Ngày 19/5/2023, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập (AL) đã được tổ chức tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của tất cả các nước Ả Rập, trong đó có Tổng thống Syria Bashar Al-Assad có mặt lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng trong việc khôi phục tình đoàn kết và hợp tác giữa các nước Ả Rập để có thể đương đầu với các thách thức và trở thành một bộ phận tích cực của trật tự thế giới mới.
Syria đứng vững trong sóng gió của "Mùa Xuân Ả Rập"
Năm 2010, Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập cuối cùng được triệu tập tại thành phố Sirte của Libya dưới sự chủ trì của nhà lãnh đạo khi đó Muammar Gaddafi và có sự tham dự của Tổng thống Syria B. Al-Assad.
Phong trào "Mùa Xuân Ả Rập" bùng nổ năm 2011 đã lật đổ nhiều nhà lãnh đạo Ả Rập, trong đó có Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Tổng thống Tunisia Zine El Abidine, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Ali Abdullah Saleh của Yemen, và Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir.
Năm 2013, các nước Ả Rập đã mời người đứng đầu Liên minh đối lập Syria Moaz Al-Khatib tham dự hội nghị thượng đỉnh Ả Rập tại Doha thay vì Tổng thống B. Al-Assad với hy vọng bước đi này sẽ kết thúc sự tồn tại của chế độ B. Al-Assad.
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad
Tuy nhiên, ông Bashar Al-Assad vẫn giữ được chính quyền, mặc dù đất nước ông phải trải qua một cuộc nội chiến kéo dài sau phong trào "Mùa Xuân Ả Rập" và vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất vào năm 2015, khi nhiều vùng lãnh thổ của Syria lúc đó rơi vào tay phe đối lập được phương Tây và nhiều nước Ả Rập ủng hộ.
Với sự giúp đỡ quân sự trực tiếp của Nga và Iran, tháng 3/2019, Syria đã đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), bao vây phe đối lập ở tỉnh Idlib và Aleppo, giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước. Các lực lượng đối lập đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất từ trước tới nay. Ông M. Al-Khatib hiện vẫn phải sống lưu vong tại Doha.
Ả Rập Saudi, nước đầu tiên rút đại sứ khỏi Damascus và cắt đứt quan hệ với Syria tháng 8/2011, thì nay là nước đi đầu thuyết phục các nước Ả Rập chấp nhận mời Tổng thống B. Al-Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh Jeddah. Quan hệ giữa Syria và một số nước Ả Rập vài năm gần đây đã chứng kiến sự cởi mở đáng chú ý.
Ngoài các nước không cắt đứt quan hệ với Damascus như Algeria, Iraq, Oman và Lebanon, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Jordan, Ai Cập và Tunisia ở nhiều cấp độ khác nhau đã nối lại quan hệ với Syria.
Các thành viên Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tại làng Baghouz, tỉnh Deir Al Zor, Syria, ngày 20 tháng 3 năm 2019. (Ảnh: REUTERS / Rodi Said / File Photo)
Kết quả hội nghị thượng đỉnh Jeddah
Kết quả quan trọng nhất là lần đầu tiên sau nhiều năm, các nước Ả Rập đã có tiếng nói chung, đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề và nhất trí thông qua tuyên bố chung gọi là "Tuyên bố Jeddah".
Trong hơn mười năm qua, hầu hết các vấn đề của Ả Rập đều được giải quyết bên ngoài khuôn khổ của Liên đoàn Ả Rập (AL). Tuyên bố Jeddah đã bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của các nước Ả Rập, nhấn mạnh sự cần thiết của tình đoàn kết và hành động chung Ả Rập dựa trên các nguyên tắc, giá trị, lợi ích và vận mệnh chung để duy trì an ninh, ổn định, bảo vệ chủ quyền của mình và đối phó với những thách thức của kỷ nguyên mới. Điều này có ý nghĩa đặc biệt tạo động lực cho người Ả Rập hành động với ý chí tập thể để cùng nhau tự giải quyết các vấn đề của mình.
Vấn đề Palestine được đưa lên hàng đầu. Tuyên bố Jeddah lên án mạnh mẽ các hành động chống người Palestine và khẳng định ủng hộ một giải quyết toàn diện và công bằng cho cuộc xung đột Palestine - Israel trên cơ sở giải pháp hai nhà nước phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc, sáng kiến hòa bình Ả Rập và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhằm khôi phục các quyền hợp pháp của nhân dân Palestine, đặc biệt là quyền trở về, quyền tự quyết và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền bên trong đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem. Tuyên bố cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chịu trách nhiệm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ Palestine.
Khói bốc lên từ cuộc không kích của Israel vào khu phức hợp ở Thành phố Gaza ngày 11/5/2021. Ảnh: AFP
Điều đặc biệt quan trọng là hội nghị Jeddah đã hoan nghênh quyết định của Hội đồng Liên đoàn Ả Rập khôi phục chiếc ghế của Damascus tại AL và cho rằng việc Syria trở lại AL sẽ góp phần vãn hồi ổn định, duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và nối lại vai trò tự nhiên của Syria trong khu vực và thế giới là vì lợi ích chung và quan hệ anh em đoàn kết tất cả các dân tộc Ả Rập.
Hội nghị cam kết hợp tác với chính phủ của Tổng thống B. Al-Assad nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria thông qua đối thoại, đồng thời giúp Syria giải quyết các vấn đề nhân đạo, hồi hương người tị nạn và tái thiết đất nước.
Ngoài ra, hội nghị Jeddah đã thảo luận các cuộc xung đột khác ở Sudan,Yemen, Libya, Somalia, khủng hoảng chính phủ ở Liban và khẳng định sẽ cùng nhau hợp tác để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này.
Tuyên bố giá cao các cố gắng của của Ả-rập Saudi trong quá trình hòa giải giữa các nước Ả Rập, vượt qua mọi trở ngại trong suốt một năm qua để tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Ả Rập lần thứ 32 tại Jeddah. Đặc biệt, với sự chủ trì của Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman, một loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy hành động chung của Ả Rập trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường đã được thông qua.
Các vấn đề nổi cộm cần phải được giải quyết
Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh Jeddah đã thỏa thuận đưa Syria trở lại AL, một số nước vẫn bảo lưu. Để tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn, hội nghị đã đề ra nguyên tắc "từng bước", có nghĩa là Syria phải giải quyết ba vấn đề nổi cộm trước khi bình thường hóa với tất cả các nước Ả Rập.
Thứ nhất, Damascus phải giảm dần ảnh hưởng của Iran ở Syria. Trong những tuần qua, người ta nhận thấy nhiều cờ của Iran và lực lượng dân quân Shiite đã giảm rất nhiều tại các thành phố Syria. Các nhà quan sát cho đây được hiểu ngầm là một sự đáp ứng tích cực của Syria.
Vấn đề thứ hai gây rắc rối cho Jordan và các nước vùng Vịnh là buôn lậu ma túy được sản xuất và xuất khẩu từ Syria, đặc biệt là thuốc "Captagon". Hiện nay, Syria là nước sản xuất và trung chuyển ma túy lớn nhất tại Trung Đông và đây là vấn đề nhức nhối trong quan hệ giữa các nước Ả Rập với Syria. Không phải ngẫu nhiên, ngày sau khi kết thúc hội nghị ngoại trưởng các nước Ả Rập đầu tháng 5/2023 đồng ý đưa Syria trở lại AL và trước hội nghị thưởng đỉnh Jeddah, Jordan đã cho máy bay ném bom phá hủy nhà máy sản xuất "Captagon" ở As-Suwayda trên biên giới Syria, nơi Amman coi là trung tâm buôn lậu ma túy lớn nhất khu vực.
Hầu hết các viên thuốc Captagon giả được sản xuất tại Syria và Lebanon. Ảnh: Reuters/Nikolay Doychinov
Vấn đề thứ ba là Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải cưu mang hàng triệu người tị nạn Syria kể từ năm 2011. Theo Liên Hợp Quốc, Syria vẫn đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới, với hơn 13 triệu người buộc phải chạy trốn ra nước ngoài hoặc phiêu bạt bên trong Syria. Những người này, đặc biệt là những người đã tham gia chống chính phủ sống tại các vùng do lực lượng đối lập kiểm soát, rất lo lắng về hệ quả khi trở về. Các nước Ả Rập yêu cầu chính quyền Syria phải tiếp nhận trở lại phần lớn những người tị nạn này và đảm bảo ổn định cuộc sống cho họ.
Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đã hứa sẽ cố gắng giải quyết ổn thỏa vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Chấm dứt di sản tiêu cực của Mùa xuân Ả Rập
Phong trào "Mùa xuân Ả Rập" đã gây ra nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế, an ninh và thậm chí cả văn hóa cho các nước Ả Rập. Hậu quả nghiêm trọng nhất là sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố, sự sụp đổ của nhà nước dẫn đến các cuộc nội chiến ở nhiều nơi, làn sóng người tị nạn khổng lồ và sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của các nước Ả Rập. Các nước Ả Rập muốn tìm cách để thoát khỏi các di sản tiêu cực này.
Nổi bật nhất là quyết định đưa Syria trở lại AL sau 12 năm lạnh nhạt. Quyết định này không đơn thuần là nhằm khôi phục tình đoàn kết Ả Rập, mà còn có ý nghĩa lớn hơn là nhằm giải quyết các hậu quả của "Mùa xuân Ả Rập", đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố, người tị nạn và buôn bán ma túy. Chính vì lẽ đó các nước Ả Rập đã đạt được đồng thuận nhanh chóng về việc chấm dứt cô lập Syria. Điều này thể hiện mong muốn của các nước Ả Rập chấm dứt tình trạng chia rẽ do sự khác biệt quan điểm về "Mùa xuân Ả Rập".
Về phần mình, việc Syria trở lại AL cũng phù hợp với lợi ích của các nước Ả Rập trong tiến trình rũ bỏ các tàn dư của "Mùa Xuân Ả Rập". Phát biểu tại hội nghi thượng đỉnh Jeddah, Tổng thống B. Al-Assad khẳng định bản sắc Ả Rập của Syria và chống lại sự can thiệp của bên ngoài.
Việc đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập là dấu mốc quan trọng trên con đường khôi phục tình đoàn kết Ả Rập. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đầy biến động, phía trước còn rất nhiều vấn đề hết sức phức tạp và thách thức mới đòi hỏi các nước Ả Rập phải chung tay giải quyết.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Ủy viên Thường vụ Quỹ HB&PT Việt Nam
Theo Tổ Quốc