Nga-Trung Quốc tiến triển mới ở biên giới

Cây cầu bắc qua sông Amur được kết nối thêm đường ray đã hoàn thành, ước tính sẽ vận chuyển lượng hàng hóa lên tới 21 triệu tấn.

Hôm 17/8, Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, các công nhân xây dựng đã hoàn thành việc đặt đường ray trên cây cầu bắc qua sông Amur ở biên giới Nga và Trung Quốc.

Việc lắp đặt đoạn ray cuối cùng trên cây cầu đã được hoàn thành vào sáng cùng ngày tại công trường xây dựng cầu đường sắt ở tỉnh Hắc Long Giang.

Tốc độ thiết kế của tàu trên cầu là 100 km / h, sản lượng qua cầu đạt 21 triệu tấn mỗi năm.

Cây cầu nối vùng Nizhneleninskoe - Tongjiang của tỉnh Hắc Long Giang bắc qua sông Amur sẽ trở thành cây cầu đường sắt đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc. Cây cầu dài hơn 2,2 km, trong đó 309 mét sẽ ở phía Nga.

Cầu vượt được thiết kế để các đoàn tàu chạy luân phiên trên một đường ray với hai tiêu chuẩn khổ: Khổ 1.520 mm cho toa xe của Nga và khổ 1.435 mm đối với Trung Quốc. Dự kiến ​​xuất khẩu quặng sắt, than đá, phân khoáng và lâm sản qua cầu sang Trung Quốc.

Theo kế hoạch, các chuyến tàu thử nghiệm đầu tiên sẽ đi qua cầu vào tháng 8 năm 2021.

 

 

 

Cây cầu bắc qua sông Amur nối liền hai thành phố của Nga và Trung Quốc đã chính thức hoàn thành. (Ảnh: Reuters)

 

Việc đưa cây cầu đi vào vận hành sẽ tiếp thêm một bước tiến cho hợp tác xuyên biên giới ở con sông đã từng chứng kiến những giai đoạn lịch sử đau thương của hai quốc gia.

Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc ở khu vực này cũng có thể coi là một dấu ấn dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi kết thúc những tranh cãi biên giới với Trung Quốc.

Năm 2019, Nga và Trung Quốc cũng công bố xây dựng tuyến cáp treo xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới để đưa du khách đi từ Nga sang Trung Quốc trong vòng chưa tới 8 phút qua sông Amur.

Dự kiến, công trình sẽ đưa du khách đi từ thành phố Hắc Hà (Trung Quốc) sang thành phố Blagoveshchensk (Nga) chỉ chưa đầy 8 phút. Từ cáp treo, du khách sẽ có cái nhìn toàn cảnh về sông Amur từ trên cao, cũng như các thành phố hai bên dòng sông.

Đại diện của UNStudio cho biết, hệ thống cáp treo gồm 2 tuyến, mỗi tuyến có 4 cabin xuất phát cách nhau 15 phút. Trong đó, mỗi cabin sẽ chở khoảng 60 hành khách cùng hành lý.

“Khi vượt biên giới tự nhiên của sông Amur, cáp treo Blagoveshchensk – Hắc Hà sẽ là hệ thống cáp treo đầu tiên kết nối hai quốc gia và nền văn hóa. Hơn cả một công trình, đây sẽ là biểu tượng của bản sắc văn hóa, giao thoa giữa vùng miền”, ông Ben van Berkel, người sáng lập đồng thời là kiến trúc sư trưởng của dự án chia sẻ.

Sông Amur thường đóng băng vào mùa đông. Khi di chuyển trên cáp treo, từ trên cao, du khách được thưởng ngoạn mọi khoảnh khắc ấn tượng nhất.

Ngoài ra, ga cáp treo sẽ có không gian xanh, sân thượng và nhà hàng phục vụ khách. Công trình dự kiến sẽ mở cửa đón khách vào năm 2021.

Tranh chấp lãnh thổ Nga- Trung bên bờ sông Amur

Hiệp ước Aigun năm 1858 giữa Đế quốc Nga và Triều nhà Thanh đã vạch ra đường biên giới giữa hai quốc gia dọc sông Amur. Theo đó, Nga nhận 600.000 km vuông ở bờ bên trái sông Amur. Hai năm sau, Hiệp định Bắc Kinh được ký kết, Nga nhận thêm khu vực rộng lớn ở bờ phải sông Amur do vậy hoàn toàn kiểm soát khu vực Primorye dọc xuống Vladivostok.

Năm 1969, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Moscow lên đến đỉnh điểm, xung đột quân sự xảy ra ở biên giới gây ra lo ngại về bùng nổ chiến tranh. Đến năm 1989, mối quan hệ song phương được bình thường hóa. Vấn đề biên giới được thống nhất qua thỏa thuận năm 1991.

Nhà sử học người Nga Boris Tkachenko cho biết ở thời điểm đó Trung Quốc thu được 720 km vuông. Điều đáng nói là diện tích này không bao gồm đảo Zhenbao/Damansky - nơi xảy ra đối đầu quân sự năm 1969.

Năm 1991, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân thăm Liên Xô và đã ký Thỏa thuận chung về biên giới Xô-Trung ở phần phía đông. Hai bên quyết định vẽ lại đường biên giới dọc theo lạch giữa của các con sông tàu thuyền đi lại được và ở giữa những con sông tàu thuyền không đi lại được.

Tất cả các đảo nằm về phía Trung Quốc, tính từ giữa lạch sông Amur và Ussuri đã được tuyên bố là thuộc về Trung Quốc, bao gồm cả đảo Damansky. Sau khi thuộc về Trung Quốc, một đài tưởng niệm với tên của các "anh hùng dân tộc" Trung Quốc đã "hy sinh" vào năm 1969 đã được dựng lên trên đảo. Trên đảo còn có một viện bảo tàng cấm người nước ngoài vào tham quan.

Vài tháng trước khi Liên Xô tan rã, Nga đã trao cho Trung Quốc khoảng 600 hòn đảo trên sông Amur và sông Ussuri, cũng như 10 km² đất liền.

Vào thời của Boris Yeltsin, Nga đã mất thêm 1,5 nghìn ha đất ở Primorye trong quá trình phân định biên giới vào tháng 11/1995, khi thực hiện Thỏa thuận năm 1994 giữa Nga và Trung Quốc về biên giới Nga-Trung ở phía tây. 

Các vấn đề còn lại liên quan đến tình trạng hai đảo nhỏ Yinlong và Heixiazi gần Khabarovsk. Trong thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc năm 2004, đảo Heixiazi trở thành vùng lãnh thổ của Bắc Kinh. Nhiều ý kiến tại Nga cho rằng Moscow đã nhún nhường trước Bắc Kinh.

Thỏa thuận biên giới khác được ký kết năm 2008 dưới thời Tổng thống Putin thực hiện theo các thỏa thuận trước đó của chính quyền Gorbachev và Yeltsin, chính thức dàn xếp mọi vấn đề lãnh thổ giữa hai quốc gia. Trung Quốc và Nga trở thành đối tác chiến lược.

Theo Hải Lâm/Đất Việt