâm tự học tất cả các lĩnh vực được vận dụng trong hoạt động ngoại giao, trước hết là về quan hệ quốc tế và lý luận của Chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại. Anh tự học bằng nhiều cách: đọc sách báo; tìm những người nắm vững vấn đề Anh đang tìm hiểu để học; thường ra nước ngoài tìm hiểu những vấn đề, những thực tiễn đã được tổng kết để về nước ứng dụng. Các sách về lý luận hay những vấn đề được tổng kết thường được xuất bản ở nước ngoài bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Anh đã học tiếng Pháp từ bé và đang sử dụng tốt nên quyết tâm tự học tiếng Anh. Anh đọc sách báo tiếng Anh vừa để nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết về nhiều mặt, vừa bồi dưỡng tiếng Anh.

Do đó, Anh vừa có kiến thức rộng, vừa có tiếng Anh ngày càng giỏi, vận dụng một cách linh hoạt, thông minh, phân tích trình bày cả những vấn đề rất khó, đặc biệt trong đấu tranh ngoại giao, bảo vệ quan điểm của mình, phê phán lập luận của đối phương.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Cuộc đời ngoại giao của Anh Thạch gắn liền với sự tiến triển của ngành Ngoại giao Việt Nam, theo yêu cầu của Cách mạng nước ta qua các giai đoạn lịch sử. Trong 31 năm Anh Thạch làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng là một thời kỳ tuy rất sôi động của lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta; nhưng lại là thời kỳ có không ít khó khăn và thách thức trên lĩnh vực đối ngoại như: vấn đề Campuchia, vấn đề thuyền nhân, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Tình hình quốc tế phức tạp: mâu thuẫn Xô - Trung diễn ra nghiêm trọng, nhưng Xô - Mỹ lại hòa hoãn; và ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất các thế lực thù địch ra sức cô lập ta về chính trị và cấm vận ta về kinh tế dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài...

Trong thời gian này, đương đầu với những khó khăn và thách thức phức tạp, Anh Thạch với tầm nhìn chiến lược, với khả năng nhìn xa, trông rộng đã có những đóng góp quan trọng về nhiều mặt.

Hoạt động năng nổ và tinh tế của Anh đã hướng dẫn ngành Ngoại giao ra sức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước từng bước khắc phục khó khăn, thách thức, cải thiện tình hình đất nước.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Trong khi đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, Anh Thạch rất quan tâm đến vấn đề kinh tế, coi trọng việc ngoại giao phục vụ kinh tế, vận dụng ngoại giao để phát triển kinh tế.

Trong tham luận tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, sau khi đánh giá thắng lợi của cách mạng nước ta về quân sự và chính trị trên cơ sở vận dụng quy luật “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại”, Anh nhận xét: “Nhưng trên mặt trận kinh tế chúng ta chưa kết hợp được với sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật của thời đại”.

Anh còn khẳng định: “Hiện nay các nước đế quốc dùng chủ bài kinh tế và khoa học kỹ thuật để thực hiện diễn biến hòa bình”.

Trong công tác cũng như trong tự học, Anh không bao giờ bằng lòng với điều đã biết hay ý kiến đã chuẩn bị. Anh phải lật đi lật lại vấn đề, tìm hiểu thêm, suy nghĩ kỹ, phân tích sâu, nếu là ý kiến đề xuất về một chủ trương, chính sách thì lúc đó mới nêu ra. Anh thường nói với anh em cán bộ: Ta làm ngoại giao, đối tượng là cả thế giới bao la, thế giới đó muôn màu, muôn vẻ, biến động khôn lường, nếu không mở rộng hiểu biết, nâng cao kiến thức thì không đủ khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp, nhất là không đổi mới được công việc.

Là lãnh đạo cấp cao, khi chỉ đạo cán bộ xử lý công việc Anh thường kết hợp trí tuệ cá nhân với trí tuệ tập thể để nâng cao chất lượng.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Anh rất quan tâm vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác xây dựng ngành. Vấn để xây dựng ngành đã được đề ra ngay sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc và tại Hội nghị Ngoại giao đầu tiên năm 1957. Nhưng phải đến thập niên 1980, khi Anh Thạch làm Bộ trưởng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Anh vấn đề xây dựng ngành mới được đặt ra một cách nghiêm túc với tầm quan trọng ngang với nhiệm vụ chính trị.

Anh đã đưa công tác xây dựng ngành đi vào chiều sâu với bốn nội dung quan trọng là: Cải tiến sự lãnh đạo của Bộ, xây dựng các đơn vị cơ sở, tiêu chuẩn hóa cán bộ và đào tạo cán bộ thừa kế.

Sau đó, Anh bổ sung hai nhân tố là vấn đề Đảng và người lãnh đạo. Anh nhấn mạnh phải gắn xây dựng Đảng với xây dựng ngành, lấy việc thực hiện nghĩa vụ của ngành làm nội dung giáo dục tư tưởng cho cán bộ.

Về người lãnh đạo, Anh nhấn mạnh vừa phải chịu trách nhiệm với cấp trên, vừa phải chịu trách nhiệm với cấp dưới, trên cơ sở quản lý công việc bằng cách gắn đầu vào với đầu ra; đầu vào là chương trình đơn vị phải thực hiện, đầu ra là sản phẩm cuối cùng, kết quả thực hiện chương trình.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Để đào tạo cán bộ thừa kế, Anh đã có sáng kiến chỉ đạo việc xây dựng Quy chế Tập sự cấp Vụ, và sau một số năm khi thực hiện tập sự cấp Vụ đạt nhiều kết quả thì xây dựng Quy chế Tập sự cấp Bộ. Các quy chế này đến nay vẫn được thực hiện.

Do tích cực thực hiện công tác xây dựng ngành, nền Ngoại giao Việt Nam đã từng bước được hiện đại hóa với một đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành và tiếp tục được phát huy về mọi mặt, đã và đang đóng vai trò của một mặt trận đấu tranh có ý nghĩa chiến lược, chủ động, sáng tạo trên các diễn đàn song phương và đa phương, trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần phục vụ lợi ích tối cao của Tổ quốc, góp phần nâng cao vai trò của ngoại giao Việt Nam và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Anh không những được tín nhiệm về mặt chính quyền, mà còn được tín nhiệm về mặt Đảng. Trong ba nhiệm kỳ liên tiếp: Đại hội IV (tháng 12/1976), Đại hội V (tháng 3/1982) và Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng, Anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội V, Ban Chấp hành Trung ương bầu Anh làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và tại Đại hội VI, Ban Chấp hành Trung ương bầu Anh làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Đại hội VII của Đảng được triệu tập vào năm 1991 lúc Anh vừa tròn 70 tuổi. Do đó, sau Đại hội Anh về hưu và được Bộ Chính trị cử tham gia Ban Tư vấn tổng kết về Ngoại giao, nghiên cứu kinh tế thế giới và góp phần xây dựng chiến lược đối ngoại.

Về hưu, nhưng Anh không nghỉ; dù tuổi cao, sức yếu dần, Anh vẫn tiếp tục làm việc, vẫn say sưa nghiên cứu và học tập. Với kết quả nghiên cứu và học tập những năm về hưu Anh đã viết quyển “Thế giới 50 năm qua (1945 - 1995) và thế giới 25 năm tới (1996 - 2020)”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Viết quyển sách này với tư cách là người chứng kiến những thay đổi lớn lao của thế giới, Anh đã chỉ ra nguồn gốc sâu xa, động lực bên trong của các thay đổi ấy; chỉ ra những biến đổi trong đời sống của các nước mà động lực chính là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế đối với việc nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Với kiến thức được nâng cao về nhiều mặt làm căn cứ cho một tầm nhìn xa trông rộng, Anh có điều kiện để phán đoán sự phát triển của thế giới và đất nước trong một phần tư thế kỷ tới.

* * *

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

Qua 60 năm tham gia cách mạng, trong đó hơn 40 năm gắn bó với ngành Ngoại giao, Anh đã nổi bật là một tấm gương sáng về nghị lực và tinh thần tiến công cách mạng. Anh đã không ngừng nêu cao ý thức trách nhiệm, kiên quyết bảo vệ quan điểm của Đảng, lợi ích của đất nước, góp phần giải quyết thỏa đáng những vấn đề quốc tế phức tạp, không ngừng đề cao vai trò của Ngoại giao Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước. Anh đã có nhiều cống hiến nổi bật mà lịch sử Ngoại giao Việt Nam ghi lại với dấu ấn sâu đậm về Anh. Thiết tưởng cũng cần ghi thêm những đóng góp nổi bật của Anh sau đây:

1.Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi mở ra cục diện đánh - đàm giữa ta và Mỹ, với tư cách lãnh đạo CP50, Anh đã phát huy vai trò tham mưu, có nhiều sáng kiến chuẩn bị chu đáo các phương án đấu tranh cho các cuộc họp hai bên, bốn bên và làm cầu nối giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với hai Đoàn ta ở Paris.

Sau khi dự thảo “Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được xây dựng mà Anh là một tác giả được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến và gửi sang Paris, và sau khi Anh Lê Đức Thọ trao dự thảo đó cho Kissinger thì Anh Thạch được điều sang Paris tham gia vào quá trình đàm phán.

Lúc này, hai Đoàn đàm phán ta và Mỹ thỏa thuận lập một nhóm chuyên gia của hai bên do Anh Thạch làm Trưởng đoàn về phía ta và Sullivan, Đại sứ, Trợ lý của Kissinger làm Trưởng đoàn về phía Mỹ.

Nhóm chuyên gia này có nhiệm vụ đàm phán về bốn Nghị định thư và một số vấn đề cụ thể có liên quan đến Hiệp định. Cuộc đàm phán giữa Anh Thạch và Sullivan diễn ra song song với cuộc đàm phán chính khá căng thẳng và kéo dài. Có nhiều vấn đề Anh Thạch nêu ra, Sullivan phản đối, Anh Thạch phải đấu tranh gay gắt, phân tích sâu sắc cuối cùng Sullivan phải chấp nhận.

Sullivan nói với mọi người: “Trong cuộc đời làm ngoại giao của tôi, đàm phán với ông Nguyễn Cơ Thạch là khó nhất".

2. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân về nước, vấn đề đặt ra đối với ta là phải tính toán nếu ta đánh ngụy thì Mỹ có can thiệp trở lại không. Anh Thạch đã lãnh đạo bộ máy Bộ Ngoại giao kết hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, phân tích tình hình trình Bộ Chính trị thông qua kết luận: “Ít khả năng Mỹ can thiệp trở lại và cũng ít khả năng Mỹ dốc sức giúp ngụy nếu ta đánh lớn ở miền Nam”. Với nhận định đó, các binh đoàn hùng mạnh của ta đã yên tâm xung trận làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

3. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, tuy có thuận lợi nhưng ta gặp không ít khó khăn do các thế lực thù địch ra sức cô lập ta về chính trị và cấm vận ta về kinh tế gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài. Trong bối cảnh đó, Anh đã lãnh đạo ngành Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan từng bước làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, cải thiện tình hình đất nước.

4. Bước vào thời kỳ đổi mới sau khi có Nghị quyết của Đại hội VI, Anh đã trình Bộ Chính trị (Khóa VI) thông qua Nghị quyết 13 ngày 20/5/1988 về “Nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, một bước ngoặt trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta với chủ đề: “Giữ vững hòa bình, phát triển đất nước”. Nghị quyết 13 nêu rõ: Trong tình hình mới ở khu vực và trên thế giới nước ta có cơ hội giữu vững hòa bình, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh chính sách “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Điểm này đến Đại hội lần thứ VII trở thành một chủ trương lớn được thực hiện lâu dài và rất có kết quả. Nghị quyết còn đề ra những nhiệm vụ cấp bách quan trọng cần quan tâm thực hiện: Góp phần giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với các nước ASEAN và các nước Đông Nam Á, bình thường hóa quan hệ với Mỹ…

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Cơ Thạch

5. Khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, Anh đã cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao đề nghị với Bộ Chính trị ta nên có thái độ bình tĩnh, đúng mực, tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất tác động của sự kiện này đối với nước ta; tìm các nguồn khác bù đắp sự thiếu hụt do không còn viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu.

Bộ Chính trị hoan nghênh đề nghị này và yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với các ngành tìm hiểu nguyên nhân chủ quan và khách quan của việc Liên Xô và Đông Âu tan rã nhằm rút bài học cho cách mạng nước ta.


Ảnh: TTXVN

Đồ họa: Phạm Anh Tuấn

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link