Mô hình hợp tác 3-4 bên: Thực tiễn quốc tế và hàm ý chính sách đối với đối ngoại đa phương Việt Nam (Kỳ cuối)

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, hợp tác đa phương toàn cầu gặp nhiều thách thức, hợp tác nhóm 3-4 bên đang nổi lên như một lựa chọn phổ biến của nhiều nước trong quan hệ quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Hợp tác đa phương của Việt Nam

Thời gian qua, với chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, hình thức, phương thức, đối tác và có nhiều chuyển biến về số lượng (hơn 70 cơ chế, tổ chức) và chất lượng.[1]

Đối ngoại đa phương của Việt Nam có vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, duy trì môi trường hòa bình và ổn định phục vụ phát triển.

Đáng chú ý, đối ngoại đa phương Việt Nam đã vươn ra phủ sóng một mạng lưới rộng lớn gồm hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương từ cấp độ toàn cầu, liên khu vực, khu vực, tiểu vùng, cho đến mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các trung tâm kinh tế - thương mại hàng đầu thế giới.

Về lĩnh vực, hợp tác đa phương trong các lĩnh vực chuyên ngành khác như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, lao động, thông tin truyền thông, môi trường, du lịch… ngày càng được mở rộng phong phú, đa dạng (ngoại giao Covid-19 là một ví dụ điển hình thời gian gần đây).

Hiện Việt Nam tham gia không nhiều cơ chế hợp tác nhóm 3-4 bên, chủ yếu tập trung ở tiểu vùng sông Mekong (điển hình là Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia thành lập năm 1999 và hợp tác 4 nước Campuchia-Lào-Myamar-Việt Nam năm 2004 trọng tâm hợp tác phát triển, thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực…), hay hợp tác Nam-Nam như mô hình hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản-Mozambique/châu Phi.

Thực tiễn hợp tác nhóm quốc tế nói trên cho thấy xu hướng nhân rộng mô hình hợp tác nhóm thể chế hóa thấp, theo vấn đề/dự án/lĩnh vực (hay còn gọi là hợp tác nhóm chuyên biệt) giữa 3-4 nước/bên, dựa trên những nguyên tắc chung và phù hợp với lợi thế, nhu cầu của các bên có thể là sự lựa chọn bổ sung về chính sách hiệu quả với một nước tầm trung như Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Việc chủ động, tích cực, tìm tòi, sáng tạo trong phát huy mô hình này sẽ làm sâu sắc hơn các quan hệ song phương với đối tác, bổ trợ cho mạng lưới hợp tác, liên kết đa phương đa tầng nấc, đa lĩnh vực, góp phần phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, phục vụ mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước đến năm 2030.

Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Trong bức tranh tổng thể về đối ngoại đa phương của Việt Nam, có thể thấy mô hình hợp tác nhóm 3-4 bên vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng để thúc đẩy nhân rộng với tất cả các đối tác, đặc biệt trong hợp tác phát triển, hợp tác chuyên ngành, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Thứ nhất, hợp tác 3-4 bên cần xây dựng dựa trên sự kết hợp, nâng cấp các cặp hợp tác song phương ở quy mô nhỏ, linh hoạt và có thể quản lý được nhằm tăng cường đan xen lợi ích và mức độ minh bạch chính sách, tạo thêm biện pháp xây dựng lòng tin, khai thác, bổ sung tốt hơn nhu cầu, thế mạnh của nhau, nhất là từ các nước có tiềm lực kinh tế, công nghệ lớn hơn (hay còn gọi là đầu tàu/động lực của nhóm).

Đặc thù lựa chọn thành viên linh hoạt dựa trên lợi ích/thế mạnh hơn là không gian địa lý cũng mở rộng không gian hợp tác giữa Việt Nam với các nước so với các cơ chế tiểu vùng, khu vực hiện có.

Thứ hai, mạng lưới hợp tác nhóm cần góp phần mở rộng và củng cố thêm hệ thống các nguyên tắc, phương châm, giá trị hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia-dân tộc mà Việt Nam đang theo đuổi và ủng hộ, vun đắp trong các cơ chế, tổ chức đa phương ở mọi cấp độ.

Trong đó, việc lựa chọn các nguyên tắc, thông lệ hợp tác phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ của ASEAN sẽ góp phần củng cố thêm các giá trị và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Thứ ba, cần gia tăng tính bổ trợ giữa tham gia hợp tác nhóm với sự tham gia của Việt Nam trong các thể chế đa phương toàn cầu và khu vực theo hướng tận dụng tính thể chế hóa thấp và quy mô “tiểu đa phương” của mô hình hợp tác nhóm để khắc phục một số bất cập (về tốc độ ra quyết sách, hiệu quả hợp tác) của các cơ chế đa phương quy mô lớn, có quy trình, thủ tục phức tạp do tính thể chế hóa cao.

Thứ tư, để bảo đảm hiệu quả hợp tác, cần chú trọng tập trung triển khai hợp tác một/một vài vấn đề/dự án trọng điểm cụ thể, khắc phục tình trạng các cơ chế đa phương, tiểu vùng ôm đồm quá nhiều nội dung hợp tác chồng chéo dẫn đến dàn trải nguồn lực (vốn rất hạn chế), giảm tính hiệu quả.

Mô hình hợp tác theo vấn đề, chú trọng kết quả (issue-specific, result-based) ngày càng được nhiều nước chú trọng cam kết đầu tư, nhất là các nước lớn, đồng thời mở ra cơ hội cho các nước tầm trung phát huy vai trò dẫn dắt ý tưởng, sáng kiến, chủ động mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết với các nước tầm trung, nước nhỏ khác, tạo tiền đề thiết lập thêm các khuôn khổ Đối tác chiến lược theo lĩnh vực.

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển đất nước và vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.

Đại hội nêu rõ nhiệm vụ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên các lĩnh vực, các tầng nấc khác nhau với mức độ tham gia, đóng góp thực chất hơn, cam kết và đan xen lợi ích cao hơn; đối ngoại đa phương cần chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương.[2]

Trước đó, Chỉ thị 25/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 xác định đối ngoại đa phương trong lĩnh vực kinh tế là trọng tâm ưu tiên, phục vụ mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đối ngoại đa phương trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, y tế…, triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.[3]

Để triển khai cụ thể các định hướng chiến lược nói trên, Chính phủ đang tích cực đẩy mạnh tìm kiếm đối tác và khuôn khổ hợp tác, liên kết ở các cấp độ trong một số lĩnh vực/vấn đề ưu tiên như xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, các dự án hạ tầng chiến lược, năng lượng, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, công nghiệp môi trường, nông nghiệp chất lượng cao, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, công nghệ sinh học, đô thị thông minh, logistics…[4]

Trong giai đoạn tới, mô hình hợp tác nhóm 3-4 bên có thể là một hướng đi mới, bổ trợ cho đối ngoại đa phương Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, góp phần tạo thêm thế đan xen lợi ích và tăng thêm độ tin cậy cho các quan hệ đối ngoại song phương.

Việc nhân rộng mô hình hợp tác nhóm về các vấn đề liên quan đến phát triển, an ninh phi truyền thống cũng phù hợp với thực tiễn đối ngoại của một nước đang vươn lên trở thành quốc gia tầm trung như Việt Nam – một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm muốn vươn lên phát huy ý tưởng, sáng kiến, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các cơ chế đa phương.[5]

Theo tinh thần của Chỉ thị 25/TW, việc mở rộng thiết lập, tăng cường các cơ chế hợp tác nhóm cần bám sát một số phương châm sau:

Một là, phải luôn bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, đồng thời cân bằng, hài hòa với quan tâm chính đáng của đối tác.

Hai là, giữ vững độc lập tự chủ, nguyên tắc Bốn không, không tập hợp lực lượng để chống lại bên thứ ba, công khai, minh bạch.

Ba là, chủ động, tích cực phát huy sáng kiến, tìm kiếm và kết nối 3-4 bên với tất cả các đối tác chia sẻ lợi ích và nguyên tắc hợp tác (bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung), có thế mạnh phù hợp với nhu cầu, lợi ích của Việt Nam, nhất là lợi ích phát triển.

Bốn là, phát huy vai trò tiên phong của Ngoại giao và bám sát trọng tâm của Ngoại giao phục vụ phát triển, huy động tối đa nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế cho phát triển trong nước; đồng hành cùng các bộ ngành, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ.[6]

Tin liên quan
AUKUS-nấc thang trên con đường thể chế hóa các liên minh đa phươngAUKUS-nấc thang trên con đường thể chế hóa các liên minh đa phương

Từ góc độ ngành Ngoại giao có thể xem xét triển khai một số biện pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, bổ sung hợp tác nhóm 3-4 bên vào các chiến lược, kế hoạch hành động của đối ngoại đến năm 2030 với mục tiêu đưa mô hình này trở thành một phương thức hiệu quả trong huy động nguồn lực cho phát triển, tăng cường đan xen lợi ích và độ tin cậy với các đối tác, bổ trợ và làm phong phú thêm cho đối ngoại đa phương, hợp tác tiểu vùng.

Thứ hai, chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xác định một số vấn đề/lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, nắm bắt các xu thế hậu Covid-19 (như đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế…)[7], trên cơ sở đó tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể hoặc cơ sở dữ liệu về nhu cầu, thế mạnh của các đối tác tiềm năng (các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực), khả năng kết nối, nhất là với các đối tác lớn có khả năng đóng vai trò động lực/đầu tàu cho hợp tác nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể.

Việc lựa chọn một số nhóm hợp tác 3-4 bên về các lĩnh vực mà Việt Nam đang thực sự cần với các đối tác có tiềm lực, thế mạnh trong lĩnh vực đó sẽ giúp tạo ra kết quả hợp tác thực chất, tiết kiệm nguồn lực thay vì phải tham gia nhiều cơ chế có nội dung chồng chéo.

Thứ ba, ngoài những đề xuất của các đối tác, có thể chủ động thăm dò, nêu ý tưởng, sáng kiến về các nhóm mới và nội dung hợp tác với các đối tác tiềm năng phù hợp (đối tác nhỏ cùng nhu cầu hoặc đối tác tầm trung, đối tác lớn có thế mạnh), từ đó kết nối đối tác và trao đổi, nhất trí về vấn đề/lĩnh vực hợp tác, mục tiêu, nguyên tắc, điều khoản và khung thời gian hợp tác, thể thức họp và văn kiện công bố thành lập nhóm theo hướng thể chế hóa thấp, linh hoạt (không có ban thư ký, chủ yếu hợp tác cấp làm việc, chuyên gia, họp bên lề các sự kiện đa phương hoặc riêng rẽ). Các hoạt động cụ thể có thể tiến hành ở kênh 1, kênh 2 hoặc kết hợp giữa hai kênh (kênh 1,5).

Thứ tư, trong đề xuất và triển khai hợp tác nhóm cần phát huy thế mạnh, đặc thù của ngành Ngoại giao và mạng lưới 94 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời xây dựng cơ chế, phương thức tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, gắn kết trực tiếp với địa phương, doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về đối ngoại có trình độ, kỹ năng tham gia, dẫn dắt các hoạt động ngoại giao toàn diện, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực phục vụ phát triển (hay còn gọi là Ngoại giao chuyên biệt).

TS. VŨ LÊ THÁI HOÀNG - TS. LÊ TRUNG KIÊN -  Bộ Ngoại giao; Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.

Theo TCCS


[1] Lê Hoài Trung, “Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập, tăng cường sức mạnh đất nước”, Báo Thế giới và Việt Nam (16/1/2019), truy cập tại https://baoquocte.vn/doi-ngoai-da-phuong-gop-phan-day-manh-hoi-nhap-tang-cuong-suc-manh-dat-nuoc-85683.html.

[2] Bùi Thanh Sơn, “Đường lối đối ngoại Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước”, Báo Nhân dân (3/4/2021), truy cập tại https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/duong-loi-doi-ngoai-dai-hoi-xiii-voi-khat-vong-phat-trien-cua-dat-nuoc-640738/.

[3] Lê Hoài Trung, “Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập, tăng cường sức mạnh đất nước”, Báo Thế giới và Việt Nam (16/1/2019), truy cập tại https://baoquocte.vn/doi-ngoai-da-phuong-gop-phan-day-manh-hoi-nhap-tang-cuong-suc-manh-dat-nuoc-85683.html.

[4] Xem thêm toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về Tương lai châu Á ngày 20/5/2021, truy cập tại https://www.vietnamplus.vn/toan-van-phat-bieu-cua-thu-tuong-tai-hoi-nghi-ve-tuong-lai-chau-a/713999.vnp.

[5] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng (chủ biên), “Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi, ưu tiên mới của Ngoại giao Việt Nam đến năm 2030”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.

[6] Bùi Thanh Sơn, “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước”, Tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (27/1/2021), truy cập tại https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/tham-luan-cua-ban-can-su-dang-bo-ngoai-giao-633839/.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030”, Hệ thống tư liệu-văn kiện Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3671.